Cái nhìn khắt khe từ phía xã hội
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả tại những quốc gia có ngành công nghiệp game phát triển như Hàn Quốc, nhiều bậc phụ huynh vẫn có những ác cảm đối với việc con cái họ chơi game. Thậm chí, một số game thủ chuyên nghiệp StarCraft từng kể rằng họ đã phải đấu tranh rất nhiều với cha mẹ mình để đi theo con đường này dù sau đó, họ có thể kiếm được cả hàng chục ngàn USD mỗi năm. Từ đây có thể khẳng định là định kiến của đại đa số các bậc cha mẹ ở nước ta sẽ còn lớn hơn rất nhiều mỗi khi họ nhìn thấy con cái mình ngồi trước máy vi tính.
Dễ thấy, trong khi cha mẹ luôn muốn con cái mình đạt được thành tích tốt trong việc học tập thì việc bạn thay vì ngồi vào bàn học lại chuyển sang ngồi trước "máy vi tính" để chơi game sẽ khiến họ cảm thấy "gai mắt". Thay vào đó, một tình trạng chung là các bậc phụ huynh thường rất hay so sánh con mình với những người cùng tuổi, những người đang học trường điểm, được thành tích cao, rất chăm học hàng ngày... Và lúc này, nguyên nhân của việc con cái mình có thành tích học tập không bằng anh, bằng em thường bị đổ tại cho là do "nó suốt ngày chơi game".
Định kiến này tiếp tục được nâng lên khi các phương tiện truyền thông thường lên án gay gắt việc nhiều cá nhân vì quá ham mê chơi game mà bị sa ngã, bỏ học rồi thậm chí là còn nghiêm trọng hơn thế nhiều. Vốn là những người không bao giờ chơi game, các bậc phụ huynh lại dễ dàng chụp mũ rằng việc "chơi điện tử" sẽ khiến con mình trở nên hư hỏng, lười học. Từ đây, khái niệm cứ chơi game là lười học được hình thành.
Vẫn còn đó những "con sâu làm rầu nồi canh"
Quả thực là hiện tại, việc chơi game đang làm ảnh hưởng đến việc học tập của không ít học sinh, sinh viên. Vì quá ham mê chơi game, những người còn đang phải ngồi trên ghế nhà trường này dễ dàng bỏ bê bài vở, học hành để rồi phải nhận lấy những kết quả tệ hại vào cuối kỳ. Đây là một thực trạng đáng buồn và điều đáng nói là nó đang ngày càng lan rộng, khi mà tốc độ phủ sóng của Internet là quá nhanh, ai ai cũng có thể dễ dàng chơi game một cách tiện lợi (dù ở nhà hay ở hàng Net) trong khi không phải bất cứ vị phụ huynh nào cũng có thể kiểm soát được thời gian chơi game của những con nghiện này.
Một nguyên nhân khác nữa là những trò chơi online quá hấp dẫn, chúng thú vị hơn hẳn hàng đống kiến thức, lý thuyết mà bất cứ người nào cũng phải lắc đầu trong sách vở. Và khi không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào từ phía gia đình, những game thủ rất dễ bị cuốn vào thế giới ảo, nơi mà họ cảm nhận được những sự vui vẻ, thoải mái hơn hẳn việc ngồi học bài. Điều đáng sợ hơn là có những người quá sa đà vào việc chơi game mà bắt đầu lơi là, lãng quên đi nhiệm vụ chính của một người học sinh, sinh viên, đó chính là việc học tập.
Lúc này, họ đã dần quên đi mất việc chơi game là chỉ để giải trí, để giúp cho đầu óc được thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng mà lại coi nó như việc mà mình phải làm hàng ngày. Thế nhưng, đây không phải là bộ mặt thực của toàn bộ giới game thủ.
Và sự thực
Vẫn có những người vì quá ham mê chơi game mà lười học, nhưng bên cạnh đó, đa phần game thủ Việt vẫn ý thức được việc chơi game chỉ là "ảo", dẫu rằng nó cũng đôi phần làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của họ. Một ý kiến khá hài hước đã từng chỉ ra rằng, bây giờ không ngồi nhà chơi game thì học sinh, sinh viên biết giải trí bằng cái gì. Chơi thể thao, không có sân, mà dù có cũng không biết chơi với ai. Ra đường đi chơi với bạn bè thì khó, đâu phải ngày nào cũng có thể làm điều này. Vậy ngồi nhà làm gì, xem TV thì cũng như với việc chơi game, vậy chẳng lẽ suốt ngày cắm đầu vào học?
Có thể thấy, khi mà điều kiện cơ sở vật chất còn khá kém, không phải ai cũng có điều kiện tham gia chơi những môn thể thao thì việc chơi game quả là một hình thức giải trí khá hữu ích. Khi này, nhiều người chơi tìm đến game online để thư giãn, để trò chuyện với bạn bè sau một ngày học tập mệt mỏi ở trường lớp. Và vào buổi sáng, họ vẫn hoàn thành nghĩa vụ của một người học sinh, sinh viên khi đến trường nghe giảng, học và làm bài tập. Một minh chứng khác nữa là ngay cả những người lớn tuổi, đã có công ăn việc làm ổn định nhưng vẫn rất đam mê chơi game online. Có thể thấy, đối với nhiều người, game vẫn chỉ là một hình thức giải trí đơn thuần, giúp họ bỏ qua những mệt nhọc khác trong cuộc sống mà thôi!
Còn về việc những game thủ quá ham chơi mà bỏ bê việc học hành, khi mà game online ở Việt Nam vẫn chưa có được những sự quản lý nghiêm ngặt như hạn chế giờ chơi, yêu cầu game thủ phải cung cấp chính xác thông tin cá nhân thì có lẽ, sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con em mình cũng đôi phần gây ra thực trạng này.