Làm game hay ở Việt Nam: Vừa nghèo, vừa rủi ro lại vất vả

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 06/08/2012 0:00 AM

Không phải không ai muốn làm game hay, nhưng có quá nhiều khó khăn cần vượt qua.

Hôm kia, tôi đã thực hiện bài viết đề cập đến một thực trạng của Việt Nam với tựa đề: Dễ chơi cũng được nhưng đừng làm mỳ ăn liền, Điều tôi và có lẽ là nhiều game thủ khác nữa mong muốn là các NPH có thể nâng cao chất lượng game trong thời gian tới. Rồi hôm qua, tôi có một cuộc nói chuyện với thành viên của một NPH khá lớn trong nước (xin được giấu tên) về vấn đề được đề cập trong bài viết từ một góc nhìn chân thực từ một người làm game tại thị trường game Việt lâu năm. Xin nhắc lại một lần nữa, để đảm bảo quyền lợi cho nhân vật, tôi xin không tiết lộ thân phận của nguồn.
 
"Có phải không ai muốn làm game hay đâu"
 
Thật ra đã có không ít NPH game cố gắng và đã đưa được không ít game hay thuộc hàng đỉnh của thế giới về Việt Nam. Có thể kể ra đây một số cái tên như Atlantica (của VTC), GE (của FPT)... Bản thân những game này, đều đã gặt hái không ít thành công và được đánh giá rất cao ở thị trường nước ngoài.
 
lam-game-hay-o-viet-nam-vua-ngheo-vua-rui-ro-lai-vat-va
Game chất lượng cao thường thất bại tại Việt Nam.
 
Thật ra, một phần rất lớn các lãnh đạo của các công ty game, đặc biệt là vị trí trưởng dự án đều xuất phát từ các game thủ kỳ cựu và có tiếng ra cả. Ví dụ nổi tiếng nhất chắc ai cũng biết là anh Lê Hồng Minh - CEO, chủ tịch HĐQT VNG rồi anh Zit (Zit.VIE, leader VIE, Bùi Minh Phương - Giám đốc khối sản phẩm Kiếm Thế VNG) hay anh Linh Nồi (Shaiztan VIE, Nguyễn Mạnh Linh - giám đốc Sgame, trưởng dự án đầu tiên của Linh Vương...).
 
Không ai phủ nhận tình yêu và tâm huyết của họ đối với làng game Việt và không ít người trong số họ ấp ủ nhiều hoài bão về một thị trường game tuyệt vời. Một "chia sẻ" nho nhỏ, sản phẩm đầu tiên mà anh Minh định mang về Việt Nam không phải là VLTK mà là một game khá "khủng" của Hàn Quốc.
 
Thật ra, làm game hay cũng rất có lợi với các NPH. Nếu doanh thu tốt, người chơi ủng hộ, game thành công thì danh tiếng của NPH cũng lên như diều gặp gió. Nhưng vì sao không ai làm, hay không thể làm được.
 
Gió đã không có, lại còn toàn bão
 
Dù thích hay không thích thì sự thật này ai cũng phải chấp nhận: tất cả các hãng game online đều làm game để kiếm tiền và đó cũng là mục đích cuối cùng của việc làm game. Bạn đừng nghĩ sự thật này là xấu và khó chịu bởi bạn biết rằng, hầu hết các hãng game lớn ở Việt Nam bây giờ (trừ VTC) đều có xuất phát điểm rất thấp. Hơn nữa, nếu làm game không vì tiền mà làm vì... lý do khác thì cũng hỏng.
 
Xét về tài chính, game đỉnh về nước nói thật chỉ có đường... cạp đất mà ăn. Thứ nhất, các game muốn xịn phải không có hoặc có rất ít khoảng cách giữa các mức nạp tiền. Chuẩn nhất là những game thu phí giờ chơi bởi sẽ không có sự chênh lệch giữa người này và người kia, chuẩn nhì là chỉ thu phí đồ trang trí (không ảnh hưởng đến sức mạnh, mặc vào cho đẹp). Mà không nói thì ai cũng biết, ở Việt nam thu tiền theo kiểu này chỉ có nước lỗ nặng.
 
lam-game-hay-o-viet-nam-vua-ngheo-vua-rui-ro-lai-vat-va
Quá khó để chiều được sở thích game thủ nội địa.
 
Thứ hai, game hay thì cái sự chênh lệch giữa cày và không cày phải là rất ít, chủ yếu là kỹ năng thực sự của người chơi. Lấy ví dụ WoW, max level rất nhanh và đó là chuyện ai cũng dễ dàng đạt được, quan trọng để trở thành 1 WoW player giỏi là kỹ năng và trình độ của bản thân chứ không phải là thời gian cày. Mà đó, ở Việt Nam, không cày được có ma chơi. Game mới max level 1 2 ngày đã thấy kêu loạn lên rồi.
 
Thứ ba, game thủ nhà mình rất ghét động não. Mà game hay thế nào được khi không phải động não. Đồng ý là có cách làm game dễ vẫn hay nhưng cái quan trọng trong GO lại là khoảng cách người chơi. Làm game thế nào cho tất cả ai chơi cũng như nhau thì sao mà hay được. Game đỉnh thì kêu đau đầu trong khi lại chơi và nạp tiền cho những game suốt ngày chê...
 
Mà chi phí thì lớn
 
Chạy một webgame, dù là webgame to nhất cũng không khó bằng chạy một client game nhỏ. Riêng về mặt server, một server chứa được tầm 2000 người của một game MMORPG 3D thừa sức phục vụ một webgame. Nói chung, để phục vụ một lượng người chơi như nhau, các game đỉnh đồ họa đẹp ngốn tài nguyên (server) cỡ khoảng trên 20 lần webgame.
 
Rồi thì chi phí mua bản quyền game. Làm webgame hết 6 tháng là nhiều, trong khi client game tầm tầm cũng ngốn 2 3 năm mà nhân sự lớn hơn nhiều. Nhất là còn làm game đỉnh nữa, 2 3 năm với khoảng vài trăm người may ra xong một game và tất nhiên, giá của các game này cũng đắt hơn webgame rất nhiều.
 
lam-game-hay-o-viet-nam-vua-ngheo-vua-rui-ro-lai-vat-va
Webgame về nhiều là vì nó không nhiều rủi ro.
 
Chưa kể chi phí bảo mật, chi phí hỗ trợ khách hàng. Càng làm game to, càng nhiều câu hỏi, càng phải quan tâm chống hack, mà dân ta thì em biết đó, hack nhiều không nhất thì cũng nhì thế giới. Đưa game về bao nhiêu tiền và công sức ngồi chống hack cho đủ.
 
Rồi còn chi phí quảng cáo, chi phí để người chơi cài đặt game... Muôn thứ tiền để phát hành một game tử tế. Làm một game tầm cỡ, tốn lắm, gấp hàng chục, có khi cả trăm lần làm một webgame. Rồi sau này còn chi phí thiết kế event, giải đấu... lắm điều phức tạp.
 
Chưa kể, quy trình xin giấy phép đâu phải dễ. Qua được quy trình duyệt của cơ quan có thẩm quyền cũng là cả một quá trình đó. Làm nhanh thì 3 tháng, không thì 6 mà bây giờ thì là chịu.
 
Trong phần 2, chúng ta sẽ cùng nghe tiếp tâm sự của nhân vật này về sự rủi ro và tiếp tục câu chuyện tại sao game đỉnh không có cửa tại Việt Nam.
Xem thêm:

MMO Việt Nam