Làng game Việt và những “anh hùng bàn phím”

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 17/07/2013 0:00 AM

Những “người hùng bàn phím” của làng game Việt sẽ là những nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta.

Câu chuyện về làng game Việt và cộng đồng game thủ tưởng chừng như đã trở thành một trong những chủ đề được bàn thảo một cách vô cùng cặn kẽ. Từ chuyện game thủ Việt ghét hack nhưng hacker vẫn xuất hiện đều đều, đến chuyện tẩy chay webgame, mà webgame vẫn ùn ùn ra mắt…

Làng game Việt và những “anh hùng bàn phím” 1

Có thể nói, internet và game online là hai khía cạnh đã và đang đồng hành phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Việc phổ cập sâu rộng của mạng toàn cầu, cũng như sự tiện dụng của nó đã dẫn đến việc ra đời rất nhiều cá nhân mà trình độ “chém gió” cứ như thật, rất hùng hồn và oai phong, những “anh hùng bàn phím” mà danh tính được vẽ nên bằng sự tưởng tượng và gần như đối lập với con người thật. 

Và trong bài viết ngày hôm nay, họ, những “người hùng bàn phím” của làng game Việt sẽ là những nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta.

Từ “chém bão” trong game…

Những mạng xã hội hay những diễn đàn hiện tại đã tạo nên một tấm mặt nạ lớn cho tất cả những người tham gia vào đó. Đứng đằng sau tấm mặt nạ, người ta có thể nói đủ mọi điều mà gần như, theo suy nghĩ chủ quan của họ, chỉ là những chuyện vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng gì đến bản thân. 

Làng game Việt và những “anh hùng bàn phím” 2

Tuy nhiên, “chém gió” với mục đích thư giãn, vui vẻ với nhau là một chuyện, còn nói những điều dối trá cứ như thật lại đem đến những hệ quả khác. Ai cũng có thể nói thoải mái trên game online, ai cũng có thể trở thành một “hiệp sĩ” oai lẫm. Nhưng sẽ có bao nhiêu người dám bước ra khỏi chiếc mặt nạ đó và đối diện với sự thật? 

Thế nên mới có chuyện một anh chàng khi quen bạn gái trên game thì bốc phét đủ thứ chuyện về công việc, cuộc sống của mình, để rồi khi cô gái phát hiện ra sự thật, cái anh chàng nhận được chỉ là sự coi thường, khinh khi. Sự thật đằng sau chiếc mặt nạ trần trụi và trơ tráo hơn nhiều so với cái vẻ ngoài được vẽ nên bằng những lời lẽ trên cuộc sống ảo.

Làng game Việt và những “anh hùng bàn phím” 3

Một mặt khác, khi “nổ” trên thế giới ảo, game thủ vô tình tạo nên một áp lực cho chính bản thân mình. Mỗi việc làm, mỗi hành động đều phải cố gắng sao cho không để mọi người phát hiện ra sự thật. Một khi con người thật không thể bộc lộ ra, chính họ đã tự lấy mất đi tự do của mình. Và trong nhiều trường hợp, vị “hiệp sĩ ảo” chính là hình ảnh mơ ước của chính chủ nhân, thế nên đằng sau lời tán dương của mọi người trên game, họ sẽ phải cay đắng đối diện với sự thực của chính bản thân mình. 

Cuộc sống thực hay ảo đều có giá trị của nó. Cho dù người ta cố che giấu bản thân, hay tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ, nói ra những lời tuyên bố hùng hồn, cho dù người khác không phát hiện ra thì đằng sau tấm mặt nạ ảo, chính các “hiệp sĩ bàn phím” sẽ là những người bị chính những lời nói dối của mình làm đau bản thân. hai khía cạnh luôn luôn phát triển và song hành với nhau.

Đến việc tẩy chay cả game online chỉ vì game này có… VIP

Trên đây mới chỉ là những “triệu chứng” đầu tiên của những anh hùng bàn phím hiện tại. Dạo quanh những trang tin tức game online, hay những diễn đàn về game, việc những game thủ lên tiếng tẩy chay webgame, hay những game online khác vì nhiều lý do là chuyện hoàn toàn không hiếm thấy.

Webgame rác? Tẩy chay! Game có hack? Tấy chay! Game miễn phí nhưng có hệ thống VIP? Không là ngoại lệ! Tất cả đã và đang phô bày một thực trạng đáng buồn về một bộ phận gamer Việt Nam khi họ sẵn sàng lên tiếng chỉ trích một tựa game, đơn giản vì nó… không như ý muốn của game thủ.

Làng game Việt và những “anh hùng bàn phím” 4

Kỳ thực, như đã từng phân tích trong những bài viết trước đây, game thủ Việt vốn nổi tiếng “Nói một đằng, làm một nẻo”. Chẳng phải tự nhiên mà những webgame 2D vẫn xuất hiện tại Việt Nam với tần suất không hề nhỏ. Bên cạnh việc mua game dễ, thì nhanh có lãi là một trong những lý do chủ yếu để webgame vẫn còn đất sống tại Việt Nam. Và không ai khác, chính những game thủ, trong đó có cả những người luôn lên tiếng tẩy chay webgame “rác” đã và đang giúp ích cho NPH.

Tương tự như vậy là câu chuyện auto. Không ít lần tôi đọc được những đoạn bình luận của những độc giả với nội dung đại loại như “Đã chơi game online thì cắm auto để làm gì?” Thế nhưng gần đây nhất, một tựa game nhập vai đình đám chính thức nói không với auto. Ngay lập tức, những “con nghiện” auto đã phải lên tiếng. Rốt cuộc, những bình luận có phần đao to búa lớn đòi tẩy chay auto trong game hóa ra lại là những lời nói chỉ mang tính chất thư giãn.

Làng game Việt và những “anh hùng bàn phím” 5

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Ngay cả hệ thống VIP trong game, hay gần đây nhất là câu chuyện game thu phí hay miễn phí cũng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của những “anh hùng”. Chỉ xét riêng tới hệ thống VIP, sự kỳ quặc của những game thủ game online Việt Nam cũng đã bị phô bày. Họ muốn nhân vật của mình phải mạnh, phải có sự cân bằng trong game, nhưng lại… không muốn nạp tiền. Đây rõ ràng là một bài toán không có lời giải đáp dành cho các nhà phát hành game.

Tạm kết

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đó là câu tục ngữ được cha ông ta đúc kết bao đời qua. Ngoài đời thực rõ ràng là như vậy, thế nhưng câu nói trên cũng áp dụng rất chính xác cho cả mạng internet nói chung và game online nói riêng.