Làng game Việt đang trở nên lố lăng

PV  | 12/04/2012 0:00 AM

Những chiêu PR vô tội vạ miễn sao thu hút được sự chú ý từ phía giới trẻ Việt đang khiến mặt tối của làng game nội địa thêm nhiều điều đáng buồn.

Đã từ lâu, ngành game Việt Nam vẫn luôn bị kỳ thị vì nhiều mảng tối không thể khắc phục nổi, một trong số đó là cung cách điều hành cũng như quản lý kém của các NPH dẫn tới chất lượng game thủ thấp hơn nhiều so với quốc tế. Chúng ta đã phải trả giá rất đắt cho những sai lầm trên mà điển hình là trong vòng 2 năm qua việc nhập khẩu MMO trở nên cực kỳ khó khăn.
 
Thế nhưng dường như một số doanh nghiệp vẫn chưa học được bài học ấy, vì gần đây làng game Việt bắt đầu xuất hiện những chiêu PR vô tội vạ miễn sao thu hút được sự chú ý từ phía giới trẻ. Chúng có thể chỉ mang tính câu khách tức thời, nhưng về lâu dài là mối họa khó lường nếu như tất cả các hãng game đều học theo.
 
Từ những cách PR vô tội vạ...
 
Cách đây khoảng 2 năm, thị trường GO nước nhà bắt đầu xuất hiện cách quảng bá thông qua teaser "lạ - độc". Thường NPH sẽ tung ra một website với khẩu hiệu hoặc danh tính bí ẩn để game thủ chú ý rồi sau đó mới bật mí danh tính thật của dự án. Cách làm này tỏ ra cực kỳ thành công, hơn hẳn so với xu thế PR bằng hotgirl, người mẫu đã nhàm chán.
 
Điển hình như khi Asiasoft tung ra tới 4, 5 trang teaser Tôn Ngộ Không, Anh Hùng Xạ Điêu... chỉ để PR cho Thiên Tử Online, kéo theo sau nó là hằng hà sa số các trang teaser ấn tượng khác như Conan, Cường Đôla, game 3D bom tấn... Có lẽ không thể đếm xuể được chúng. Âu cách làm trên có tạo ra bức xúc cho game thủ, nhưng dù sao nó cũng chỉ là chiêu kinh doanh bình thường mà các doanh nghiệp buộc phải dùng đến khi sức cạnh tranh của mình có hạn, thị trường lại khó khăn.
 

Teaser với tên miền vklchua.com gây bất ngờ cho cư dân mạng.
 
Tuy nhiên dường như càng ngày việc lợi dụng trang teaser để quảng bá game mới càng bị lợi dụng theo hướng tiêu cực. Kể từ khi biết game thủ cảm thấy "nhàm" với các trang web thông thường, một số doanh nghiệp bắt đầu nghĩ tới cách làm "độc" hơn và cũng phản cảm hơn rất nhiều. Việc xuất hiện 2 teaser "CLGT" và "vklchua" là ví dụ điển hình.
 
Nếu như "CLGT" viết tắt để gây chú ý trong thời gian ngắn thì "vklchua" đã khiến nhiều gamer phải bất ngờ. Thậm chí trên fanpage của trò chơi này, người quản lý còn cố tình tung ra các câu nói "VKL" một cách vô tội vạ, bất chấp sự phản đối từ phía người xem. Dĩ nhiên sau này họ có thể bật mí rằng các cụm từ trên chỉ để viết tắt cho tên game, nhưng rõ ràng mục đích quảng bá dựa trên những tiếng "tục tữu" của cư dân mạng là không thể chối cãi. Nếu tới đây tất cả các NPH đều học theo thì không biết làng game Việt sẽ còn trở nên bết bát thế nào.
 

Sẽ ra sao nếu như tất cả các NPH ở Việt Nam đều học theo xu hướng này?
 
Đó là chưa kể chất lượng thực sự của các dự án đứng sau trang teaser "độc - lạ" có tốt hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn. Nếu cứ cố tình quảng bá cho một sản phẩm yếu kém bằng cách làm gây chú ý thì kết cục cuối cùng vẫn là sự đào thải không tránh khỏi.
 
... đến chất lượng game thủ
 
Để đi đến cách làm trên, âu cũng vì tính chất của giới trẻ Việt nói chung và game thủ nói riêng vẫn còn quá chuộng những thứ gây chú ý (thậm chí là tục tữu, lố lăng). Họ dễ dàng bị thu hút bởi các trang web với khẩu hiệu gây sốc mà quên mất rằng sản phẩm đứng sau nó thực sự ra sao, chưa kể phần lớn người chơi nội địa vẫn bằng lòng với các MMO "rác thải" của Trung Quốc.
 
Hơn nữa, sau một quãng thời gian hàng chục năm không được quản lý tốt, lại bị "đầu độc" bởi các cách quảng bá vô tội vạ nên ý thức của game thủ nước nhà đã thấp lại càng thấp hơn. Giờ đây phần đông những người chơi dù nhận thức tốt cũng buộc phải bằng lòng với thị trường toàn "trẻ trâu", chẳng nói đâu xa, tình trạng bắn đồng đội của "trẻ trâu" trong World of Tanks là ví dụ điển hình.
 

Chất lượng gamer đã thấp lại càng bị kéo xuống thêm.
 
Có thể thấy rõ, nếu cộng đồng cùng đứng lên đào thải các sản phẩm yếu kém, các chiêu PR coi thường khách hàng hoặc cách làm "rút ruột rồi đóng cửa game" thì chắc chắn sẽ không có những chuyện vừa đề cập bên trên. Tuy nhiên quan trọng là chúng ta lại chưa thể làm được điều ấy.
 
Hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt sớm tìm thấy được đường đi đúng đắn cho mình, chứ không phải sử dụng đến chiêu bài gây sốc rẻ tiền để tìm đến khách hàng trong thời gian tới. Nếu không, mặt tối của làng game nội địa sẽ lại có thêm nhiều điều đáng buồn để nói.
Xem thêm:

game online