Games Nhật khó vào Việt Nam

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/03/2016 03:42 PM

15 doanh nghiệp sản xuất games Nhật Bản đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tương lai của sự hợp tác này vẫn còn khá mờ nhạt.


“Hội thảo - Giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nội dung số và phần mềm” tổ chức ngày 24/3.

“Hội thảo - Giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nội dung số và phần mềm” tổ chức ngày 24/3.

Kế tục quá khứ ?

Theo Ban tổ chức, phía Nhật Bản có 15 doanh nghiệp tham gia, chủ yếu là các đơn vị sản xuất và kinh doanh trên nền tảng phần mềm ứng dụng thiết bị di động, trò chơi trực tuyến...

Phía Việt Nam có nhiều studio games, các đơn vị cung cấp, phát hành dịch vụ trò chơi di động, trực tuyến và dịch vụ, giải pháp hỗ trợ thanh toán, hạ tầng viễn thông, kỹ thuật số... có mặt để giới thiệu các sản phẩm của mình.

Có thể nói, hoạt động này, một lần nữa thể hiện tinh thần tìm kiếm sự đồng thuận, hợp tác làm ăn giữa các doanh nghiệp phần mềm nội dung số Nhật Bản và Việt Nam.

Ông Yoji Kawaguchi, đại diện Hiệp hội trò chơi trực tuyến Nhật Bản JOGA nhìn nhận: Những cơ hội đối thoại tìm hiểu này không nhiều, và phía Nhật Bản luôn rất muốn sẵn sàng biến các cơ hội thành hiện thực.

Lâu nay, giữa 2 phía cũng đã từng có các sự kiện nối kết sản phẩm, đơn cử như mối quan hệ đối tác giữa DeNA Nhật và nhà phát hành VNG đã duy trì vững bền khá nhiều năm.

Lúng túng tương lai ?

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực trạng hoạt động giữa hai thị trường, các doanh nghiệp đều nhìn thấy những rào cản khó vượt.


Không ít tựa game Nhật Bản đã cố gắng len lỏi vào thị trường Việt nhưng đều thất bại.

Không ít tựa game Nhật Bản đã cố gắng len lỏi vào thị trường Việt nhưng đều thất bại.

Nổi cộm nhất là tâm lý, thói quen chơi game của đông đảo game thủ Việt Nam khác game thủ Nhật Bản. Từ lối chơi, loại hình, cho đến giao tiếp cư xử đều không tương đồng, nên rất nhiều trò chơi Nhật Bản đã cố gắng xâm nhập vào thị trường Việt Nam thời gian qua, đều thất bại.

Một nhà phát hành lớn của Hà Nội nhận xét, cách tương cận khả năng giữa 2 bên, hóa ra lại phải... đi qua cửa game Trung Quốc. Rất nhiều sản phẩm trò chơi do doanh nghiệp nước này làm ra đang thịnh hành với cả Nhật và Việt Nam. Thời gian gần đây, cùng với sự suy thoái của nền game Nhật, có không ít người chơi trẻ tuổi Nhật Bản còn tiếp cận văn hóa game của Trung Quốc, như chuộng dòng game kiếm hiệp nhập vai... Với đông đảo game thủ Việt Nam, game kiếm hiệp và các chủ đề dã sử Trung Quốc cũng quá phổ biến. Thành ra, sự nối kết game 2 bên Nhật Việt lại càng khó khăn.

Đồng thời, do thị trường game Nhật gần đây cũng thoái trào, bị “đồng hóa” ngược từ Trung Quốc, nên các nhà sản xuất Nhật khá lúng túng, muốn tìm kiếm hướng giải mở ra ngoài, về phía Châu Âu và Việt Nam.

Trong khi đó, bản thân các studio games Việt lại chỉ thuần có gia công, chưa đủ lực xác định vị thế, hướng đi mạnh mẽ, không dễ hợp tác với Nhật “bài Trung”.

Hơn nữa, thói quen “phi bản quyền” đã tồn tại lâu nay trong quan hệ làm game giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng là vướng mắc khó vượt qua. Các doanh nghiệp game Nhật rất dè dặt vấn đề này, hầu như không thể trao đổi thoải mái với các studio games Việt Nam vốn không nắm bản quyền.

Kết thúc hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam chỉ có được một số trao đổi, ghi nhớ sơ bộ. Khả năng nối kết để cùng tạo ra những chương trình hợp tác phát triển dài hơi vẫn còn phải chờ đợi ở các hoạt động thăm dò và tìm hiểu tiếp theo.

Theo một số đơn vị làm game Việt, những nỗ lực từ phía Nhật Bản rất đáng ghi nhận, nhưng với bối cảnh hiện tại, sẽ rất khó để có thể cùng tương tác làm nên thay đổi cho hoạt động ngành game Việt Nam.

(Theo Bizlive)