Lãnh đạo thế giới chơi game để chống khủng bố hạt nhân

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 26/03/2014 02:29 PM

Tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Hà Lan, lãnh đạo các quốc gia được sắp xếp tham gia một trò chơi mô phỏng cuộc tấn công khủng bố hạt nhân vào một thành phố lớn ở châu Âu.

Lãnh đạo các nước, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng tham gia trò chơi mô phòng cuộc tấn công khủng bố hạt nhân đe dọa mạng sống của hàng trăm ngàn người trên máy tính nhằm kiểm tra phản ứng và cách đối phó của họ trước một cuộc khủng bố.

Lãnh đạo thế giới chơi game để chống khủng bố hạt nhân 1
 
Các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc cùng tham gia trò chơi
chiến tranh hạt nhân mô phỏng trên máy tính tại The Huage. Ảnh: Alamy
 
Trò chơi này lấy bối cảnh ở một trung tâm tài chính thuộc khu đô thị chưa được đặt tên bị tấn công bằng bom nguyên tử. “Hiện trường có thể là London, phố Wall, Milan hoặc bất cứ nơi nào khác” – các nhà lãnh đạo được cho biết.
 
Theo nội dung kịch bản, một mạng lưới khủng bố toàn cầu sẽ bí mật đánh cắp vật liệu urani để chế tạo “bom bẩn” trong phòng thí nghiệm. Quả bom sau đó được gắn kíp nổ và hẹn giờ, đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người. Các nhà lãnh đạo phải đưa ra quyết định trong thời gian thực, lựa chọn giữa việc nên thông báo cho công chúng hoặc im lặng trước vụ việc. Mặt khác, họ cũng cần cân nhắc xem có nên bắt tay hợp tác với một số quốc gia khác để đối phó vụ tấn công hoặc độc lập ngăn chặn.
 
Mỗi vị nguyên thủ được phát một chiếc máy tính bảng và trả lời các tình huống. Đứng trước áp lực về thời gian, các nhà lãnh đạo phải nhanh chóng đưa ra lựa chọn và sau đó thảo luận cùng nhau.
 
Các quan chức Mỹ cho biết trò chơi mô phỏng được thiết kế để đưa người chơi vào một tình huống “sợ mất mật” nhằm giúp các vị nguyên thủ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề bảo đảm an toàn các vật liệu hạt nhân.
 
Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng hài lòng với “sáng kiến” chơi game nói trên. Đơn cử như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảm thấy khó chịu và không mấy ấn tượng với trò chơi. Trái lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra hứng thú với ý tưởng này, một phần bởi ông có sự trợ giúp của cố vấn an ninh quốc gia Elizabeth Sherwood-Randall ngay bên cạnh.
 
Theo NLĐ.