Không cần đặt ra câu hỏi, chúng ta cũng đã có câu trả lời cực kỳ cụ thể về nhận định của
cộng đồng game thủ về làng game Việt hiện nay: Quá nhiều
webgame 2D. Đồng ý một điều, webgame không phải là xấu. Trái lại, ở một chừng mực nhất định, việc webgame đạt được thành tựu lớn tại thị trường nước nhà cho thấy thể loại
game online này đã và đang đáp ứng được mặt bằng cấu hình máy tính chưa được cao.
Thế nhưng khi có quá nhiều webgame với thể loại, hình ảnh, lối chơi có phần na ná giống nhau, đều tập trung vào auto và có đồ họa không ấn tượng mấy, đó lại là thứ kéo tụt chất lượng chung của cả thị trường game lại. Cá biệt, đã từng có những trường hợp webgame đã chết được hồi sinh dưới cái tên khác, thậm chí là bằng tên của những tựa game đình đám sắp ra mắt, gây khó hiểu, sau đó là khó chịu cho game thủ đang chờ đợi.
Tin mừng là, chúng ta đang đứng trước cơ hội “đổi đời”. Đổi đời ở đây không chỉ ở khía cạnh webgame đã và đang được các nhà phát hành thay máu bằng những sản phẩm 3D với đồ họa ấn tượng. Hơn thế, những bom tấn gây xôn xao dư luận thế giới sẽ còn cập bến
làng game Việt trong thời gian tới đây.
Đồng ý một điều, trước đây chúng ta cũng từng có những bom tấn được đưa về nước thành công, nhưng hầu hết chúng đều là những sản phẩm đã trải qua một thời gian phát hành tại nhiều thị trường quốc tế, trước khi được nhà phát hành trong nước để ý tới và đem về phục vụ cộng đồng
game thủ.
Điều đáng nói ở đây là, đã có không ít những cái tên dù rằng đang trong quá trình phát triển hoặc thử nghiệm nhưng đã có thông tin sẽ phát hành tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng, các nhà phát hành cũng nắm bắt rất nhanh những thay đổi của làng game thế giới và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để củng cố tên tuổi bằng những sản phẩm chất lượng cao phục vụ cộng đồng.
Trong số những bom tấn ấy, hoàn toàn có thể có những sản phẩm do bàn tay những nhà làm game phương Tây thực hiện. Ví dụ đầu tiên chính là Warface, tựa game sẽ mở cửa trong khoảng 10 ngày nữa. Trước đây, có nằm mơ game thủ Việt cũng chẳng thể nghĩ tới việc họ sẽ được chạm tay vào một trong những MMOFPS đình đám bậc nhất, thế nhưng giờ đây nó đã trở thành hiện thực.
Tất nhiên, việc mua bản quyền những tựa game online do phương Tây phát triển sẽ không chỉ đơn giản là cử đại diện sang studio và đàm phán mua lại bản quyền phát hành tựa game. Có thể sẽ tồn tại những trường hợp, nhà phát hành sẽ phải gián tiếp đàm phán với nhà phát hành trong khu vực, đơn vị đã có được quyền phát hành tựa game này trong một phạm vi nhất định.
Một điều nữa khiến game thủ Việt có thể tin tưởng vào việc họ sẽ có thể “đổi đời” trong năm 2014 tới đây chính là việc webgame 3D đang ngày càng lấn lướt và tạo ra một trào lưu mới cho các nhà phát hành game Việt trong thời điểm cuối năm này.
Vẫn sở hữu lối chơi thiên về auto và những cú click đơn giản để lựa chọn, thế nhưng các NPH hoàn toàn có thể yên tâm một điều, miễn là tựa game của họ sở hữu đồ họa ấn tượng, tân thời, thì cụm từ “game rác” vốn được dành cho những webgame 2D sẽ không còn chỗ đứng.
Thay đổi thứ 3 được đề cập trong bài viết ngày hôm nay kỳ thực đã là một trào lưu bùng nổ từ những ngày đầu năm 2013 này. Đó là những game mobile. Với khả năng của những thiết bị smartphone hay máy tính bảng, những tựa game casual hay MMORPG trên nền di động sẽ còn có nhiều đất để thăng hoa.
Chưa dừng lại ở đó, khi công nghệ đủ tầm, ví như mặt bằng cấu hình thiết bị cũng như tốc độ đường truyền mạng không dây được nâng cao, việc những webgame đa nền xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam, cho phép game thủ thưởng thức trên nhiều nền tảng như web và smartphone một cách dễ dàng hơn.