Khi game lậu "vùng lên"
Game lậu không còn là điều gì quá xa lạ với game thủ Việt Nam, nhất là khi khoảng tối này đã song hành với hàng chục năm game online phát triển tại thị trường nội địa. Các NPH dĩ nhiên không vui vẻ gì khi chứng kiến khách hàng của mình bị câu kéo sang nơi khác, nhưng họ vẫn chấp nhận làm ngơ vì chưa mất quá nhiều lợi nhuận.
Trên thực tế, trước đây thì chủ yếu các máy chủ lậu chỉ lập ra với mục đích ăn theo những game online đang hot tại Việt Nam. Đơn cử như Kiếm Thế, Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunbound, TS Online... (trừ trường hợp đặc biệt là MU Online lậu có trước MU FPT nhưng đó là vì lúc bấy giờ game online còn chưa được ai chú ý). Cách vận hành của các server này cũng hết sức kém chuyên nghiệp, hầu như chỉ chộp giật thời gian ngắn mà không được nhiều người biết đến.
Thế nhưng trong thời gian gần đây, một hiện tượng khác lạ đã xảy ra khi nhiều máy chủ game lậu hoạt động một cách bài bản, có tổ chức và đổ nhiều tiền của để truyền thông không kém gì game online chính thống. Ở đây phải nói rõ thêm rằng một sản phẩm game lậu tức là nó không hề có hợp đồng mua bán với nhà sản xuất nước ngoài, chủ yếu lấy mã nguồn bị lộ rồi mang về chỉnh sửa và vận hành.
Có thể đơn cử một ví dụ cho trường hợp trên là tựa game Đao Kiếm Vô Song về Việt Nam với đủ mọi loại tên gọi, từ Bá Thiên Kiếm, Thiên Long Truyền Kỳ, Hiệp Khách Đao, Liệt Hỏa Chiến Thần... Thực tế thì các phiên bản này đều chưa có giấy tờ mua bán với NSX mà hoàn toàn phát hành dưới dạng lấy mã nguồn từ Trung Quốc. Có điều, chúng được truyền thông rầm rộ và cố tình giấu thân phận nên nhiều gamer không phân biệt được.
Hoặc một trường hợp mới đây nhất là một tựa game do Hangzhou WuDong Network Technology phát hành tại Trung Quốc được mang về Việt Nam dưới tên gọi "LTG". Thế nhưng trớ trêu thay dù trò chơi này đã mở cửa từ ngày 21/03 nhưng nó còn chưa có hợp đồng mua bán mà do một đơn vị lấy source về "chế biến". Đến nỗi khâu Việt hóa còn chưa hoàn chỉnh.
Trong khi đó, một NPH khác tại Việt Nam đã ký xong hợp đồng mua game với Hangzhou WuDong Network Technology và còn đang trong giai đoạn chuẩn bị phát hành thì đã bị... nẫng tay trên. Đây quả là sự kiện hy hữu đối với làng game nội địa trước nay.
Vì đâu nên nỗi?
Trao đổi với đại diện một số NPH Việt, được biết việc bảo mật mã nguồn game tại Trung Quốc khá "hời hợt" chứ không chặt chẽ như các quốc gia khác. Một phần vì lượng game ra lò tại nước này quá nhiều nên không thể kiểm soát nổi, chỉ trừ các MMO khủng hoặc nổi tiếng may ra mới không bị nạn sao chép lậu.
Vì thế, đa phần các game lậu tại Việt Nam đều sử dụng mã nguồn game lậu bên Trung Quốc tuồn về. Đơn vị phát hành cũng lập kế hoạch PR bài bản, có cả tên tuổi NPH nhưng sau khi ra mắt và thu hồi vốn xong là "bỏ của chạy lấy người", thậm chí còn thay tên công ty để tiếp tục các dự án khác tương tự. Trường hợp của Đao Kiếm Vô Song bên trên là điển hình.
Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu nhương hiện tại cũng là vì cơ chế quản lý game online còn chưa thông thoáng. Đa phần game dù đã có hợp đồng mua về nước vẫn không dám phát hành chính thống, từ đó chính các NPH cũng "há miệng mắc quai" và chẳng có cơ sở nào để đi kiện các server lậu. Lúc đó họ chỉ còn cách cầu viện các trang thông tin chiếu cố sản phẩm của mình bằng cách show ra hợp đồng mua bán với đối tác.
Thêm nữa, quy mô tổ chức của các đơn vị phát hành game lậu tại Việt Nam giờ cũng hết sức tinh vi vì có nguồn đầu tư lớn (mà chủ yếu từ nước ngoài). Thậm chí nhiều nhân viên PR có kinh nghiệm cũng đầu quân với mức lương cao để đảm bảo truyền thông có hiệu quả. Rốt cuộc, người chịu thiệt không chỉ là gamer mà còn là cả các NPH trót mất tiền mua sản phẩm rồi chấp nhận nhìn kẻ khác ăn mất.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều đơn vị phát hành game lậu bị vạch mặt để đem lại sự cạnh tranh công bằng cho thị trường game online quốc nội. Có như thế chúng ta mới có thể phát triển và nâng tầm vị thế của mình trong khu vực.