Có thể nói, trong tuần vừa qua,
làng game Việt đã nhận được không ít những tin tức mang tính tích cực. Điểm qua một chút, tin tức về việc những
nhà phát hành game online trái phép của nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam bị
phong tỏa máy chủ, hay những game online đình đám tiếp tục có thông tin sẽ được chính thức phát hành ở nước ta đã và đang là những tín hiệu đáng mừng của ngành game nước nhà.
Bên cạnh những điều đáng mừng của thị trường game nói chung, ví như phong trào của game thủ phát triển mạnh, hay NPH để mắt tới những tựa game online bom tấn mà GameK đã phản ánh trong một bài viết cách đây chưa lâu, thì làng game Việt chúng ta còn đang đứng trước vận hội lớn để có thể vươn ra tới tầm thế giới.
Hãy cùng nhìn lại hai câu chuyện vừa diễn ra nhưng khiến cộng đồng game Việt hết sức vui mừng và kỳ vọng rất nhiều vào hướng đi tiếp theo của các nhà phát hành cũng như những nhà làm game nước ta.
Câu chuyện thứ nhất: GDC 2014 và Flappy Bird
GDC (Game developer conference) là một trong những diễn đàn được chú ý bậc nhất bởi làng game thế giới, quy tụ được cộng đồng phát triển game vô cùng đông đảo. Tại đây, những công nghệ mới, những sản phẩm mới hay đơn giản hơn là những cuộc nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm làm game giữa những cựu binh trong ngành tới những người mới bước chân vào công việc làm game đều được diễn ra.
Thế nhưng, tại sự kiện năm nay, cái tên
Nguyễn Hà Đông và sản phẩm của chàng trai 29 tuổi này,
Flappy Bird lại trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong những cuộc trao đổi cả chính thức lẫn không chính thức tại sự kiện dành riêng cho những nhà làm game này. Hầu hết đều cho rằng, thành công ngoài sức tưởng tượng của tựa game casual vô cùng đơn giản trên các thiết bị di động này rất đáng ngưỡng mộ.
Nguyễn Hà Đông tại GDC 2014 Bản thân Kate Edwards, nữ CEO của IGDA (Hiệp hội các nhà phát triển game quốc tế) cũng phải lên tiếng đánh giá cao tựa game do người Việt Nam phát triển này. Tuy nhiên, điều mà nữ CEO này thực sự nể phục Đông Nguyễn chính là việc anh tự gỡ bỏ tựa game của mình khi thấy có không ít hậu quả xảy đến cho người chơi. Bà cho rằng, trường hợp của Flappy Bird cho thấy các nhà làm game cần có thêm trách nhiệm với sản phẩm của chính mình.
Đằng sau câu chuyện của Flappy Bird tại GDC 2014, chúng ta có thể thấy, một cánh cửa lớn đang rộng mở chào đón những nhà lập trình game Việt Nam nói chung cũng như game mobile nói riêng, thôi thúc họ nỗ lực hơn nữa để vươn tới thành công.
Một lần nữa cần khẳng định lại, Flappy Bird hoàn toàn không phải là một hiện tượng đột biến đơn lẻ. Chúng ta có thể điểm qua những cái tên nổi bật, không chỉ gây chú ý đối với người sở hữu smartphone tại Việt Nam mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực trên thị trường game mobile nước ngoài như School Cheater, Dididodo Defense hay Miner Island…
Câu chuyện thứ hai: Kingdom Under Fire II và làng game Việt
Trong khi GDC 2014 đã kết thúc, thì trong ngày hôm qua, một trong những tin tức nổi bật khiến cho game thủ Việt không khỏi bất ngờ chính là việc phái bộ BlueSide studio, nhà sản xuất tựa game nhập vai chiến thuật Kingdom Under Fire II đã đích thân sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội phát hành game đỉnh này tại nước ta.
Cụ thể hơn thì nhà sản xuất Kingdom Under Fire II đã cử phái đoàn sang tận Việt Nam để đàm phán với một số NPH lớn ở nước ta nhằm tìm kiếm đối tác phát hành. Hiện tại thương vụ này vẫn chưa ngã ngũ và chúng ta vẫn chưa biết được liệu có đơn vị nào đủ dũng cảm để mua game online bom tấn xứ Hàn này về xứ sở hình chữ S hay không.
Nếu như trước đây, chúng ta đã thấy các nhà phát hành game online Việt Nam để mắt tới những bom tấn, lựa chọn cũng như sang nước ngoài chọn mua game, thì câu chuyện ngược lại cũng đang xảy ra: Nhà phát triển cũng như nhà phát hành game online đình đám tại thị trường nước ngoài đích thân đến với Việt Nam để tìm kiếm đối tác.
Nói một cách ngắn gọn, với tốc độ phát triển về chất lượng cũng như bề rộng cộng đồng của làng game như hiện tại, rồi làng game Việt sẽ đứng được vào danh sách những đất nước có thị trường game lớn trong khu vực. Điều này có nghĩa là việc đàm phán đưa những sản phẩm mới về nước ta trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn vì khi đó, chúng ta đã đứng ở tầm khác.
Tránh “há miệng chờ sung”
Làng game Việt qua những câu chuyện kể trên hứa hẹn là vậy, tràn đầy hy vọng là vậy, thế nhưng vẫn còn rất nhiều những rào cản ngăn bước thị trường đến với tương lai xán lạn. Trong số đó có thể điểm qua những vấn đề tiêu cực như ý thức của một bộ phận game thủ Việt, những chiêu trò của một số NPH game trong nước, hay những khó khăn của các nhà phát triển game nội địa.
Cho tới khi những vấn đề như thế này còn chưa tìm ra cách giải quyết ổn thỏa, thì việc mong chờ làng game Việt vươn tới một tầm cao hơn chẳng khác gì “há miệng chờ sung”, ngóng đợi một thứ huyễn hoặc chưa chắc sẽ tới. Thay vào đó, vẫn còn kịp thời để cả cộng đồng game, các NPH giải quyết những vấn đề còn tồn tại của thị trường game nước nhà.