[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 21/03/2013 0:00 AM

Góp phần cho cái nhìn không mấy thiện cảm của cộng đồng đối với những game online đến từ Trung Quốc là lỗi của cả game thủ lẫn nhà phát hành.

Xem ý kiến game thủ tại bài thăm dò trước:



Thưa các bạn, ngay sau khi bài viết trưng cầu ý kiến về góc nhìn của game thủ Việt Nam tới những tựa game online có nguồn gốc tại Trung Quốc được đăng tải, GameK đã nhận được không ít những bình luận chia sẻ từ các độc giả, những người chơi MMO Việt Nam. Đáng mừng hơn, bên cạnh việc gửi gắm ý kiến cá nhân, các bạn còn phân tích sâu hơn lý do của việc game online có nguồn gốc tại Trung Quốc hễ cứ được nhà phát hành nhập về Việt Nam là bị tẩy chay và bị quay lưng. Chúng ta hãy cùng điểm qua những lý do khiến cho thời gian qua, không ít những MMO ‘Tàu’ bị quay lưng.
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 1
 
Đầu tiên phải kể đến căn bệnh “nhai lại” của nhà phát hành game Việt. Những tựa game online Trung Quốc với nội dung, cốt truyện, lối chơi có phần quá tương đồng đã được các nhà phát hành Việt Nam nhập về thị trường nội địa. Đơn cử, chúng ta có cả một bản danh sách những MMO lấy bối cảnh thời kỳ Tam Quốc đang có mặt tại thị trường Việt Nam: Tam Quốc Chí 3D, Chiến Tướng 2, Anh Hùng Tam Quốc, Tam Quốc Chiến, Tam Quốc Truyền Kỳ, Mộng Tam Quốc, Thần Long… Sự thiếu đa dạng về nội dung của những tựa game online như thế này là lý do đầu tiên khiến cho thị trường bão hòa. Từ đó, sự thờ ơ của cộng đồng game thủ về những game online như thế này cũng dần được hình thành.
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 2
 
Lý do thứ hai được đưa ra là do thói quen chơi MMO của game thủ Việt. Không phải tự nhiên mà các nhà phát hành game trong nước thường tập trung vào việc đầu tư cho những tựa game dễ chơi, đơn giản đến từ thị trường của nước láng giềng. Để minh chứng, GameK xin trích đăng một đoạn bình luận tiêu biểu của độc giả có tên “CJ”. Đoạn bình luận này mô tả khá chuẩn xác những gì đang xảy ra với thị trường game Việt với sự góp mặt của các webgame Trung Quốc:
 
“Việt Nam có điểm tương đồng về văn hóa với TQ nên game của nó cũng tương đối phù hợp. Bởi vậy, các game nhập về đa phần phải phù hợp với cái văn hóa này. Đặc biệt là thể loại kiếm hiệp, mà kiếm hiệp thì TQ nó là trùm rồi.(…)
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 3
 
Cộng với thói quen (văn hóa) chơi game của game thủ Việt. Kiểu như cắm đầu vào chơi đến khi xong, và luôn skip các đoạn hoại thoại, bỏ quên tên nhân vật. Cho đến khi chơi xong game thì chỉ nhớ là à, mình đã chơi xong game đó, nhân vật mình chọn là con bé cầm cây gậy phép có chiêu thả sấm chớp. Nhưng chả biết nó tên gì.
 
Thêm cái auto nữa, thành ra bây giờ nhiều người kén game offline. Nếu có chơi thì dùng cheat, artmoney, hoặc xem các video walkthough.Cuối cùng tạo thành cái gọi là: Cả thèm chóng chán, nhảy từ game này sang game khác. Vậy thì để đảm bảo mình sống còn, bắt buộc NPH chọn game dễ, có auto, đơn giản,… để phát hành thôi. Không trách đi đâu được. Mà cái thể loại này thì TQ sản xuất đầy.”
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 4
 
Trong khi đó, cũng có không ít game thủ, không ít những độc giả lại có được cái nhìn tổng quan hơn khi cho rằng game Trung Quốc cũng có cái hay, có cái dở. Vấn đề người Việt có được chơi game hay của “anh láng giềng” hay không còn phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phát hành trong nước: “Game thì có game dở và game hay, quan trọng là do NPH VN có thái độ thế nào khi mua game về phát hành. Chúng ta đang đối mặt với vô số game rác là do các NPH của VN muốn thu lợi nhiều nên toàn phát hành những game dở,  và 1 mặt khác là do chúng ta co nhìn nhận thế nào khi tham gia 1 game mới, nếu ko thích thì chúng ta ko tham gia. Cái đó nằm ở cách nhìn và nhận thức của mỗi người chứ dừng bao giờ đổ thừa đó là game Tàu”.
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 5
 
Cũng theo kết quả bình chọn của bài viết trước, số lượng những game thủ có lối suy nghĩ như trên đây chiếm 43,43% trong số gần 2.500 người tham gia bình chọn, Trong khi đó con số những người có tư duy tuyệt đối quay lưng với game Trung Quốc, bất kể đó là game hay hay game dở rơi vào khoảng gần 37%. Còn lại là những game thủ Việt buộc lòng phải gắn bó với những tựa game có chất lượng không cao được các NPH Việt phát hành vì nhiều lý do.
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 6
 
Tổng kết lại, việc thị trường Việt Nam trở thành “bến đỗ” cho không ít game chất lượng thấp có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc có phần trách nhiệm của cả những game thủ Việt, lẫn các nhà phát hành. Thêm vào đó, game Trung Quốc không phải sản phẩm nào cũng là “rác” như không ít game thủ nghĩ. Vấn đề nằm ở chỗ, việc những tựa game cao cấp từ Trung Quốc có về được Việt Nam hay không còn phụ thuộc nhiều vào thói quen chơi game của đại bộ phận game thủ Việt. Từ bỏ hoàn toàn thói quen auto và cả thèm chóng chán, khi đó các NPH Việt Nam sẽ chẳng có lý gì mà không phát hành những cái tên như Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Huyền Thiên Chi Kiếm đến với game thủ của dải đất hình chữ S.
 
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc 7