Làng game Việt: Chung sống cùng định kiến

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 20/10/2013 12:32 AM

Làng game Việt chúng ta vẫn đang phải sống chung với những định kiến về game của xã hội.

Một sự thật không thể chối bỏ ở làng game Việt thời điểm hiện tại chính là định kiến của phần đông xã hội đối với game và việc chơi game. Sự thật này có phần đáng buồn, khi chính nó là thứ khiến cho thị trường khó có thể phát triển theo đúng với tiềm năng mà nhiều nhà phát hành cũng như những chuyên gia trong ngành game Việt từng dự đoán.

Làng game Việt: Chung sống cùng định kiến 1

Định kiến ở đâu? Không đâu xa, mà có thể xuất hiện ngay trong gia đình bạn. Một buổi sáng chủ nhật, bạn thức dậy với tâm lý chung: “Ngày nghỉ, chơi game một chút cho thư giãn”. Chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, phụ huynh của bạn đã đứng bên cạnh và không quên đem theo những lời chỉ trích “Suốt ngày game, để thời gian mà học hành đi.” Dĩ nhiên cha mẹ luôn có cái lý của họ, điều này không cần bàn cãi.

Thế nhưng không dừng lại ở đó, nếu coi việc chơi game là tiêu tốn thời gian thì chẳng riêng gì ở Việt Nam mà bất cứ nơi nào trên thế giới, các bậc phụ huynh cũng đều nghĩ như vậy. Thế nhưng việc coi game là một tệ nạn, là một thứ phải né tránh thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác biệt.

Làng game Việt: Chung sống cùng định kiến 2

Chỉ cách đây ít lâu thôi, một câu chuyện có liên quan một phần tới định kiến về game online nói riêng của xã hội Việt Nam cũng đã thu hút sự chú ý của không ít người, trong đó có cả những game thủ. Đó là câu chuyện về cuốn sách dựa trên một trong những game online từng vô cùng thành công tại thị trường Việt Nam.

Anh Tô Đức Quỳnh, tác giả cuốn “Huyền Thoại Lục Địa MU” đã chia sẻ: "Cách đây 2 năm, mình có xuất bản 1 cuốn sách là Huyền Thoại Lục Địa MU, viết về Game MU và được FPT online tài trợ xuất bản. Bẵng đi 1 thời gian khá dài, sau 4 tháng mình viết xong phần 2 thì FPT không tài trợ để xuất bản nữa, truyện bị mắc kẹt lại mà không xuất bản được, làm mình rất áy náy. Vì thỉnh thoảng mình vẫn nhận được thư của bạn đọc yêu mến tác phẩm này nên mình rất buồn.

NXB Kim Đồng thì không dám đầu tư vào 1 tác phẩm chưa có tên tuổi như Huyền Thoại Lục Địa MU, vì không đảm bảo được doanh thu. Sau khi thẩm định, họ vẫn đồng ý xuất bản với điều kiện mình phải góp 1 phần vốn vào để xuất bản..."

Làng game Việt: Chung sống cùng định kiến 3

Rõ ràng, phía nhà xuất bản có cái lý của riêng họ khi nghi ngờ vào thành công về mặt tài chính của cuốn sách. Thế nhưng sự nghi ngờ này xuất phát cũng chính từ cái nhìn của cộng đồng vào game nói chung cũng như game online nói riêng tại Việt Nam. Sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng game thủ đôi khi vẫn chưa thấm tháp vào đâu nếu đem so sánh với việc coi game như thú chơi vô bổ của một số bậc phụ huynh hiện nay.

Hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Vì sao game ở Việt Nam lại phải hứng chịu cái nhìn không được khách quan và tích cực, thứ mà nó xứng đáng được hưởng, nếu tính đến doanh thu hàng năm không hề nhỏ của thị trường? Đầu tiên, việc cha mẹ kiểm soát những tựa game con cái họ chơi dường như là điều không thể. Những cậu bé học lớp 3 hoàn toàn có thể ra tiệm net và phiêu lưu trong thế giới của Tommi Vercetti, mà chẳng có một ai ngăn cấm và theo dõi.

Làng game Việt: Chung sống cùng định kiến 4

Những sự lo ngại về việc game bạo lực sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của những đứa trẻ cũng từ đó hình thành. Lo ngại là một chuyện, nhưng nếu đã không theo sát được con cái mình thì lo lắng phỏng có ích gì? Đây là điều mà các bậc phụ huynh vẫn còn phải dành sự quan tâm đặc biệt để chắc chắn rằng con cái họ thưởng thức đúng những game phù hợp với lứa tuổi.

Thứ hai là về vấn đề thời gian chơi game. Đúng, việc chơi game có thể lấy đi rất, rất nhiều thời gian quý báu của bản thân game thủ, đặc biệt là khi họ chưa nhận thức được về vấn đề này. Các bậc phụ huynh một lần nữa lại đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát khoảng thời gian thưởng thức game của con em họ, để chắc chắn rằng việc học cũng như công việc nói chung không bị ảnh hưởng bởi việc chìm đắm trong những tựa game.

Làng game Việt: Chung sống cùng định kiến 5

Về vấn đề này, bản thân tôi cũng đã gặp không ít những trường hợp khi gia đình kiểm soát tốt khoảng thời gian chơi game của con em họ, dẫn tới kết quả học tập vẫn được như ý muốn của gia đình, trong khi game thủ thì vẫn có thời gian rảnh để chìm vào thế giới ảo một cách có ý thức.

Cuối cùng là vấn đề chi phí. Không ít vụ án đau lòng đã xảy ra khi những cậu học trò cần tiền đổ vào game và nảy sinh ý xấu. Điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chính những người quản lý các em, như các bậc phụ huynh chẳng hạn, nắm bắt được bản chất của vấn đề và tìm ra cách giải quyết ổn thỏa, ví dụ như trao đổi với các em để các em nhận thấy rằng việc nạp tiền vào game online là thứ không thật sự cần thiết, đặc biệt là khi hoàn cảnh gia đình vẫn chưa tạo điều kiện để các em chạy theo những thú vui như vậy.

Tuy rằng đã có những sự thay đổi mang tính tích cực, nhưng rõ ràng cách nhìn về game của phần đông xã hội vẫn chưa hoàn toàn khách quan, cũng như nhiều gia đình vẫn chưa có cách quản lý con em một cách hiệu quả. Chính vì thế, một mặt làng game vẫn phải sống cùng những định kiến, mặt khác vừa phải cố gắng tạo ra những thay đổi.