Làm game phong trào tại Việt Nam đang chết dần chết mòn

Nghi Lâm  | 05/10/2011 0:00 AM

Có một sự thật là cộng đồng game dev nước nhà trong khoảng 1 năm gần đây tụt dốc không phanh.

Khi nghe đến sản xuất game, thông thường người ta sẽ nghĩ ngay đến những công ty hoặc nhóm phát triển chuyên nghiệp, tuy nhiên có một sự thật là phong trào làm game không chuyên cũng đóng góp một phần rất lớn vào số lượng trò chơi "made in Việt Nam". Tác giả của những tựa game này thường còn đang là học sinh, sinh viên và họ cống hiến hoàn toàn vì đam mê.
 

Một trong những game "made in Việt Nam" được làm bằng RPG Maker XP.
 
Cách đây khoảng 3, 4 năm, có thể nói cộng đồng game dev tại dải đất hình chữ S hết sức đông đảo và nhiều nhiệt huyết. Đó cũng là lúc mà hàng loạt trò chơi mini nhập vai như Nam Quốc Sơn Hà, Final Sword, Ngũ Kỳ Châu... xuất hiện, đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của RPG Maker và Game Maker - 2 engine game cho người mới bắt đầu.
 
Ngày nay, ai ai cũng vui mừng khi nhiều studio phát triển game mọc lên tại Việt Nam, cả chính quy như VTC Studio, VNG Studio South... lẫn tự túc như Emobi, MusicKing... Thế nhưng khi chợt nhìn lại phong trào không chuyên thì chỉ còn nỗi buồn lớn.
 
Tụt dốc không phanh
 
Như trên đã nói, thời kỳ thịnh nhất của cộng đồng game dev nước nhà đã qua từ lâu. Còn nhớ khoảng năm 2007, 2008, rất nhiều dự án không chuyên xuất hiện (cả 2D lẫn 3D), thậm chí một số lão làng còn ấp ủ ý định phát triển hẳn một engine nội địa, thế nhưng tất cả cứ nhạt nhòa dần rồi trôi theo năm tháng.
 

Các thành viên chủ chốt tại forum gamedev.vn thời còn thịnh vượng...
 
Đơn cử như diễn đàn gamedev.vn, đây là nơi tụ họp của rất nhiều bạn trẻ yêu thích phát triển game, đồng thời cũng là forum lớn nhất về thể loại này tại Việt Nam với nhiều tài liệu đáng quý. Vậy mà trong khoảng 1 năm trở lại đây nơi này vắng như "chùa bà đanh", hiếm ai còn lui tới và nay đã tạm thời đóng cửa để nâng cấp.
 
"Thực ra forum đóng cửa là để nâng cấp phiên bản mới, nhưng mình đang tính cách làm khác vì lâu nay vắng vẻ quá, mở lại mà vẫn như thế thì chẳng thà bỏ cho xong", anh Dương, admin diễn đàn gamedev.vn tâm sự. Âu đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều bậc lão thành đam mê ngành sản xuất trò chơi trong nước.
 

... tới nay tất cả đã ra đi, forum cũng đóng cửa hàng tháng trời.
 
Việc một forum cổ vũ cho phong trào làm game không chuyên sắp chết cho thấy sự bi đát của cộng đồng này. Việt Nam có tới hàng triệu game thủ nhưng thật khó kiếm được vài nghìn người đam mê phát triển loại hình giải trí hấp dẫn ấy.
 
Vì đâu?
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình cảnh trên, một phần do khâu đào tạo trong nước còn thiếu thốn (mới chỉ có NIIT Game development và VTC Academy) và còn mang tính dò dẫm, một phần do cái nhìn của xã hội với ngành nghề mới còn tương đối tiêu cực. Thậm chí nhiều người còn cho rằng làm game chỉ là nghề tiêu khiển mà không biết rằng nó vô cùng khó khăn.
 
Tuy nhiên, ngẫm nghĩ sâu xa thì cái chính vẫn là khả năng đào sâu tìm tòi của giới trẻ Việt. Cách đây 3, 4 năm các engine như RPG Maker hay Game Maker rất dễ làm quen nên lượng game mọc lên nhiều, đến khi chúng bắt đầu lỗi thời thì hiếm ai dám chuyển lên tìm hiểu các engine tầm trung (ví dụ như 3D Game Studio, Unity, Silva...).
 



Thiên Vân Chiến Quốc, tựa game 3D hiếm hoi do cộng đồng không chuyên làm nên.
 
Engine cũ đã lỗi thời không còn làm ra được các dự án thu hút (hoặc đã quá "nhạt"), trong khi engine mới chẳng có ai đụng đến vì khó, chính vì thế rất dễ hiểu khi cộng đồng game dev không chuyên ngày càng bé lại rồi đứng trên bờ tuyệt chủng. Dĩ nhiên, sẽ chẳng ai muốn bỏ công bỏ sức tìm tòi khi không thấy trước được tương lai tươi sáng cho mình.
 
"Mình cũng muốn nghiên cứu làm game 3D lắm, nhưng ngặt nỗi nghề này giờ còn khó kiếm sống quá nên đành bỏ, tập trung vào nghề nào kiếm tiền nhanh đã", nhiều bạn trẻ tâm sự, băn khoăn của họ là hoàn toàn có lý.
 
Nên buồn hay nên vui?
 
Rõ ràng, phong trào làm game nội địa xuống cấp khó có thể là tin vui, thế nhưng ngẫm nghĩ lại, chưa hẳn nó đã đáng thất vọng. Hãy thử vận dụng nguyên lý "đào thải" sẽ thấy rõ lập luận ấy là chính xác.
 
Cụ thể, lượng người say mê với các engine tầm thấp thì nhiều nhưng tầm trung lại thiếu vắng cho thấy đang có sự phân hóa rõ ràng về trình độ. Những ai đã bứt hẳn lên thì họ sẽ tìm thấy nhiều cơ hội cho mình tại các studio mới thành lập, vì lượng ứng viên không nhiều nên quá trình xin việc cũng dễ dàng hơn.
 

Sự phân hóa là cần thiết khi thị trường đang bước sang giai đoạn mới.
 
Hơn nữa, mối nguy hại chỉ thực sự rõ ràng nếu phong trào không chuyên thì mạnh mà chuyên nghiệp lại tụt lùi, còn tại Việt Nam lúc này thì mọi chuyện đang đi theo hướng ngược lại, vì thế chẳng có lý do gì để phải buồn cả. Có chăng chỉ là mối lo ngại rằng một mai khi lớp "già" đã nghỉ hết thì chưa có lớp "trẻ" vốn đã tham gia trong các phong trào không chuyên kế cận mà thôi.
 
Kết lại, chúng ta dường như đang trong giai đoạn chuyển mình từ một thị trường game hoàn toàn chỉ biết tới tiêu thụ sang tự sản xuất, vì thế những biến động trong cộng đồng game dev nghiệp dư là hoàn toàn dễ hiểu. Hy vọng một ngày không xa, cả hai nhánh chuyên nghiệp và không chuyên sẽ cùng sánh vai phát triển mạnh mẽ.