Khó quản giờ chơi game tại Việt Nam

PV  - Theo PLXH / PLXH | 26/12/2013 03:08 PM

Một số ý kiến đề nghị bỏ các quy định về hạn chế thời gian cung cấp dịch vụ, cũng như quản lý giờ chơi game online và phân loại game theo độ tuổi...

Các ý kiến tại cuộc họp đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định hoạt động quản lý trò chơi điện tử trên mạng (game online) do Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 25/12/2013 cho thấy, quy định các đại lý Internet cung cấp dịch vụ game online phải đóng cửa từ 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau, cũng như quy định phân loại trò chơi theo độ tuổi và quản lý giờ chơi với người dưới 18 tuổi không được chơi quá 180 phút/ngày trò chơi G1 là khó khả thi và còn có thể hạn chế các doanh nghiệp game online trong nước cạnh tranh.

Theo ông Trần Phương Huy – Giám đốc điều hành VTC Online, khi Bộ Công an chưa có chứng minh nhân dân điện tử và chưa có cơ sở dữ liệu dân cư để các doanh nghiệp cung cấp game online kết nối thì quy định về quản lý thông tin người chơi chỉ mang tính đối phó. Nếu người chơi cố tình khai báo không chính xác độ tuổi thì doanh nghiệp cũng không thể xác định được thông tin đó có đúng hay không, doanh nghiệp chỉ có thể lưu trữ được thông tin người chơi tự khai báo mà thôi. Do đó, quy định có nêu ra cũng không thể thực hiện được.

Khó quản giờ chơi game tại Việt Nam 1
Có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quản lý dịch vụ game online cho rằng, quy định về quản lý giờ chơi và phân loại game theo độ tuổi có ban hành cũng khó thực hiện bởi hiện chưa có cơ sở dữ liệu điện tử để quản lý người dùng (Ảnh minh họa)

Ông Vũ Văn Toàn – Công ty FPT Telecoom cũng đặt ra câu hỏi, quy định người dưới 18 tuổi không được chơi quá 180 phút trò chơi G1 của một doanh nghiệp, giả sử người này chơi nhiều trò chơi G1 của nhiều doanh nghiệp khác nhau thì có cách nào để hạn chế giờ chơi của người này hay không?

Có cùng ý kiến như trên, ông Nguyễn Thành Long – Công ty CP VNG cũng cho rằng, việc quy định cho doanh nghiệp tự phân loại trò chơi cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi cần phải có tiêu chí quy định rõ chi tiết phân loại hình ảnh, âm thanh của kịch bản game theo độ tuổi thế nào. Bên cạnh đó, việc quản lý giờ chơi với người dưới 18 tuổi, cũng như quy định các đại lý Internet không cung cấp game online trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau  cũng không có lợi cho doanh nghiệp.

Theo ông Long, quy định hạn chế giờ chơi chỉ có ở Trung Quốc với mục đích quản lý điểm thưởng và tránh gây nghiện game. Trung Quốc cũng không quy định hạn chế giờ cung cấp dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.

"Việc hạn chế thời gian cung cấp dịch vụ, hạn chế giờ chơi ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước. Bởi dịch vụ game online không chỉ cung cấp cho người Việt mà có nhiều người nước ngoài sử dụng, một số game online còn cung cấp ra quốc tế. Thêm vào đó, nếu doanh nghiệp trong nước không cung cấp game online vào giờ bị cấm thì tại các đại lý Internet người chơi sẽ chuyển sang chơi game online cung cấp xuyên biên giới. Quy định hạn chế thời gian này chỉ tạo điều kiện cho game xuyên biên giới tràn vào và thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong nước", ông Long nói.

Cũng theo ông Long, quy định quản lý người chơi, phân loại trò chơi theo độ tuổi phải đồng bộ với cơ sở quản lý dữ liệu người dùng, trong khi Bộ Công an chưa có hệ thống dữ liệu để đối chiếu thì không thể thực hiện được. Do đó, ông Long kiến nghị, bỏ quy định về hạn chế thời gian cung cấp dịch vụ và hạn chế giờ chơi game online.

Theo đại diện Sở TT&TT tỉnh Quảng Bình, từ kinh nghiệm quản lý thuê bao trả trước cho thấy việc quản lý theo độ tuổi rất khó khả thi. Bởi người dùng dễ khai báo không đúng, tăng độ tuổi để chơi game mà doanh nghiệp không có cách gì kiểm soát được. Bên cạnh đó, người chơi game online có rất nhiều thiếu niên chưa có chứng minh nhân dân thì việc đăng ký thế nào? Người bảo hộ là cha mẹ không đăng ký cho con em mình chơi game, buộc các em phải khai man, lách luật để đăng ký. Do đó quy định về quản lý người chơi theo độ tuổi khó khả thi và cần phải điều chỉnh lại cho đúng thực tế.

Theo đại diện Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, quy định về phân loại game theo độ tuổi người chơi sẽ mang tính cảnh báo nhiều hơn. Còn quy định quản lý giờ chơi của người dưới 18 tuổi cũng khó khả thi trong thời điểm hiện tại và cơ quan soạn thảo Thông tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp quản lý thực tiễn hơn.

(Theo ICT News)