Thậm chí, có doanh nghiệp còn quảng bá rất “mạnh miệng” cho cổng game của mình khi nhận được tờ giấy phép G1, với ám chỉ có tờ giấy phép này, cổng game sẽ được phát hành các trò chơi trên đó thoải mái.
Giấy phép G1 là chưa đủ để phát hành game ra thị trường
Thực tế tờ giấy phép G1 mới chỉ dừng ở điều kiện “cần”, bởi muốn phát hành từng trò chơi điện tử trực tuyến ra thị trường để phục vụ người chơi, các doanh nghiệp còn phải có điều kiện “đủ”, đó là phải xin cho từng trò chơi của mình thêm quyết định phê duyệt nội dung kịch bản game online. Theo đó, nếu doanh nghiệp phát hành game mà chưa có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản này sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí vi phạm nhiều lần có thể bị thu hồi cả giấy phép G1.
Một vấn đề cũng đang đặt ra cho các cơ quan chức năng, đó là sẽ cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cho từng game như thế nào. Bởi hiện nay trên thị trường con số game online chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản hiện tại đã hơn 400 game, từ các doanh nghiệp. Liệu có thể cấp phép hết một lúc được không, vẫn là bài toán nan giải.
Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang thắc mắc, đó là liệu các trò chơi đánh bài có được cơ quan quản lý phê duyệt nội dung kịch bản hay không. Hiện tại, chỉ có các trò chơi đánh bài của VNG và VDC- Net2e là được phê duyệt, còn của các công ty khác lại không được. Nhiều công ty đang kinh doanh game đánh bài cho rằng như thế là bất công, bởi tại sao game của hai doanh nghiệp trên được phê duyệt, còn game của họ thì không.
Quảng cáo game đầy hình ảnh và ngôn từ "nhạy cảm"
Có một điều cơ quan chức năng cũng cần lưu ý khi cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cho từng game online hiện nay. Đó là một số doanh nghiệp game, thậm chí là doanh nghiệp đầu ngành, đang có những hình thức truyền thông, quảng bá game của họ đầy “nhạy cảm”, thậm chí là sử dụng những hình ảnh, nội dung liên quan đến “sex”, nhằm thu hút người chơi.
Trên trang giới thiệu game nhiều doanh nghiệp sử dụng hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang, cùng lời mời gọi “gợi tình” để “dụ dỗ” game thủ. Bên cạnh đó, khi vào game, có những âm thanh đầy “gợi dục”. Chính các doanh nghiệp này đang làm “vấy bẩn” môi trường kinh doanh game online hiện nay, nên việc cho họ đưa game ra thị trường hay không cũng cần được cân nhắc.
Cũng rất lấy làm lạ, là trong khi các doanh nghiệp đang mong mỏi từng ngày để được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cho game online của mình, để phát hành ra thị trường phục vụ game thủ, thì lại có những doanh nghiệp đưa ra các phương thức truyền thông và quảng bá game đầy “nhạy cảm” như trên. Việc dùng những hình thức quảng bá này nó sẽ khiến cho game online ở Việt Nam thêm nhiều “thành kiến” từ dư luận xã hội, thậm chí có thể bị xã hội lên án và gây sức ép đến cơ quan chức năng trong vấn đề cấp phép. Rất nhiều bài học trước đây về việc này trong ngành game vẫn còn đó.
(Theo Ictnews)