Nếu như trong tuần trước,
làng game Việt chợt nóng lên với thông tin
Cửu Âm Chân Kinh mở cửa thử nghiệm trở lại sau một thời gian im hơi lặng tiếng, thì vào dịp cuối tuần vừa qua, thông tin gây sốc cho toàn bộ cộng đồng
game thủ nói chung, cũng như những người hâm mộ thể loại game bắn súng nói riêng chính là việc VTC công bố sẽ phát hành một tựa game bắn súng với những câu chữ chắc như đinh đóng cột:
Game mới sẽ không có hack.
Tranh cãi ngay lập tức nổ ra. Những game thủ đã và đang sống chung với hack trong Đột Kích, căn bệnh trầm kha đang chưa có cách giải quyết rốt ráo thì hoàn toàn không tin vào việc một tựa game do người Việt Nam tự phát triển có thể loại bỏ hoàn toàn được tình trạng hack, khi ngày cả một tựa game đến từ Hàn Quốc còn không làm được việc đó.
Trong khi đó một số lượng rất ít những game thủ khác thì tin tưởng rằng, với việc đưa tựa game lên nền web như những dự đoán của làng game, tuyên bố kể trên của VTC hoàn toàn có thể trở thành sự thực. Câu chuyện muôn thuở của làng game Việt lại một lần nữa trở nên nóng hơn bao giờ hết: Đến bao giờ thì
game online Việt Nam sạch bóng hacker?
Không có hacker không phải làng game Việt?
Dạo quanh một vòng internet, chỉ với một câu lệnh tìm kiếm đơn giản, hàng loạt những trang web cho phép game thủ Việt tải những phần mềm can thiệp vào game, giúp họ có được lợi thế hơn hẳn người chơi khác. Những công cụ này hay được chúng ta gọi là phần mềm hack, và những phần mềm can thiệp như thế này hoàn toàn đi ngược lại với cam kết của người chơi khi đồng ý tạo tài khoản tựa game online.
Đã từng có thời kỳ, hack trở thành một trào lưu trong một bộ phận người chơi game online. Điểm chung của những người chơi như vậy là độ tuổi thấp, hầu hết đều chưa nhận thức được hết hậu quả việc mình làm. Chưa dừng lại ở đó, tư duy hiếu thắng, muốn giành chiến thắng trong game bằng mọi giá cũng là điều thôi thúc game thủ tìm đến những bug game hay hack game đầy rẫy trên mạng.
Hack đủ mọi thể loại
Bắt đầu từ việc bật hack tự tính góc bắn trong Gunbound, đến tìm tòi những “góc lag” trong Đột Kích, hay thậm chí là tải cả phần mềm về để khi nhảy Audition khỏi cần phải… canh perfect,… Tất cả đã vô tình tạo ra một bộ phận không hề nhỏ game thủ dần bị phụ thuộc vào những công cụ như vậy. Có người đã từng nói: “Đúng là con sâu làm rầu nồi canh, có điều sâu… nhiều quá!”
Nhận định có phần chua xót ấy có lẽ cũng đúng với làng game Việt. Cũng với từ khóa tìm kiếm ở trên, chúng ta thậm chí còn có thể thấy thực trạng phần mềm hack game cập nhật còn nhanh hơn cả bản cập nhật mới của những tựa game. Điều này khiến cho các nhà phát hành game rơi vào tình trạng bị động. Phiên bản cập nhật mới ra 15 phút… đã có hack, và NPH lại phải tiếp tục nghĩ cách giải quyết, hầu hết là tiếp tục tung bản cập nhật mới.
Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận dân lập trình kiêm người chơi game tại Việt Nam thậm chí còn kiếm ăn trên tính háo thắng của một bộ phận game thủ Việt. Những phiên bản phần mềm hack được tải về dưới dạng tệp tin nén, muốn giải nén phải có mật khẩu, và muốn có mật khẩu thì phải ra quán net, trả tiền để có được một mẩu giấy ghi mật khẩu giải nén tệp tin là chuyện tôi đã từng được chứng kiến. Điều này có nghĩa là, người chơi game tại Việt Nam không chỉ phải bỏ tiền vào game, mà còn phải bỏ tiền mua… hack game!
Làm sao để trừ tận gốc?
Theo nhiều người trong làng game nhận định, khi đưa game online lên nền tảng webgame, mọi tính toán của game đều được thực hiện thông qua server web, thì khả năng con người có những can thiệp xấu vào cơ chế của game, hay nói ngắn gọn là hack, sẽ phần nào được loại trừ. Dĩ nhiên chỉ là phần nào mà thôi.
Ngay cả Gunny, tựa game bắn súng tọa độ nền web cũng đã và đang phải hứng chịu tình trạng người chơi sử dụng hack tràn lan: Từ hack xu, tự chỉnh tọa độ, tự căn lực, hack để cùng lúc chơi 2 tài khoản, v.v…
Ví dụ kể trên dẫn tới một đáp án, bên cạnh việc lựa chọn những nền tảng hợp lý, nhà phát triển/NPH game online cũng cần có những động tác cần thiết trong quá trình phát triển game để không có những lỗ hổng nghiêm trọng trong mã nguồn, thứ mà những lập trình viên có thể lợi dụng để can thiệp vào cơ chế của game, khiến cho nhà phát hành rơi vào tình cảnh giống như Đột Kích đang phải hứng chịu.
Đối với tựa game bắn súng duy nhất đang được phát hành tại nước ta, hacker lợi dụng lổ hổng ngay trong mã nguồn để viết chương trình hack, từ đó việc can thiệp, sửa lỗi gặp rất nhiều khó khăn.
Không thể không kể tới khía cạnh người chơi. Chính các game thủ Việt phải là những người biết rõ nhất cái hại của việc sử dụng hack, từ đó tạo ra ý thức chung nói không với những công cụ có thể phá hỏng cả một trò chơi này. Có được cả hai điều kiện kể trên, tuy rằng khó có thể trong ngày một ngày hai, nhưng việc làng game Việt không còn hack hoàn toàn khả thi.