"Chơi game rồi được làm game", đó là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ Việt ngày nay, nhất là khi ngành công nghiệp GO phát triển kéo theo hàng loạt doanh nghiệp mới ra đời và hàng chục nghìn lao động hằng ngày cống hiến sức mình cho nó. Giờ đây, quan niệm về công việc liên quan tới trò chơi đã ít bị coi như trò đùa như cách đây gần chục năm (dẫu vẫn còn nhiều hiểu biết chưa đúng đắn), vì thế nghề này lại càng thu hút gamer hơn.
Tuy nhiên ngoài một số suy nghĩ có phần chung chung như "làm game thì được chơi game thoải mái" ra thì hầu hết mọi người vẫn còn khá mơ hồ về ngành nghề này. Hãy cùng tìm hiểu một số khía cạnh của nó để xem làm việc trong ngành game Việt sướng hay khổ.
Chơi game giỏi không có nghĩa là làm game tốt
Đây là sự thật đầu tiên, nhiều người tưởng rằng cứ chơi game giỏi thì sẽ dễ dàng đảm trách công việc tốt tại các NPH. Tuy nhiên đối với nhà tuyển dụng, họ chỉ coi đây là một lợi thế nho nhỏ mà thôi, trên thực tế đã có không ít gamer rất "pro", thậm chí quen cả BQT và được giới thiệu vào làm việc nhưng chỉ 1, 2 tháng là bật bãi.
Nguyên nhân là do họ chơi game giỏi nhưng thích nghi quá kém với các công tác liên quan tới kỹ thuật, nếu làm trong bộ phận GM mà chỉ biết cắm đầu vào cày kéo, không biết nhận định xem xu hướng game thủ đang thích gì, đang bức xúc gì hoặc món đồ nào cần chỉnh sửa... thì coi như vô dụng. Đó là chưa kể cần có khả năng chịu đựng áp lực, làm đêm làm hôm, không được nghỉ Tết, thường xuyên trực vào chủ nhật...
Còn nếu may mắn được apply vào team truyền thông mà không có khả năng viết lách, ngoại giao (điều khá xa xỉ đối với phần đông gamer), không biết tính toán chi li kế hoạch chạy PR thì chẳng chóng thì chày cũng phải ra đi.
Thực tế đã chứng kiến nhiều người làm tới chức vị cao như phụ trách toàn team PR game mà trước đó hầu như không biết tý gì về hình thức giải trí này, đơn giản vì họ thích nghi rất tốt.
Lương khá chênh lệch, thưởng cao
Vì là ngành nghề mới và các NPH cũng là dạng công ty tư nhân là chính nên cách phân bổ mức lương cho nhân viên cũng khác với thông thường, sẽ có sự cách biệt rất lớn giữa một người làm GM hoặc nhân viên PR thông thường với trưởng phòng (có thể lên tới hàng chục triệu VNĐ).
Tính trung bình mức lương của một nhân viên mới vào làm tại NPH có thể giao động từ 3 triệu ~ 5 triệu VNĐ/tháng tùy thuộc vào chứng chỉ, nếu có chứng chỉ tốt nghiệp đại học thì đa phần lương đều từ 5 triệu trở lên. Sau từ 6 tháng tới 1 năm (thường thì 6 tháng) sẽ có đợt tăng lương hoặc thưởng tùy theo chất lượng công việc.
Theo một số thông tin riêng, hiện tại lượng một GM trung bình vào khoảng 4 ~ 5 triệu VNĐ/tháng, phụ trách PR giao động từ 7 ~ 10 triệu VNĐ. Riêng bộ phận phát triển game (tại VNG hoặc VTC) thì đãi ngộ cao hơn một chút, các lập trình viên cứng cáp nhận lương 500 ~ 700 USD/tháng là chuyện bình thường.
Thoải mái, nhưng trong giới hạn
Một điều không thể phủ nhận là làm việc tại ngành game có sự thoải mái kha khá, đơn giản vì tại đây chủ yếu tập trung các bạn trẻ (rất hiếm người trên 40 tuổi, chủ yếu là các "sếp" lớn, còn lại từ 20 ~ 27 thì rất nhiều).
Hơn nữa, các "sếp" cũng là người có tư duy theo kiểu mới, ít dập khuôn nguyên tắc theo lối xưa cũ, đánh giá công việc theo kết quả là chính chứ không chú ý những vấn đề tiểu tiết. Ngay cả nếu đang làm việc mà cần xuống căn tin uống cafe hoặc ăn sáng cũng không cần khai báo quá tỷ mỉ.
Riêng chuyện chơi game, nhiều người tưởng rằng làm trong NPH game thì chơi thoải mái nhưng không phải, trừ các bộ phận GM ra thì hầu hết đều được khuyến cáo chỉ nên chơi game trong giờ nghỉ, còn lại cần tập trung cho công việc (dĩ nhiên các webgame hoặc facebook thì không bị giới hạn).
Đặc biệt, tại một số bộ phận thì tính bảo mật lại rất cao, đơn cử như khu phát triển game của VNG (Game studio south), khách ra vào đều phải có thẻ riêng biệt và được yêu cầu không quay phim, chụp ảnh nếu không có phép, các nhân viên cũng được căn dặn đừng công bố thông tin ra bên ngoài.
Vẫn là sự lựa chọn tốt cho giới trẻ
Dẫu có thể có nhiều người chê bai, nhưng công việc trong ngành game là sự lựa chọn rất tốt cho giới trẻ, những người giàu hoài bão và có chí tiến thủ cao. Đơn giản vì ngành này không quan trọng bạn "có quen biết" hay thuộc diện "C-O-C-C" mà vẫn có thể từ một nhân viên quèn trở thành sếp, thực tế từng chứng kiến không ít trường hợp như vậy.
Thứ hai, đây là ngành nghề gắn liền với công nghệ mới, lĩnh vực mà các sinh viên mới ra trường rất thích thú. Họ được tạo điều kiện 100% để ứng dụng nó trong công việc và nếu ứng dụng tốt, sẽ có thưởng cao.
Riêng vấn đề lương lậu, có thể ban đầu chưa cao bằng các ngành như Ngân hàng, Dầu khí, Viễn thông, nhưng nó cũng không đến nỗi nào so với mặt bằng chung của xã hội. Quan trọng là nó được đánh giá theo đúng năng lực của người làm việc.
Trong khuôn khổ 1 bài viết, khó có thể nói hết được đầy đủ mọi mặt về nghề "làm game", nhưng hi vọng qua đây góp chút kiến thức nào đó để những bạn đang có ước muốn trải nghiệm trong tương lai được biết và yên tâm phần nào rằng đây là công việc đầy hứa hẹn trong tương lai.