Làng game Việt cần vượt qua tâm lý sính ngoại

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 17/11/2013 12:23 AM

Phong trào phát triển game tại Việt Nam không phải mới ra đời ngày một ngày hai, nó đã tồn tại không dưới 3, 4 năm nay nhưng gần như không có cơ hội vươn lên.

Sau gần 1 thập kỷ phát triển, ngành công nghiệp game Việt Nam luôn được thế giới nhận định là tăng trưởng một cách thần kỳ, thậm chí xuất phát điểm sau nhiều quốc gia ĐNÁ mà sức bật lại tốt hơn nhiều nhờ lượng game thủ lẫn NPH khá lớn. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn chỉ là mảnh đất "tiêu thụ" hàng ngoại, là nơi để ngành sản xuất game Trung Quốc và Hàn Quốc (đặc biệt là Trung Quốc) khai thác tiền của.
 
Phong trào phát triển game tại Việt Nam không phải mới ra đời ngày một ngày hai, nó đã tồn tại không dưới 3, 4 năm nay nhưng gần như không có cơ hội vươn lên. Mãi đến gần đây, một số doanh nghiệp mới bắt đầu khởi động các dự án đầu tiên, tuy nhiên chặng đường phía trước còn tương đối gian truân, nhất là khi tâm lý "sính ngoại" còn quá lớn.

Làng game Việt cần vượt qua tâm lý sính ngoại 1
Tâm lý "sính ngoại" của giới trẻ Việt khiến người phát triển game tự ti, nản lòng.
 
"Sính ngoại" ở đây là suy nghĩ không chỉ của game thủ Việt, mà còn tồn tại khá nhiều trong cộng đồng phát triển game. Với người chơi, họ thường dè bỉu ngay lập tức khi nghe thấy mác game "made in VN", dần dần dư luận khắc nghiệt khiến các nhóm làm game cũng trở nên tự ti, không tin vào tương lai của chính mình.
 
Lấy ví dụ như 7554, dự án game offline FPS đầu tiên tại Việt Nam do Emobi sản xuất. Mặc dù có đồ họa cao nhất trong số tất cả các dự án thuần Việt đã lộ mặt hiện tại, thế nhưng nó vẫn phải nhận không ít lời khó nghe từ phía cộng đồng. Thậm chí có thành viên trên diễn đàn còn phẩy tay cho rằng... không bao giờ chơi hoặc mua game này mà dành tiền cho game nước ngoài còn hơn.

Làng game Việt cần vượt qua tâm lý sính ngoại 2
Là tựa game thuần Việt có đồ họa khá nhất, 7554 vẫn bị một số lời chê bai.
 
Dĩ nhiên, không thể quy chụp cho những quan điểm như trên là sai trái, vì nó thuộc về tự do cá nhân. Thế nhưng nó cho thấy tâm lý "chuộng hàng ngoại, coi thường hàng nội" ngày một lớn dần trong giới trẻ, họ mất niềm tin và tẩy chay ngay cả khi còn chưa thực sự chơi mà mới chỉ nghe qua mà thôi. Đây âu một phần cũng vì một số dự án thuần Việt đầu tiên tỏ ra quá yếu thế và gây thất vọng, không tạo được bản sắc riêng.
 
"Tâm lý bài nội chuộng ngoại vẫn quá lớn. Không phủ nhận là chất lượng game nội còn chưa được như thế giới. Nhưng khách quan mà nói, mọi thứ đều cần một sự khởi đầu. Những tựa game đã hoàn chỉnh như Thuận Thiên Kiếm, đáng nhận được một sự ngưỡng mộ. Bởi quan trọng hơn tất cả là nó đã ra đời. Làm được một game xong, chạy được, kinh doanh được, khó khăn vô cùng", ông Nguyễn Tuấn Huy, người đứng đầu Emobi Game từng tâm sự.

 
Làng game Việt cần vượt qua tâm lý sính ngoại 3
Nhiều studio còn rất khó khăn về tài chính, họ cần sự ủng hộ về mặt tinh thần.
 
Không chỉ Emobi Games, rất nhiều studio phát triển game Việt cũng luôn e ngại mỗi khi muốn giới thiệu sản phẩm của mình ra công chúng. Họ đứng trước nỗi sợ rằng nếu trò chơi còn gì đó thiếu sót (đặc biệt là về đồ họa) thì chắc chắn sẽ bị "ném gạch đá tập thể", đây là điều khó trách được vì gamer trong nước có một đặc tính là không cần biết sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, cứ thấy so với các game nổi tiếng ngoài nước mà kém là lập tức mỉa mai.
 
Phải biết rằng, để gắn bó được với niềm đam mê làm game là điều không hề dễ dàng. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có tiềm lực và được đầu tư lớn tới hàng chục tỷ đồng, đa phần các nhóm sản xuất đều phải huy động vốn cá nhân hoặc vận động các tổ chức tài trợ, họ cũng rất mơ hồ về tương lai của mình. Vì thế khi nhìn thấy các đồng nghiệp hoặc chính sản phẩm đầu tay bị cư dân mạng chê bai, ai ai cũng phải xót xa, dần dần dẫn tới tâm lý tự ti.
 
 
Làng game Việt cần vượt qua tâm lý sính ngoại 4
Trình độ kỹ sư nội địa không phải là thua kém nước ngoài toàn diện.
 
"Cộng đồng phát triển game Việt rất cần một thái độ tự tin, nhưng tránh ảo tưởng. Tự tin, để không đến mức cứ thấy Tây là sợ. Có người thì bảo, không bằng được thì thôi, đừng làm. Cũng đúng, nhưng nếu vậy, bao giờ ta mới làm ? Không bắt đầu, thì không thể nào có ngày đuổi kịp họ được. Chưa nói là ta phải vừa làm vừa chạy, mới mong khoảng cách ngày càng gần hơn", đại diện Emobi Games chia sẻ thêm.
 
Nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh những người mang tâm lý bài hàng nội, vẫn còn không ít cá nhân tỏ rõ thái độ ủng hộ tuyệt đối. Điều này thể hiện rõ ràng vì sự quan tâm đối với các tựa game "made in VN" là rất lớn, ngay như Sát Thát Truyền Kỳ mới chỉ đưa ra những hình ảnh sơ sài nhưng ngày ngày người chơi vẫn thi nhau góp ý giúp NSX hoàn thiện hơn.
 
Ngoài ra một số dự án thuần Việt mang chất lượng yếu kém thực sự, đến nỗi cộng đồng dù rất muốn ủng hộ nhưng dù sao họ cũng là khách hàng, mà khách hàng thì khó chấp nhận một món đồ quá chênh lệch so với nước ngoài, lúc này không thể nói là họ "sính ngoại" được. Nói cách khác, ít ra sản phẩm của chúng ta cũng phải bằng 70, 80% hàng ngoại nhập thì mới mong được số đông chấp nhận.

Làng game Việt cần vượt qua tâm lý sính ngoại 5
Cần bài trừ tâm lý "chuộng ngoại, chê nội" một cách mù quáng để game Việt phát triển.
 
Ngành game Việt đang không nhận được sự quan tâm và úng hộ một cách khách quan từ xã hội. Game là một ngành công nghiệp có giá trị hàng chục tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, và không phải đất nước nào cũng có tên trong bản đồ sản xuất game. Vì thế nếu khai thác được mảng thị trường này sớm, chúng ta mới thực sự khai thác được 100% tiềm năng của kỹ sư nội địa.