Như vậy là quý đầu tiên của năm 2013 sắp sửa khép lại. Tiếp nối đà phát triển của 3 tháng cuối năm 2012, khi hàng loạt những tựa game mới được các NPH game online tại Việt Nam đưa về thị trường trong nước phát hành. Chỉ cần nhìn vào
lịch phát hành game trong nước, chúng ta đã có thể đếm được hơn
40 tựa game đã được chính thức ra mắt tại nước ta. Tháng đầu tiên của năm là khoảng thời gian những MMO mới xuất hiện một cách dồn dập. Trong khi đó, tháng Tết là khoảng thời gian các NPH có dấu hiệu chùng xuống để rồi tháng 3 sắp qua đi với khoảng 10 tựa game đã được chính thức đi vào hoạt động.
Thế nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, trong khi bữa tiệc thịnh soạn đã được các NPH bày biện cho cộng đồng game thủ Việt Nam, thì những gamer Việt dường như lại khá thờ ơ, dửng dưng, thậm chí không thiếu những người
bày tỏ thái độ quay lưng lại với những tựa game mới ra mắt mặc dù được các NPH đầu tư công sức cũng như tâm sức chăm chút và quảng bá. Bằng chứng dễ thấy nhất của tình trạng này đó là không ít những tựa game mới ra mắt phải chịu cảnh đìu hiu chợ chiều, server vắng vẻ ngay trong ngày đầu tiên ra mắt.
Chưa dừng lại ở đó, việc thờ ơ với game là một chuyện, những tựa game mới, hay cụ thể hơn là những webgame được các nhà phát hành mua bản quyền từ các studio Trung Quốc mỗi khi ra mắt đều vấp phải không ít sự không vừa ý, phản đối và tẩy chay của cộng đồng gamer Việt trên những trang tin game hay thậm chí là cả các diễn đàn game trong nước. Về vấn đề
game online Trung Quốc, chúng ta đã có những bài viết để có thể chia sẻ cảm nghĩ cũng như ý kiến cá nhân. Vấn đề được đặt ra là, vì sao game về nhiều, thế nhưng cộng đồng lại không có được sức nóng cần thiết?
Điều đầu tiên phải kể đến, trong số hơn 40 tựa game về Việt Nam 3 tháng đầu năm, thì đa phần đều là những game trên nền trình duyệt. Dĩ nhiên, webgame không phải là lý do được viện ra. Điều khiến cho game thủ Việt cảm thấy nản không gì khác chính là lối chơi có phần
nhai lại phong cách cũ của những tựa game này.
Tư duy chơi game online của người Việt Nam nói chung đã thay đổi rất nhiều kể từ những ngày đầu game online tấn công thị trường Việt cho đến nay. Điều này là không cần bàn cãi thêm. Chính vì thói quen chơi game “phải có auto” mà nhà phát hành Việt luôn muốn tìm những game trình duyệt với lối chơi đơn giản, dễ tiếp cận để làm sản phẩm phát hành. Thế nhưng điều đó chỉ đúng với những doanh nghiệp phát hành game theo lối chộp giật, tấn công thị trường một khoảng thời gian ngắn rồi bỏ rơi cộng đồng để làm sản phẩm khác, cũng với cách làm việc tương tự.
Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng những đặc điểm gây nhàm chán cho game thủ ví như bối cảnh từ Trung Quốc hay thần thoại, cộng thêm lối chơi quá đơn giản của vô số webgame đã, đang và sẽ không còn chỗ đứng. Bài toán khó dành cho các nhà phát hành cũng từ đó nảy sinh. Làm sao để chiều được đa số người chơi game online Việt Nam với những game vừa đơn giản, lại vừa có những nét khác biệt đến cuốn hút, khiến cho cộng đồng khó có thể nói không.
Bài toán gần như vô phương giải đáp này chắc chắn sẽ còn khiến các nhà phát hành game Việt trong một thời gian dài.
Đó là về mảng phát hành. Còn về phần phát triển? Dự án game online thuần Việt mới nhất mang tên
Đại Việt Truyền Kỳ, tựa game mới nhất do người Việt phát triển sau
2112 Revolution mặc dù đã tạo được sức nóng trong cộng đồng Việt, thế nhưng cũng chưa thể tránh khỏi những bình luận trái chiều khi một bộ phận game thủ cho rằng thiết kế nhân vật và phục trang trong game quá giống phong cách thiết kế của người Trung Quốc. Trong khi đó ngoài Đại Việt Truyền Kỳ, người chơi game online Việt hầu như không có lựa chọn MMO thuần Việt nào mới mẻ.
Hiện tại là vậy, thế nhưng không phải vì hiện tại chưa có những bước đột phá mà chúng ta có thể khẳng định thị trường game online Việt Nam nửa đầu năm 2013 sẽ tiếp tục là cuộc chơi của riêng thể loại webgame. Vào ngày 30/03 tới đây, chúng ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng
Daybreak Online, một game nhập vai hành động với lối chơi theo phong cách MOBA điển hình. Hay những người đam mê những MMORPG client cũng không thể ngồi yên với những dự án sắp được trình làng tại Việt Nam trong thời gian tới đây như Võ Lâm Truyền Kỳ 3. Tất cả sẽ góp phần tạo ra một thị trường game online Việt khởi sắc hơn trong những tháng tới.