Kỳ thực, bản thân tôi chỉ dám tự nhận mình là một người chơi game, đam mê game, thay vì tự gán cho mình cụm từ mang ý nghĩa vô cùng to lớn: Game thủ Việt. Sở dĩ nói vậy là vì, rất nhiều năm trước khi khái niệm game thủ trở thành cụm từ được cộng đồng biết tới, tôi và rất nhiều người bạn hay anh em đồng trang lứa khác đã bắt đầu làm quen với những tượng đài một thuở như Contra, Mario, “Rambo Lùn”…
Dĩ nhiên, với những cậu bé (lác đác xuất hiện cả những cô bé) mê game thời bấy giờ, việc tiết kiệm từng đồng lẻ bố mẹ cho tiêu vặt hay ăn sáng để đắm chìm với những tựa game nền đồ họa 8 bit. Tuy chúng chẳng thể nào so sánh được với những quả bom tạ, bom tấn của thời kỳ 64 bit hiện tại, nhưng đối với chúng tôi, đó là tất cả những gì đẹp đẽ, lưu giữ sâu đậm nhất trong tâm khảm kể từ khi bắt đầu làm quen với game.
Rồi thời đại máy tính bùng nổ. Những quán game dần dần bị dẹp bỏ những cỗ máy SNES, PlayStation cũ kỹ để rinh về những dàn máy tính chỉ có trong giấc mơ của mỗi chúng tôi. Vậy là dần dà, sau khi tan học, chúng tôi lại có điểm đến mới sau mỗi giờ học hay trong những ngày nghỉ cuối tuần. Những trận đấu Counter Strike 1.1 (mãi về sau khi lên lớp 7 lớp 8 mới biết nhờ có mạng LAN chúng tôi mới chơi được với nhau thông qua nhiều máy tính) luôn là thứ kích thích tinh thần tuyệt vời cho những cậu bé như chúng tôi thuở ấy.
Tính ra, bước chuyển mình từ thời kỳ SNES đến Internet của chúng tôi cũng phải mất đến chục năm. Manh nha bắt đầu xuất hiện những quán café internet phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, truy cập mạng toàn cầu, nhưng phổ biến nhất thời đó vẫn là… chat chit qua Yahoo Messenger, một công cụ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dùng internet Việt Nam.
Internet cũng là công cụ thúc đẩy sự phát triển của game online, thể loại game chúng tôi chưa từng được biết tới từ trước tới nay. “Làm gì có chuyện ngồi một chỗ mà chơi game, nói chuyện với đánh nhau với người khác trong game ở nơi khác được?” Chúng tôi từng tự nhủ với nhau như vậy. Nhưng đầu óc non nớt thời bấy giờ làm sao có thể nghĩ tới việc Việt Nam chúng ta giờ đây lại trở thành quốc gia có số lượng người chơi game online vô cùng đông đảo như vậy.
Bắt đầu với MU và GunBound, cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu. Dĩ nhiên lúc bấy giờ vì lý do học tập cũng như điều kiện, bố mẹ chưa thể nào đầu tư được cho chúng tôi những cỗ máy tính không chỉ đủ sức chơi game, mà còn cả một đường truyền mạng vốn không hề rẻ lúc bấy giờ. Vậy là những quán net lại trở thành điểm đến quen thuộc. Những hỉ nộ ái ố của một game thủ cũng từ đây bắt đầu.
Đó có thể là những trận đấu cân sức, những chuyến đi Tẩy tủy tuy đơn điệu nhưng không hề nhàm chán vì chúng tôi có bạn đồng hành để tán gẫu. Đó có thể là những ức chế, khó chịu khi một ngày đường truyền dở chứng, hay lỡ gặp phải những cheater phá đám game. Đôi lúc, bản thân tôi cũng vô cùng chán nản với game, khi chẳng có gì mới mẻ mà thời gian và tiền bạc đổ vào game thì càng lúc càng nhiều. Hay đôi lần, đứng trước quán game nồng mùi mồ hôi, khói thuốc và những tiếng la hét om sòm, tôi lại cảm thấy chán nản và quay ra để trở về nhà, dù trong lòng vẫn hơi có chút tiếc nuối.
Khi lên đại học, tôi được đầu tư cho một chiếc laptop với cấu hình vừa tầm để phục vụ cho “việc học” (đừng hiểu nhầm, bạn sẽ không thể học ở khoa CNTT với việc ngày nào cũng ra quán net ngồi máy để… gõ code, nhưng máy tính thì chẳng bao giờ phục vụ cho một mục đích duy nhất nào cả). Rồi cái ngày “internet về làng” cũng đã tới. Vậy là tôi lại có thể đắm chìm trong những tựa game mình yêu thích mà không phải lo lắng về giờ giấc hay tiền bạc như khi còn chơi game ngoài quán.
Nhưng chơi game một mình mãi cũng đâm chán. Tôi có cảm giác cả ngày cứ ngồi dán mắt vào màn hình máy tính, rồi những vui buồn đều đổ vào nó hết. Thậm chí khi cáu gắt với đồng đội, tôi chỉ biết rủa xả… cái màn hình, đơn giản vì đâu có biết họ là ai và đang ở đâu.
Cảm giác chơi game cùng bạn bè vẫn cứ là thứ không thể nào thay thế được. Vậy là giờ đây, dù đã ra trường và đi làm, tôi cùng đám bạn đã chơi từ thuở còn chia nhau gói ô mai, túi bò khô đôi lúc vẫn hò hẹn nhau ra những quán game để thưởng thức những trận đấu PES trên PS3 hay những quán net với những màn đấu súng trong CS 1.6 tuy vẫn ngô nghê về trình độ nhưng không hề thiếu niềm vui.