Học viên nghiện game xin kết bạn với thầy qua facebook

Kandy K  Theo Laodong | 13/07/2015 11:29 AM

Một học viên vì quá ngưỡng mộ thầy giáo giúp mình cai nghiện game mà chủ động xin add facebook của thầy.

 

Học viên được đào tạo trong môi trường với nội quy nghiêm như tong quân đội

“Biến” học sinh hư thành học sinh ngoan

26 tuổi, chưa lập gia đình, nhưng thầy Nguyễn Văn Anh, Trưởng ban Quản sinh của Trường Nội trú IVS có hẳn “một đàn con nuôi” hầu hết đều là học sinh cá biệt. Thầy Nguyễn Văn Anh tốt nghiệp khoa thể dục trường đại học sư phạm Thái Nguyên, về trường Nội trú IVS (cơ sở Từ Sơn, Bắc Ninh) công tác rồi chuyển vào TPHCM.

Anh bảo, nhiều năm gắn bó với trường, chứng kiến nhiều em học sinh vốn bị xem là học sinh “hư” vốn chỉ biết có game, nghịch ngợm, chán ghét mọi thứ giờ biết yêu thương cha mẹ, biết quan tâm đến mọi người, anh càng yêu mến công việc mà mình đã chọn.

Học viên được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt để cắt "cơn" nghiện game

Không có học trò “hư”, chỉ có phương pháp giáo dục của mình chưa đúng mà thôi” – thầy Anh đúc kết. Chính sự quan tâm mà thầy Anh dành cho học trò như một người anh cả dành cho các em mà nhiều phụ huynh đã mong thầy nhận con mình làm con nuôi.

“Lúc mới vào đứa nào cũng khóc, trách cứ bố mẹ đã bắt chúng xa gia đình mà thực chất là xa máy game, xa internet, có em mấy ngày đầu còn không chịu ăn cơm, quậy phá… Nhưng chỉ được một vài ngày thì phải thay đổi” – thầy Anh cho biết.

Nội quy của trường nghiêm ngặt đến từng phút như trong quân ngũ, các em phải vận động, luyện tập thể thao, đặc biệt là ngoài học những môn văn hóa cơ bản, các em được học các môn năng khiếu như hội họa, âm nhạc, võ thuật...

Có em vốn bị xem là thành phần cá biệt nay phát hiện ra có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó nên em tự tin hơn, phát huy khả năng của mình, định hướng nghề nghiệp tương lai. Như em Nguyễn Duy Hưng với 2 huy chương vàng võ Vovinam Đại hội Thể Dục Thể Thao Hà Nội, Hưng đã được tuyển thẳng vào đội tuyển Vovinam của Hà Nội…

“Đối với những học sinh có cá tính đặc biệt, các em cần được đào tạo đặc biệt, với những phương pháp đặc biệt để ra sự cân bằng và phát huy năng lực tự thân. Ở trường nội trú IVS, chúng tôi luôn tâm niệm rằng không có khái niệm học sinh “hư”, trò “hư” là bởi chúng ta chưa tìm ra được phương pháp mô phạm phù hợp để các em lấy lại sự cân bằng.

Đối với học sinh nghiện game, IVS đưa môn võ Vovinam vào để học sinh rèn luyện. Hệ thống các bài tập của Vovinam chuyển từ tĩnh sang động, từ dễ sang khó, tạo ra nền tảng thể lực bền vững cho học sinh, kết hợp với massage, bấm huyệt, yoga, thiền và liệu pháp tư vấn tâm lý… sẽ đưa các em trở về trạng thái cân bằng mà không cần dùng đến bất kỳ loại thuốc nào.

Các em cũng sẽ được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng làm chủ bản thân để giúp các em tự giác trong học tập, sinh hoạt” – Th.S khoa học giáo dục Phạm Quang Long - Chủ tịch Viện IVS, chia sẻ.

Xin kết bạn với thầy qua… Facebook”

Ngày cuối tuần, tôi đến thăm trường Nội trú IVS cở sở TPHCM, nằm trong khuôn viên Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM. Nhận cái vòng tay chào theo kiểu nhà võ từ các em, nghe các em kể chuyện, ăn với các em bữa cơm, lặng lẽ nhìn cuộc hội ngộ của một vài gia đình… tôi chợt thấy mừng cho các em và gia đình.

Võ Minh Khôi (TP.HCM), 15 tuổi, người gầy nhỏ, đeo cặp kính cận dày cộp bởi những ngày tháng “xông pha khắp các trận chiến game”, kể: “Hồi trước em học cũng khá nhưng từ khi ba má ly hôn, em về ở với mẹ, mẹ đi làm tối ngày, không có ai chơi cùng nên em đi chơi game. Ban đầu chơi cho biết, sau thì ghiền, mỗi ngày không ngồi “chiến” 4, 5 tiếng là em không chịu được. Chơi game khiến em phải nghĩ ra các chiến thuật làm sao để thắng được đối thủ nên em thấy mình… có chỗ đứng”!

Lớp học về hội họa của học viên.

“Mẹ nhiều lần nhắc nhở nhưng không được. Cách đây 1 tuần, mẹ bắt taxi đưa thẳng em lên trường IVS. Ngày đầu em buồn phát khóc, giận mẹ, giận bà. Mẹ cũng không gọi điện hỏi thăm nhưng giờ thì em thấy bình thường, em có bạn mới để cùng tập võ. Em nghe thầy quản sinh nói em tiến bộ nhanh nên mẹ sẽ sớm xuống thăm em!” – Khôi cười.

Đang ngồi trò chuyện với tôi thì thầy Đặng Lê Anh nhận cuộc điện thoại từ số lạ. Đầu dây bên kia giới thiệu: “Con chào thầy, con là Vinh, facebook của con là Vinh Béo, con muốn được đến trường của thầy để học. Con muốn nên người, thưa thầy! Thầy “kết bạn” với con trên facebook nhé. Bố mẹ con sẽ đến trường gặp thầy”.

Đây là trường hợp đầu tiên mà học sinh tự muốn đến trường mà không bị “cưỡng chế”, thầy Lê Anh mỉm cười: “Có lẽ đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi chúng tôi mở trường, tiếp nhận các em cũng chỉ mong giúp các em nên người”.