Đã từ rất lâu, kể từ ngày những game online đầu tiên đổ bộ vào thị trường game Việt Nam, game thủ nước nhà mới có được khái niệm đầu tiên về cộng đồng. Thứ hiện hữu rõ ràng nhất của cái gọi là cộng đồng đó không gì khác hơn chính là những guild hay clan trong game. Những game thủ Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí đang sinh sống và học tập tại nước ngoài hoàn toàn có thể tham gia vào những clan như thế này, mặc dù ngoài đời thật có thể họ còn chưa biết mặt nhau.
Những guild hay clan trong game online như thế này đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành một cộng đồng người chơi MMO gắn bó bền chặt. Nếu không có tính năng này, chắc chắn game online sẽ trở thành một thứ gì đó vô cùng ảm đạm khi người chơi chỉ biết tương tác với những nhân vật máy, hoặc chỉ tương tác với cộng đồng thông qua việc giao dịch vật phẩm ảo hoặc những trận PK máu lửa.
Thật may là, với những clan game, người chơi có thêm rất nhiều việc để làm bên cạnh việc train quái một mình. Đó có thể là những party tarin ở những bãi quái cấp cao, cần sự hỗ trợ của đủ những lớp nhân vật trong game. Đó có thể là những trận raid boss hay PK nảy lửa mà một game thủ đơn lẻ không thể hoàn thành. Hay thậm chí, bản thân tôi đã từng chịu đựng được cả vài tiếng đồng hồ “Tẩy tủy” tưởng chừng nhàm chán nhờ có party trò chuyện cùng, trong khi nhân vật thì vẫn đang… đánh cọc gỗ.
Và rồi, tình bạn trong game cuối cùng cũng được đem ra ngoài đời thật. Từ những buổi offline café hay ăn uống đơn thuần, một khi những game thủ đã có được hiểu biết tương đối về nhau, thì tình bạn trong game sẽ hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Chưa dừng lại ở đó, những game thủ cũng ghi điểm trong mắt cộng đồng với những chương trình từ thiện tự phát tới đồng bào ở các khu vực khó khăn. Tuy con số quyên góp được không phải là lớn, đôi khi chỉ là những cuốn sách, gói bánh, cân gạo hay tấm áo nhưng chính những hành động như thế này cũng khiến cho xã hội có cách nhìn khác tích cực hơn đối với game.
Thậm chí, tình yêu giữa những game thủ khác giới đôi khi cũng hình thành từ chính những party hay clan game như thế này, với sự chứng kiến của những gamer còn lại.
Chẳng thiếu những cặp đôi game thủ đã đến được với nhau, lập gia đình nhờ có game. Khi nhớ lại, không ít người đùa vui: “Nếu không có guild, có lẽ mình cũng chẳng gặp được anh/cô ấy”. Điều này là sự thật.
Thế rồi sự phát triển của game cũng khiến cho những thay đổi xuất hiện. Dần dần những webgame lần lượt xuất hiện và tạo ra những xu hướng mới trên thị trường. Không thể phủ nhận những lợi ích quá rõ ràng của webgame đối với cả người chơi lẫn cỗ máy của họ.
Webgame dễ mua, dễ hoạt động, cũng như không yêu cầu vòng đời hoạt động quá dài hơi. Nói một cách ngắn gọn, trong 1 năm, việc một nhà phát hành cùng lúc tung ra nhiều webgame không phải là điều gì đó quá đáng ngạc nhiên.
Chưa dừng lại ở đó, webgame nhờ vào việc hoạt động trên nền tảng trình duyệt nên đôi khi không cần game thủ phải sở hữu một cỗ máy với cấu hình quá khủng khiếp để có thể chiến tốt những tựa game như vậy. Đó là cái lợi ở thị trường Việt Nam, khi mặt bằng cấu hình máy tính vẫn còn chênh lệch rất cao.
Thế nhưng chính vì đặc điểm này, cộng thêm việc không ít các nhà phát hành vừa và nhỏ tại Việt Nam đã sử dụng những webgame chất lượng thấp làm công cụ tìm kiếm lợi nhuận, mà trong thời gian dài vừa qua, webgame nói chung đã bị không ít người gán cho cái nhìn thiếu thiện cảm.
Không phải là nói quá khi chúng ta hoàn toàn có thể tìm được những bình luận như “rác Tàu” trong những phần giới thiệu webgame mới chuẩn bị ra mắt. Trong nhiều trường hợp, một cách khách quan, quả thật một số webgame chỉ sở hữu chất lượng ở mức trung bình thấp.
Một tác động khác không kém phần tiêu cực đối với cộng đồng game thủ nước nhà chính là sự thoái trào của những clan hay guild trong game. Vì webgame dễ chơi, tốn ít thời gian, nên cũng vì vậy mà những tương tác cộng đồng trong game online vô tình bị bỏ quên.
Những guild, clan game cũng từ đó biến mất, hoặc nếu có thì cũng vô cùng rời rạc vì đơn giản, giờ đây game thủ tham gia guild chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân như kiếm đồ đạc hay làm những nhiệm vụ cần tổ đội tham gia…
Trong khi đó, những team game chuyên nghiệp, với quy mô và mức độ “pro” thì ngày một nhiều lên, tương xứng với tốc độ phát triển của làng thể thao điện tử nước nhà. Thế nhưng điều này không hề song hành cùng những clan và guild game online Việt. Giờ đây dường như những game thủ lão thành đã trở về chơi những tựa game đơn giản, nhẹ nhàng. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy một trong những ví dụ điển hình chính là clan Clash of Clans, một clan game với rất đông thành viên game thủ tại Việt Nam.
Và như thế là, một trong những khía cạnh tạo nên bản sắc riêng của làng game Việt trong thời gian qua đã dần mai một. Không ít những game thủ “lão thành” của làng game cũng từng có tâm trạng tương tự khi việc chơi game của người Việt giờ đây không còn có tính cộng đồng như xưa.
>> Những game bản quyền đang được game thủ Việt quan tâm