Sau tháng 7 bùng nổ,
làng game Việt hay nói đúng hơn là
game thủ Việt đã phải sống chung với khoảng thời gian hai tháng cuối quý 3 vô cùng ảm đạm cả về số lượng lẫn chất lượng những
game online được mở cửa tại thị trường trong nước.
Trong khi đó, tất cả những game online được ngóng chờ thì hoặc đang mất tích không dấu vết, hoặc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bản Việt hóa, hoặc đơn giản hơn là nhà phát hành vẫn đang chờ đợi thời cơ chín muồi để việc tung những dự án game đình đám dịp cuối năm đạt được hiệu quả cao nhất.
Có thể nói, trong số những lý do để các NPH hoãn phát hành game online trong khoảng thời gian gần đây chính là vì không muốn những dự án mới “đè” lên những tựa game bom tấn được ra mắt trong tháng 7.
Cũng cần phải nhắc lại, với không ít những cái tên như Tinh Thần Biến, Hoành Tảo Thiên Hạ hay Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D ra mắt, làng game vốn chỉ biết tới webgame như Việt Nam dường như lại được tiếp thêm sức sống và hy vọng vào những bom tấn khác sẽ ra mắt tại làng game Việt.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn và diễn biến mà hai tháng được coi là “tháng trũng” của làng game online Việt, nhiều khả năng vào nửa cuối tháng 10, game thủ Việt Nam sẽ lại tiếp tục có được cơ hội thử sức với không ít những cái tên mới lạ nhưng cũng không kém phần thu hút.
Quay lại quá khứ một chút, rong tháng 7, tháng đầu tiên của quý 2 chính là khoảng thời gian nghỉ hè của đa phần học sinh, sinh viên, đối tượng chiếm tỉ lệ lớn trong thị phần game thủ Việt Nam. Lợi dụng khoảng thời gian này, những game online hay đều được nhà phát hành ra mắt để gây ấn tượng với thị trường. Nhìn lại tháng 07, chúng ta có thể thấy “lý thuyết sách vở” được đề cập trên đây tương đối chính xác.
Chính trong khoảng thời gian này, làng game Việt tưởng chừng vẫn còn đang trong thời kỳ khó khăn khi game thủ không biết chơi gì ngoài những webgame nhàm chán, còn nhà phát hành thì bế tắc với những dự án mới bỗng tìm được lối thoát và tạo ra một tháng 07 rực rỡ.
Điều này dẫn tới hệ quả, những tựa game cao cấp (xét theo mặt bằng chung tại Việt Nam) sẽ đi vào open beta vào khoảng tháng 8, và khi sức nóng của chúng vẫn còn, game thủ vẫn đang tập trung với tựa game họ ưa thích, thì việc phát hành game online mới cùng thể loại sẽ là một hướng đi cực kỳ rủi ro cho bất kỳ nhà phát hành nào.
Điều này khá hợp lý nếu xét tới những gì đang diễn ra trong hai tháng vừa qua. Không nói đến những game online server private, số lượng các webgame nhập vai cũng như những webgame casual cũng đang áp đảo trong tổng số những game được chính thức ra mắt. Có thể nói, trong hai tháng vừa qua, cái tên đáng chú ý nhất của làng game Việt có lẽ chỉ là FIFA Online 3.
Quay trở lại với tháng 10 đang diễn ra. Các nhà phát hành sẽ phải chờ đến nửa cuối tháng 10 để có được bước chạy đà tốt nhất cho tựa game họ sẽ phát hành, trong trường hợp đó là game đến từ Trung Quốc. Vì sao lại như vậy? Ngày 01/10 là Quốc khánh Trung Quốc, và thông thường kỳ nghỉ của họ sẽ kéo dài trong khoảng 10 ngày liền.
Chính vì thế trong khoảng thời gian này những nhà phát hành game online cũng như các nhà phát triển thường không làm việc, dẫn tới tình trạng nếu game chính thức ra mắt trong khoảng thời gian này rất dễ mắc phải nhiều vấn đề phát sinh nếu game có lỗi và cần tới sự trợ giúp của nhà phát triển về mặt kỹ thuật.
Chính vì thế, bắt đầu từ trung tuần tháng 10, cơ hội để game thủ Việt được thưởng thức những game online có chất lượng, được cộng đồng trong và ngoài nước đánh giá cao là vô cùng rõ ràng.
Đầu tiên cần nhắc tới trào lưu game online Nhật Bản đang hâm nóng các trang tin cũng như diễn đàn game Việt. Chúng ta có thể điểm qua những cái tên như
Hime Garden hay
JLPT Prep. Làn gió mới đến từ phía Đông này, theo nhiều người dự đoán, sẽ có thể khiến game thủ tạm quên đi những webgame tầm trung nhàm chán đến từ người hàng xóm phía Bắc.
Chưa kể, với xu hướng game online nền tảng di động, mà cụ thể hơn là những game chiến thuật, game casual hay game thẻ tướng đơn giản nhưng có đồ họa đẹp, phù hợp với những thiết bị di động đang trở thành xu hướng của giới trẻ, các nhà phát hành cũng có thêm một thị trường mới để khai thác thay vì chỉ quanh quẩn với nền tảng web hoặc PC.
Dựa vào sức nóng từ những cái tên như
Đế Chế Soha (chiến thuật),
Vườn Yêu (casual) hay
Chiến Binh Huyền Thoại (thẻ tướng), những game thủ với nhu cầu chơi game mọi lúc mọi nơi hoàn toàn không thiếu những sự lựa chọn phù hợp với bản thân.
Những phân tích như vậy dường như là vừa đủ để chúng ta đi đến kết luận về sức nóng của làng game Việt trong tháng 10. Tuy nhiên thực tế ra sao, có lẽ chúng ta phải chờ đợi thời gian đem tới câu trả lời chính xác nhất.