Khi có tin một game nào đó sắp về Việt Nam, nhất là những game đỉnh, gamer thường rất xôn xao về những thông tin đó. Họ rất chịu khó tìm tòi những tin tức về game, chuẩn bị sẵn tinh thần để “cày”. Nhưng chung quy lại, câu hỏi mà họ muốn biết nhất, đó là: "Khi nào game ra mắt?"
Tuy nhiên, phía sau chặng đường ra mắt của một game online lại là cả một quá trình dài, đôi khi rất gian nan. Có nhiều lúc, có thể chặng đường đó bị cắt đứt nửa chừng, và game sẽ chết ngay khi đang ngấp nghé chào đời. Vậy con đường chào làng game Việt của một game online cần những công đoạn nào?
Chuẩn bị: Đôi khi là hên xui…
Việc đầu tiên trong tất cả, dĩ nhiên là… tiền đâu. Nhắm một game và chọn, sau đó xách tiền đi mua. Thường ở giai đoạn này, việc chủ yếu là của những người đứng đầu NPH, các “chóp bu”.
Mua được game hay là bài toán hóc búa với nhiều NPH.
Tùy vào khả năng thương thảo, số tiền bỏ ra mua có thể nhiều, có thể vừa tầm. Dĩ nhiên là những NSX game sẽ luôn luôn hét cái giá trên trời, và những người đi mua sẽ phải trổ tài “làm giá” để số tiền bỏ ra không quá nhiều so với giá trị trò chơi. Giai đoạn này thường có khi kéo dài từ 1, 2 tuần cho đến cả vài tháng. Có khi NPH im lặng và chờ đợi xem khả năng thành công của trò chơi khi phát hành ở những thị trường khác ra sao, sau đó mới quyết định mua và đưa ra cái giá của mình.
"Hàn và Trung đã coi Việt Nam như thị trường chính, họ luôn sẵn sàng tiếp công ty Việt Nam, nhưng là công ty lớn thì vẫn dễ dàng hơn. Bán sản phẩm game cũng như 'gả con gái', khó mà đồng ý gửi gắm cho một chàng rể mà họ chẳng biết gì", đại diện của một NPH nội địa tâm sự.
Kí xong hợp đồng, nhưng đó còn chưa phải là ổn thỏa hết. Giai đoạn quan trọng nhất lại chính là việc xin giấy phép cho game hoạt động. Đôi lúc, chuyện này rất đơn giản, nhưng cũng có lúc nó quá nhiêu khê, mất rất nhiều thời gian. Việc bị “pending” ở giai đoạn này là chuyện thường thấy, chẳng hạn như một số game hiện nay. Tùy theo tính chất của game như có nhiều chi tiết nhạy cảm hay không mà nó sẽ được cấp phép nhanh hoặc chậm. Nhiều người ví von rằng cái này phụ thuộc vào… hên xui.
Các chi tiết của game sẽ quyết định nó được cấp phép nhanh hay chậm.
Nhiều game thường lộ thông tin vào giai đoạn này, có thể là cố ý hoặc không. Có thể NPH muốn đánh tiếng trước để gamer chuẩn bị tinh thần. Đó là chuyện thường thấy ở những game có tiếng tăm. Còn với những game ít tên tuổi, điều đó lại là chuyện tối kị. Khi có đồn thổi rầm rộ mà game không hề công bố lộ trình ra mắt, nó sẽ dễ bị "xịt".
Khai hỏa: Cuộc chơi của PR
Khi đã chính thức có được giấy phép phát hành, việc tiếp theo của NPH là lựa chọn thời điểm ra mắt cho game và lên kế hoạch phát hành. Đây là việc khá quan trọng, quyết định một phần thành bại của game. Nếu như một game không được nổi cho lắm, sẽ là tự sát nếu ra mắt ngay lúc có quá nhiều cái tên đình đám cũng chào màn, tuy nhiên nếu xuất phát vào lúc không có đối thủ nào cạnh tranh, nó sẽ nhận được rất nhiều chú ý.
Game sẽ ra mắt khi nào mọi chuyện ổn thỏa hết.
Nếu bỗng nhiên, game thủ nhìn thấy một loạt thông tin về game xuất hiện liên tục, thì đó chính là lúc game sắp sửa mở cửa. Điển hình là trên các diễn đàn về game có những bài viết giới thiệu, hướng dẫn chơi. Phần nhiều những người viết các bài viết này chính là một nhân viên PR nào đó của NPH. Fanpage của trò chơi xuất hiện, liên tục update các thông tin hấp dẫn.
Cùng lúc, các báo game cũng đồng loạt đưa tin về trò chơi, những bình luận, phân tích, đánh giá và cung cấp các thông tin mới nhất về game. Teaser trò chơi cùng diễn đàn cũng lục tục xuất hiện. Đội ngũ PR không tiếc chất xám để nghĩ ra những chiêu quảng cáo có một không hai cho game.
Tiêu chí của việc này chính là: Sốc, gây ấn tượng, “khiêu gợi” người xem. Một trong những điển hình cho chiêu PR thành công là kích thích tò mò và làm người xem choáng ngợp với một loạt teaser.
Gây sốc là một cách PR được ưa thích.
Một trong những việc mà NPH khá ưa thích thời gian trước chính là việc lựa chọn đại sứ cho game. Không nằm ngoài tiêu chí của các chiêu PR, đại sứ cũng có hai hướng chủ yếu để chọn: hoặc là một nhân vật vừa tài giỏi vừa được lòng mọi người, hoặc một người nổi tiếng bởi những chiêu bài gây sốc. Công việc chủ yếu mà những đại sứ NPH game Việt Nam làm thường chỉ là chụp các bộ ảnh quảng bá cho game.
Bên cạnh đó, diễn đàn và fanpage trò chơi cũng vô cùng sôi nổi khi NPH xúc tiến tối đa sự tiếp xúc với gamer. Công bố ngày ra mắt, tạo các event nhỏ, cung cấp code test cho game, phát gift code, tuyển CTV… Nói chung mọi nhân sự liên quan đến dự án phát hành game đều tăng tối đa hiệu suất làm việc, và những việc đó càng lúc càng phải xúc tiến khẩn trương cho đến khi game chính thức mở cửa.
Chiêu bài đại sứ từng được nhiều NPH ưa thích.
Ra mắt: GM vào cuộc
Thời điểm game Alpha test, Close Beta và Open Beta chính là khoảng thời gian những người quản lý, vận hành game phải hoạt động hết công suất. Cho dù game ra mắt cần sự trợ giúp của toàn công ty, nhưng phần việc chính vẫn là của những người vận hành game.
Có thể nói, ngày game ra mắt cũng thường là thời điểm mà những người phụ trách server phải thức gần như 24/24. Tình trạng server phải được chuẩn bị tốt nhất có thể cho thời điểm mở cửa. Khi đó, lượng người đăng nhập quá nhiều sẽ khiến hệ thống máy chủ bị nghẽn, vận hành ì ạch, gây nên những tình huống khó chịu như game giật, lag, tệ hơn là văng khỏi game. Sẽ rất tệ nếu như game bị sập ngay lúc mở cửa, rất nhiều người chơi sẽ vô cùng khó chịu, bực mình vì bỏ công chờ đợi những không chơi được.
Server phải ở trong tình trạng tốt nhất thời điểm ra mắt.
Trên thực tế, cũng có nhiều game NPH... cố ý để sập server, tạo nên tình cảnh “sốt” game một cách không thật, gây hiểu lầm là lượng người chơi của game rất cao, game hấp dẫn. Tuy nhiên đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Cũng có nhiều game đã cố tránh tình trạng sập server bằng việc phát hạn chế những code test cho gamer.
Trong khoảng thời gian 1 ngày sau thời điểm ra mắt, việc liên tục túc trực bên máy chủ là điều phải làm của những người vận hành game. Mọi trục trặc đều có thể xảy đến, mà giai đoạn ra mắt vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh của NPH cũng như quyết định chơi hay không chơi của gamer.
Sẽ chẳng ai muốn chơi một game mà liên tục sập server. Để bảo đảm mọi thứ luôn hoạt động trơn tru, nhiều thành viên trong đội ngũ vận hành phải hi sinh cả một vài ngày để chăm lo cho game.
Người chơi đông nghẹt sẽ rất dễ dẫn đến trục trặc cho server.
Thế mới biết, chặng đường chào đời của một MMO không hề đơn giản phải không?