Giấc mơ "Việt Nam Joy" còn xa vời lắm lắm!

Vĩnh Hậu  | 29/07/2011 0:00 AM

Chỉ có người có trí óc bay bổng cỡ... nhà thơ thì mới nghĩ đến một hội chợ game tầm cỡ tại Việt Nam.

ChinaJoy đang rộn ràng trong không khí tưng bừng của một trong những hội chợ hàng đầu về game online. Hàng trăm nghìn game thủ nô nức chỉ chờ dịp này để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Tuy vậy, giữa lúc mà những tín đồ game online xứ Bắc đang vui như tết thì không khí ảm đạm lại bao trùm thị trường Việt Nam.
 
Đang sống trong thời điểm của những ngày tháng khó khăn với game trực tuyến, ít ai dám mơ đến một không khí tưng bừng như vậy. Và đâu là nguyên nhân mà đến nay chúng ta vẫn không có một hội chợ game tầm cỡ?
 
Thị trường nước nhà nhỏ và chưa chuyên nghiệp
 
Đúng là khi so ra, chúng ta vẫn thấy rằng game online Việt Nam đang ở quy mô lớn hơn nhiều so với khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu nhìn kĩ lại, thực chất chúng ta vẫn chưa khác gì nếu đem so với “thằng chột làm vua xứ mù”.


Chúng ta chưa phải là thị trường tầm cỡ.
 
Chúng ta có quy mô khá lớn nếu đem so sánh với các nước còn lại về mảng game online. Thị trường của chúng ta thu về một lượng lớn lợi nhuận từ kinh doanh game, và sở hữu lượng game thủ đông nhất khu vực. Đó là một thế mạnh. Nhưng đem so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước phương Tây thì cũng vẫn chỉ là “muỗi tép”.
 
Dù cho những đơn vị kinh doanh game liên tục nở rộ, thậm chí thu hút cả các công ty nước ngoài vào đầu tư, thế nhưng về thực chất, cung cách phát triển của chúng ta vẫn chưa hề vững vàng. Tính manh mún, thiếu ổn định vẫn còn rất rõ. Minh chứng rõ nhất chính là việc một lượng game rất lớn phải đóng cửa trong năm ngoái khi hứng chịu cơn bão chỉ trích game của công luận và các cơ quan chức năng.

Nếu như phát triển vững vàng hơn, những NPH nước nhà đã có thể giữ được game thủ ở lại với game. Cơn bão đóng cửa vừa qua cho thấy tính chất “mùa vụ” của nhiều game, hút một lượng game thủ trong một vài năm, rồi sau đó lại dễ dàng đánh mất. Nếu nhìn về quy mô, chúng ta khá nhất ở Đông Nam Á, nhưng về tính chuyên nghiệp, còn lâu mới sánh được so với Singapore hay Thái Lan.


Cần phải phát triển vững chắc hơn để tránh tình trạng đóng cửa "theo mùa".
 
Chưa có giải thưởng hàng năm cho game
 
Cái này gần như thấy rõ ai cũng biết, nhưng sẽ rất khó mà tổ chức một cuộc tranh giải nào đó cho các game online tại nước nhà. Thiếu vắng giải thưởng cũng là thiếu vắng những cuộc tranh tài quyết liệt giữa các game cũng như cộng đồng game thủ và các NPH.
 
Nhiều người trong nghề ước ao, nếu như có một hệ thống giải thưởng nào đó cho các game của họ, như giải cho game hay nhất, game có đông game thủ nhất, game được yêu thích nhất hay sâu hơn là game phát triển mạnh nhất, quảng bá tốt nhất…thì họ sẽ có động cơ để phấn đấu hơn là làm công ăn lương như hiện tại. Tuy nhiên, đúng là xa vời khi nghĩ đến một giải thưởng như thế giữa lúc game đang là đối tượng chịu chỉ trích.

Tính thiếu chuyên nghiệp của thị trường Việt Nam cũng là nguyên nhân cho việc thiếu vắng giải thưởng. Nếu có chăng nữa, nó cũng dễ dàng bị thâu tóm bởi những đối tượng tham dự. Việc dùng tool bất hợp pháp để bầu chọn hàng loạt trong giải là một ví dụ.


Bây giờ kiếm đâu ra một giải thưởng về game?
 
Là tiền đề để tiến đến có một hội chợ quy mô và chuyên nghiệp, nếu chưa có một giải thưởng để khẳng định sự phát triển của mình, game online Việt sẽ chưa thể nghĩ đến những thứ như ChinaJoy.
 
Ngành sản xuất game nước nhà còn quá non trẻ
 
Mở đầu bằng việc VNG đi đầu sản xuất Thuận Thiên Kiếm, ngành công nghiệp sản xuất game online của nước nhà, hay nói dễ hiểu hơn là “làm game thuần Việt” đến nay vẫn chưa thực sự lớn mạnh. Mặc dù trong quãng thời gian này, hàng loạt studio làm game cũng như rất nhiều dự án được công bố cũng như đi vào vận hành.

VNG sau dự án Thuận Thiên Kiếm không mấy thành công do đặc thù của thị trường game Việt lúc đó, đã tiếp tục xông pha vào dự án game 3D đầu tiên của mình. Đến lúc này, dự án kia vẫn chưa có lộ trình chính thức nào cho việc ra mắt, và có vẻ là đang “đắp chiếu” chờ đợi. Nếu thành công, chỉ có thể nói rằng VNG đã thành công hơn nhiều ở mảng flash game trên nền mạng xã hội.


Game thuần Việt rất xứng đáng được khích lệ, nhưng vẫn còn khá non.

VTC cũng là một NPH kiêm NSX game online. Là công ty hiếm hoi ở phương Bắc, họ cũng ra mắt những game thuần Việt của riêng mình. Tuy nhiên, dù cho gần như đã hoàn thành, SQUAD của họ vẫn chưa tìm được đường ra, buộc phải tìm cách “xuất khẩu”, còn Generation 3 thì dù đã ra mắt nhưng thành công gặt hái không đáng kể.
 
Đếm đi đếm lại, lượng game được sản xuất ở nước nhà cũng chỉ trên đầu ngón tay. Đây là minh chứng cho sự non nớt của ngành sản xuất game tại Việt Nam. Với sự non nớt như thế, họ lấy gì để tham gia nếu như thật sự có một hội chợ?
 
Game online vẫn chưa được thừa nhận
 
Đó là sự thật khiến nhiều người dù rất tiếc nhưng cũng đành phải thừa nhận. Khi mà game online vẫn đang bị nhìn dưới con mắt tiêu cực, việc đòi hỏi một hội chợ để phô trương game là điều không tưởng.

Xã hội đến lúc này dẫu cho không còn quá mù mờ về cái gọi là “game trực tuyến”, cũng như xem đó là cái gì nguy hại lắm, nhưng việc nhìn nhận nó dưới con mắt khách quan vẫn còn rất khó khăn. Còn nhớ cách đây không lâu, khi một đơn vị tổ chức thi đấu game cho những người chơi nhiệt tình (mà thực chất là thi đấu eSport), đã bị không ít chỉ trích vì “tổ chức đấu game online gây náo loạn cả khu vực”.


Chờ đợi game được nhìn dưới con mắt khác giống như nắng hạn chờ mưa rào.
 
Và cả trên phương diện pháp luật, game online vẫn chưa có chế tài chính thức để có thể phát triển. Tài sản ảo trong game không hề được thừa nhận, vậy nên thật khó mà chắc chắn khi đầu tư vào đó. Và một khi đã mang tâm lý không dám làm tới cùng, không chắc chắn, game online và vòng xoay quanh nó vẫn chưa thể có một nền tảng bền vững.
 
Và cùng với quá nhiều những điều bất cập đó, thị trường game Việt thật khó khăn để nghĩ về một hội chợ quy mô như ChinaJoy, G-Star hay Tokyo Gameshow. Có chăng là… mơ về nơi xa lắm!