Đối với không ít nhà phát triển game độc lập (tạm gọi là indie) trên thế giới, Kickstarter đã trở thành một trong những nguồn ủng hộ quý giá nhất mỗi khi họ có dự án phát triển game, nhưng vì lý do tài chính mà dự án gặp khó khăn. Vậy thì, (dành cho những game thủ Việt Nam chưa có khái niệm),
Kickstarter là cái gì mà không ít những nhà phát triển game offline lẫn online nhỏ đều tìm đến với hy vọng tựa game của họ sẽ được cộng đồng giúp đỡ? Về cơ bản, Kickstarter cũng như những trang web ‘crowdfunding’ (huy động vốn trong cộng đồng) tương tự là nơi những dự án hay, mới lạ và đột phá có thể được giới thiệu đến cộng đồng đam mê công nghệ trên toàn thế giới.
Giới thiệu là một phần, phần quan trọng hơn, nếu cảm thấy dự án đủ hấp dẫn bạn, chưa tính đến chuyện nó có khả thi hay không, bạn hoàn toàn có thể bỏ một khoản tiền nhỏ để góp cùng rất, rất nhiều người khác với mục đích giúp đỡ nhà phát triển để họ có đủ tiềm lực tài chính, từ đó tiếp tục theo đuổi ‘cuộc chơi’.
Thiên đường cho nhà phát triển nhỏ?
Trên thực tế chúng ta có thể đếm được không ít những dự án đã thành công một cách rực rỡ nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. Nhưng đó là chuyện trên thế giới. Chúng ta đang ở Việt Nam, vì thế có lẽ sẽ chẳng mất gì khi mạn đàm về mô hình quyên góp cộng đồng và những lợi ích mà nó có thể mang lại cho làng game Việt Nam. Biết đâu, chúng ta sẽ vô tình mở ra được một con đường mới, dù gian nan hơn nhưng có phần hiệu quả hơn nhiều cho những nhà phát triển cũng như phát hành game Việt?
Hãy thử tưởng tượng một nhà phát triển game vô danh, với những con người chưa có tiếng tăm trong làng game nhưng sở hữu trong đầu những ý tưởng đột phá, có khả năng tạo ra một bom tấn đúng nghĩa một khi ra mắt. Thế nhưng như nhiều người ví von, vấn đề đầu tiên vẫn là: Tiền đâu? Sẽ có rất, rất ít nhà phát hành hay nhà đầu tư dám mạo hiểm chơi canh bạc theo kiểu được ăn cả, ngã về không, nhất là khi những con người với những ý tưởng táo bạo mới chỉ hình dung ra được chúng trong đầu, còn việc triển khai chúng là một vấn đề hoàn toàn khác.
Phao cứu sinh tuyệt vời
Đó là khi Kickstarter, hay những trang web tương tự ví dụ như ig9.vn tại nước ta trở thành phao cứu sinh cho nhà phát triển kia. Lúc này khó khăn của họ sẽ chuyển từ tài chính sang việc làm cách nào để diễn đạt ý tưởng của mình sao cho càng cuốn hút càng tốt. Nếu họ thành công trong bước này, thì việc còn lại sẽ chỉ là ngồi chờ… tiền đổ về tài khoản, và tiếp tục thực hiện dự án như đã cam kết trên trang kêu gọi góp vốn.
Một trường hợp khác (dĩ nhiên là giả định) cũng nhờ có Kickstarter mà thành công, đó là việc cộng đồng game thủ khi quá đam mê một game online nước ngoài. Thế nhưng
nhà phát hành vì một số lý do mà chưa đưa được game về nước, chẳng hạn phí mua bản quyền game quá lớn, ngoài sức chịu đựng của NPH, hoặc họ e ngại game về Việt Nam sẽ chẳng ai chơi. Một nhóm hoặc cộng đồng game thủ hoàn toàn có thể kêu gọi game thủ Việt, những người có chung đam mê cùng đóng góp. Một phần, khoản tiền thu về có thể được sử dụng để giúp đỡ nhà phát hành, nhưng quan trọng hơn cả, việc mở trang Kickstarter quyên góp là một trong những cách hiệu quả nhất để biểu đạt sự quan tâm của cộng đồng game thủ Việt.
Nhưng thực tế…
Tuy nhiên, tất cả những điều nêu trên hoàn toàn chỉ tồn tại trong một thị trường lý tưởng, nơi tất cả game thủ đều dám bỏ tiền ra để thỏa mãn đam mê của mình, ngay cả khi việc đầu tư này đưa họ vào một canh bạc 5 ăn 5 thua. Thị trường game online Việt Nam trên thực tế là một thị trường cực kỳ khắc nghiệt với cả những NPH lẫn nhà phát triển ứng dụng. Nơi chúng ta đang sống là nơi
căn bệnh chuộng đồ miễn phí đã lan tỏa thành một ‘đại dịch’ khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Game hay, ý tưởng độc đáo, nhận được ủng hộ về mặt tinh thần từ game thủ Việt, hoàn toàn không có nghĩa nó sẽ thu về nhiều khoản đóng góp từ cộng đồng. Hầu hết gamer Việt Nam đều có chung tư duy theo lối “Mình ko góp thì người khác góp, kiểu gì chả đủ”. Thế nhưng khi có quá nhiều người cùng nghĩ theo kiểu này, thì nhà phát triển game sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Vừa không đủ tiền trang trải chi phí dự án, vừa khó nói với những người đã đóng góp tài chính, dù chỉ là một khoản nhỏ. Việc xin lỗi và trả lại khoản tiền game thủ đã đóng góp nếu khả năng xấu nhất xảy ra là điều không một nhà phát triển nào muốn thực hiện.
Đó là khó khăn cho nhà phát triển. Về phần game thủ thì sao? Rõ ràng họ sẽ bị đặt ở vị trí có nguy cơ cao hơn nhiều so với những người kêu gọi quyên góp. Nếu chủ dự án quyết định ‘im thin thít và lặn mất tăm’, thì những người quyên góp sẽ vừa mất trắng khoản tiền đã bỏ ra, lại vừa mất đi lòng tin với những dự án kiểu này. Đây là một trong số những mặt trái của Kickstarter mà cho đến nay vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng.
Tạm kết
Nói tóm lại, Kickstarter nếu sử dụng đúng cách, cũng như đúng cộng đồng, sẽ trở thành nguồn ủng hộ tuyệt với nhất cho bất kỳ dự án hay startup nào, không chỉ riêng game. Tuy nhiên việc chọn “đúng cộng đồng” chắc chắn sẽ còn là một trong những điều nan giải bậc nhất dành cho bất kỳ chủ dự án game nào không chỉ tại Việt Nam. Còn bạn? Bạn nghĩ sao về tương lai của mô hình Kickstarter tại Việt Nam, cũng như lợi ích nó đem lại cho thị trường game online trong nước? Hay chia sẻ ý kiến của bạn thong qua phần bình luận dưới đây.