'Dân làm game' vốn là cụm từ để chỉ những người đang ngày ngày làm việc trong ngành công nghiệp trò chơi (mà tại Việt Nam thì chủ yếu là game online), chính vì mưu sinh nhờ game nên sự thành bại của họ cũng dựa phần lớn vào loại hình giải trí này. Sau hơn 10 năm tồn tại, dân làm game gần như đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để đưa sản phẩm của mình đến với thành công, đến nỗi chúng trở thành lối mòn khó mà xóa bỏ.
Thế nhưng kể từ khi gMO trở thành xu hướng mới và tất yếu tại Việt Nam, dường như tất cả những "bí kíp" trong ngành đều rơi vào trạng thái lỗi thời. "Người làm game phải đổi mới tư duy khi phát hành gMO", đó là tâm sự của không ít chuyên gia trong nước. Vậy thay đổi tư duy ra sao và làm thế nào để thành công với loại hình game mới này?
Với gMO, tư duy kinh doanh game xưa đã lỗi thời.
Tư duy xưa cũ
Đối với game online thông thường trên PC (bao gồm cả client lẫn webgame), gần như mọi NPH đều đi theo đúng một kịch bản: tiếp cận giới truyền thông, cố gắng chạy thật nhiều bài viết quảng bá tâng bốc cho game của mình và đầu tư SEO hiệu quả trên Google. Chỉ cần làm tốt chừng đó là đã nắm chắc trong tay 40% thành công, phần còn lại phụ thuộc vào khâu vận hành khoa học và đôi khi là cả may mắn nữa.
Rõ ràng mặc dù cách làm trên đã trở nên cực kỳ cơ bản, thậm chí lỗi thời nhưng vì tính hiệu quả không phải bàn cãi của nó nên từ các NPH lớn nhỏ đều tuân theo tuyệt đối. Sau này khi làn sóng webgame tràn về, thị trường cạnh tranh khốc liệt thì mới nảy sinh ra những chiêu trò truyền thông không đẹp, gây chán ghét cho game thủ.
Từ PC lên mobile, đối tượng game thủ đã khác nhau rất nhiều.
Thậm chí trong nội bộ giới marketing game Việt Nam, những ai quen biết hoặc có quan hệ tốt với giới truyền thông thường sẽ được trọng dụng. Với họ, game online thông thường chỉ cần được chạy tin dày đặc và quảng cáo thậm xưng hết mức có thể là thu hút lượng lớn người chơi. Dĩ nhiên bản thân game hay hay không cũng quan trọng, nhưng nếu không biết cách tiếp cận với truyền thông đồng nghĩa với thất bại.
Ngay cả với không ít những game online trái phép do NPH Trung Quốc tuồn vào Việt Nam trước đây, họ cũng cố tình rải tiền để pop-up quảng cáo ở càng nhiều nơi càng tốt, mua vị trí đẹp trên Google để dìm hàng hoặc ăn theo thương hiệu đối thủ (GameK đã từng nói về vấn nạn này trước đây). Nói chung, có lẽ nếu game online mãi mãi chỉ xuất hiện trên PC thì vòng xoay làm game sẽ vẫn chỉ dừng lại ở đó.
Và sự đổi mới khó cưỡng
Khi làn sóng game online mobile (gMO) trỗi dậy tại Việt Nam, ban đầu người ta vẫn tưởng cứ đi theo vết xe cũ kỹ trên là nắm chắc thành công, tuy nhiên sự thật là một loạt sản phẩm đời đầu thất bại hoặc không thể đi lên được. Bấy giờ, dân làm game mới vỡ lẽ mình phải tự thay đổi tư duy, tự tìm tòi phát triển lại hướng đi cho mình.
Bài toán gMO khiến dân làm game vỡ lẽ rằng mình cần thay đổi.
"Game online thông thường có tập khách hàng trải rất rộng, từ trẻ con đến người lớn; thế nhưng với gMO thì khác, đối tượng chơi gMO tại Việt Nam lại đa phần là người chịu khó nạp tiền và độ tuổi cũng ở mức trưởng thành hơn", đại diện một NPH trong nước tâm sự. "Chính vì người chơi gMO trưởng thành hơn nên họ cũng 'lười' tìm hiểu thông tin hơn trên PC".
Nói cách khác, khi làm marketing cho gMO thì vấn đề là phải làm sao đưa thẳng thông tin tới người sử dụng, chứ không phải chỉ vin vào truyền thông hoặc đẩy thứ hạng trên Google. Một tựa game càng dễ bắt gặp trên mobile bao nhiêu thì tỷ lệ tải về càng cao bấy nhiêu.
Trao đổi với một vài chuyên gia trong ngành, cách để đưa thẳng thông tin game mobile tới với khách hàng dễ nhất là thông qua các website trên di động (thí dụ như một số forum được dựng dưới dạng wap đang ngày một nhiều trên mạng), hoặc sử dụng chiêu bài giới thiệu qua SMS (cả SMS truyền thống lẫn OTT). Không phải ngẫu nhiên mà càng ngày chúng ta càng dễ bắt gặp những tin nhắn quảng cáo game trên Viber, một ứng dụng OTT rất phổ biến tại Việt Nam.
Làm sao đưa thẳng thông tin game tới khách hàng qua mobile là vấn đề quan trọng nhất.
Bên cạnh việc sử dụng SMS, cách mua banner quảng cáo xuất hiện khi sử dụng phần mềm miễn phí trên di động cũng khá hiệu quả với gMO (chủ yếu là Android, vì iOS ít banner kiểu này). Nếu biết tận dụng cách này thì NPH chỉ cần bỏ ít tiền mà vẫn thu được lượng user lớn.
Tiểu xảo để đưa gMO lên top trong các Store lớn như Appstore, Google Play cũng là nguyên tắc sống còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào đang cố bước chân vào lĩnh vực game di động. gMO còn nhiều tiểu xảo hơn game online thông thường, nếu không biết cách PR để app đứng top 10 thì đừng mong có doanh thu lớn.
Thay đổi là để phát triển
Thay đổi để thành công là điều tất yếu.
Game là ngành công nghiệp trí tuệ và vì thế nó thay đổi từng ngày. Nếu cứ bám theo những tư duy xưa cũ thì mãi mãi chúng ta không thể phát triển được. Sự thật đã ghi nhận nhiều dân làm game dù rất giỏi khi phụ trách các dự án game online trên PC nhưng rồi thất bại hoặc không thể theo kịp khi đứng trước bài toán gMO.
Dẫu sao, đó cũng là cơ hội để những con người trẻ trung hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn vươn lên. 2014 đang được kỳ vọng là năm của gMO, hy vọng rằng ngành game Việt sớm đón bắt được cơn sóng đang vỗ đến gần để xuôi theo nó thành công.