Một khi đã trở thành thị trường
game online có doanh thu lớn cũng như có cộng đồng đông đảo, việc tạo ra một sân chơi riêng, nơi các
nhà phát hành trong và ngoài nước có thể gặp gỡ nhau, cũng như tương tác với
cộng đồng game thủ là điều không sớm thì muộn.
Đó cũng chính là lý do ở châu Á nói riêng, chúng ta đã có những sự kiện tập trung chủ yếu vào game online như G Star hay China Joy. Cộng đồng game thủ cũng như các doanh nghiệp làm việc trong ngành game luôn chờ đợi những cơ hội như thế này để đưa sản phẩm của mình đến với nhiều người, hay thậm chí là tìm đường đưa đứa con tinh thần của họ đến với những thị trường tiềm năng.
Nhìn lại
làng game Việt, một thị trường trong quốc gia chỉ gần 100 triệu dân nhưng đã có tới hơn 20 triệu người chơi game trên tất cả các phương tiện, có nghĩa là cứ 5 người Việt Nam thì có một người biết và thưởng thức các sản phẩm giải trí tương tác, theo lời ông Lê Hồng Minh, CEO VNG. Cũng theo ông Minh, doanh thu hàng năm của làng game chúng ta rơi vào con số khoảng 6.000 tỷ Đồng, nghĩa là gần 300 triệu USD.
Vậy sự kiện về game của làng game Việt chúng ta đang ở đâu?
Phát triển game chưa có đột phá
Không nên quên rằng, những G Star hay China Joy đều diễn ra ở những đất nước có ngành phát triển game online cũng như offline (dĩ nhiên MMO vẫn phần nào được coi trọng hơn) rất mạnh, với những dự án game đình đám tạo được tiếng vang cả trong nước lẫn quốc tế. Trong khi đó Việt Nam thì sao?
Cả năm qua, có lẽ chỉ có đúng một dự án game online khiến cộng đồng game thủ Việt xôn xao bàn luận, đó chính là Sát Thát Truyền Kỳ. Trong khi đó, những tựa game made in Vietnam khác thì chưa thể có được sự chú ý cần thiết.
Ấy là chưa kể, như đã đề cập trong một bài viết gần đây về việc những nhà phát hành game Việt Nam đang bỏ quên mảng thiết kế game mà chỉ tập trung vào mảng mua game và phát hành. Đó cũng là lý do khiến cho những sự kiện về game nếu có tại Việt Nam cũng sẽ chỉ là cuộc chơi của những nhà phát hành lớn, đem những game online họ mua về để quảng bá.
Vẫn chỉ tập trung vào phát hành
Tại làng game Việt hiện nay có rất nhiều những đơn vị hay những nhóm phát triển game với 100% nhân sự là người Việt. Tuy nhiên trong số đó, hầu hết đều chỉ là những nhóm làm game quy mô nhỏ, vì đam mê đối với game.
Trong đó chúng ta có thể kể tới những nhóm phát triển quy mô nhỏ như GamesVTS chẳng hạn. Về lý thuyết, đây là một trang diễn đàn dành cho những người mê game, muốn làm game. Không ít những chia sẻ và hỗ trợ từ mặt hình ảnh, lập trình đến cả âm thanh từ các thành viên của diễn đàn này được đánh giá là vô cùng hữu ích cho những nhà phát triển game mới nhập môn.
Tuy nhiên đây chỉ là một cộng đồng hoạt động phi lợi nhuận. Những kinh nghiệm hay thậm chí là những dự án game đều được các thành viên chia sẻ miễn phí, không vì mục đích tài chính.
Ở thời điểm hiện tại, hầu như chưa có bất cứ sản phẩm nào do người Việt Nam tạo ra đạt được thành công về mặt tài chính ngay trên thị trường Việt (chứ chưa nói đến thị trường quốc tế). Chất lượng chênh lệch so với các đối thủ trong khu vực cũng như trên thế giới là một phần, đây là điều hiển nhiên vì chúng ta bắt đầu cuộc chơi chậm hơn rất nhiều so với các nước láng giềng.
Nỗi lo yếu thế
Trong trường hợp chúng ta có được một sự kiện dành riêng cho game, game online cũng như cộng đồng game thủ, không loại trừ khả năng chính chúng ta sẽ trở thành kẻ yếu thế ngay tại làng game Việt.
Các nhà phát triển, cũng như NPH nước ngoài sẽ đổ xô tới sự kiện này với mục đích quảng bá game online của họ tới cộng đồng game thủ Việt. Trong khi đó, các NPH Việt Nam tại các sự kiện như thế này hầu hết đều chỉ tiếp tục quảng bá cũng như giới thiệu những game họ sẽ phát hành trong thời gian tới.
Những tựa game do người Việt phát triển sẽ không có nhiều cơ hội để tỏa sáng ngay trên sân nhà vì bản thân những game online Trung Quốc hay Hàn Quốc vốn đã vô cùng ấn tượng. Nên nhớ, trong sự kiện G Star 2013 vừa qua, vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, sự kiện được tổ chức tại xứ sở Kimchi đã trở thành sân chơi cho các nhà phát triển game Trung Quốc, với nhiều dự án game cực kỳ ấn tượng.
Chính vì thế, nỗi lo các NPH hay nhà phát triển game Việt yếu thế ngay tại sự kiện của chính chúng ta hoàn toàn không phải nỗi lo huyễn hoặc.