Hậu họa từ việc phát hành kiểu "vắt sữa" game

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 08/04/2013 05:00 PM

Nhiều hãng cùng lúc tung ra những sản phẩm game cùng thuộc thể loại đang là xu thế có lợi gì và hại gì?

Nếu như là một người yêu thích game online, chắc hẳn sẽ nhận ra rằng nhiều sản phẩm ra mắt trong một khoảng thời gian đều đi theo một xu hướng nào đó. Ví dụ như gần đây có thể kể tới sự nở rộ của dòng game nhập vai hành động cũng như dòng game MOBA với rất nhiều trò chơi ra mắt trên thị trường. Vậy, kiểu phát hành chạy theo xu thế như vậy của nhà phát hành có những điểm lợi và hại gì đối với cộng đồng game thủ?
 
Lợi: Có nhiều sản phẩm phong phú cho game thủ lựa chọn
 
Được tha hồ chọn lựa một rừng sản phẩm thuộc cùng một thể loại luôn tạo cảm giác thích thú. Tương tự như khi đi mua sắm vậy, từng món đồ của mỗi nhà sản xuất khác nhau sở hữu những tính năng riêng trên cơ sở chung, từ đó người tiêu dùng có thể lọc thứ phù hợp với túi tiền và nhu cầu của bản thân.
 
Trong trường hợp này game thủ cũng như vậy, mỗi tựa game đều mang một điểm đặc biệt khác nhau có thể ở đồ họa, cách chơi, nhiệm vụ… tạo nên sự độc đáo riêng và mỗi tính năng riêng này phù hợp với thị hiếu của từng người.
 
Hậu họa từ việc phát hành kiểu "vắt sữa" game 1
 
Như vậy, khi có nhiều sản phẩm cùng dòng ra mắt dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn, game thủ có thể dễ dàng chọn ra một trò chơi phù hợp nhất với mình sau khi thử qua từng tựa game. Người chơi cũng hoàn toàn tự do rời bỏ game và không mấy khó khăn để được phiêu lưu trong một thế giới ảo tương tự nếu chính sách của NPH trước không tốt. Tình trạng độc quyền và chèn ép quyền lợi của gamer cũng sẽ ra đi nhanh chóng.
 
Bên cạnh đó, gamer cũng sẽ nhanh chóng nắm được cái hay của từng thể loại game sau khi chinh chiến qua nhiều sản phẩm thuộc cùng phân khúc. Từ đó người chơi sẽ tự khám phá được sở thích của bản thân và chọn được một sản phẩm phù hợp với chính mình.
 
Hại: Nhiều quá dẫn tới… bội thực
 
Cái gì nhiều quá cũng dẫn tới cảm giác thừa thãi, lâu dần tạo ra cảm giác không còn chút hào hứng nào khi có sản phẩm mới ra mắt trên thị trường, đó chính là tình trạng bội thực của game thủ. Ví dụ đơn giản bạn có thể thấy tại thị trường Việt Nam đó chính là webgame võ hiệp 2D và cơ chế tự động từ đầu tới cuối.
 
Thời gian trước đây khi huyền thoại Võ Lâm Truyền Kỳ còn xưng vương xưng bá thì các chương trình auto bên ngoài là một trong những vũ khí quý giá giúp game thủ cày cấp đuổi top, thể loại game Kiếm Hiệp cũng rất được ưa chuộng. Thế nhưng tới khi hàng loạt webgame ra mắt với ối cảnh na ná, chỉ khác một vài tính năng và sỡ hữu hệ thống tự động tiện lợi thì người chơi ngay lập tức thấy “bội thực” và bắt đầu gọi những sản phẩm này là “rác”.
 
Hậu họa từ việc phát hành kiểu "vắt sữa" game 2
 
Đây không phải là ý kiến bào chữa hay chê bai giới game thủ! Không một ai có thể ăn mãi một món ăn mà không cảm thấy chán cả. Do vậy việc người chơi khát khao những trò chơi mang tính đột phá khác biệt sau một thời gian dài đằng đẵng buộc phải “xử tạm” vô vàn tựa game có “vị” không khác nhau mấy chẳng có gì là lạ cả.
 
Quay trở lại vấn đề cũ, một khi có quá nhiều game cùng thể loại ra mắt trên thị trường sẽ tạo ra cảm giác “bão hòa” đối với game thủ. Cộng đồng bỗng dưng cảm thấy không thể dung hòa những trò chơi mới nữa và nhanh chóng đào thải nó. Trên thực tế, không chỉ một vài tựa game ra sau chết ngắc từ khi mới ra mắt mà cả dòng game đó cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng bị game thủ ghẻ lạnh.