Gamer Việt nên thôi "khóc lóc" khi thấy webgame

PV  | 04/02/2012 0:00 AM

Sự thật là với hoàn cảnh hiện tại, chính các NPH cũng không có giải pháp nào khác.

Như đã phản ánh trong một số bài viết trước, mặc dù sự trỗi dậy của thị trường game Việt Nam những tháng gần đây là tin mừng lớn với giới trẻ nội địa, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự làm họ thỏa mãn. Cụ thể, 80-90% các sản phẩm mới đều thuộc thể loại webgame khiến cơn "ngấy thức ăn" bắt đầu dâng lên.
 
Dạo qua các diễn đàn game, có thể tìm thấy không ít lời ca thán rằng các MMORPG hấp dẫn không thấy đâu mà game trình duyệt thì lại quá nhiều. Đặc biệt dòng webgame chiến thuật và nhập vai đang trở nên bão hòa trầm trọng, nhất là khi có tới cả tá sản phẩm na ná nhau được mua về từ cổng 4399 của Trung Quốc.
 

Gamer Việt đang tỏ ra thất vọng và đòi tẩy chay webgame.
 
"Quá thất vọng, giờ phải kêu gọi gamer Việt tẩy chay webgame mới may ra mới kết thúc được ác mộng này. Cái gì quá cũng không tốt, chẳng lẽ NPH ko hiểu hay cố tình không hiểu", đó là phản ánh phổ biến mỗi khi giới trẻ nội địa biết tin một webgame kiểu kiếm hiệp hoặc tiên hiệp sắp về nước.
 
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, có những nguyên nhân cốt yếu khiến các NPH dù biết cũng không thể làm gì khác ngoài việc cố nhập thêm webgame. Có lẽ chúng ta nên dần thôi ca thán vì có kêu thế chứ kêu nữa cũng... chẳng được gì.
 
Webgame là giải pháp duy nhất
 
Không phải ngẫu nhiên mà các NPH hiện tại lại gửi gắm kỳ vọng vào mảng webgame, điều này đến từ 2 nguyên nhân chính: ít tốn kém (cả về mặt bản quyền lẫn triển khai) đồng thời cũng "an toàn" hơn. Mặc dù hiện tại game trên trình duyệt không còn cái thời "bán rẻ như cho", thế nhưng dù sao nếu so với một MMO cài đặt bình thường thì nó vẫn rẻ hơn ít nhiều.
 

Đặc trưng "rẻ và an toàn" khiến webgame phù hợp với thị trường hiện tại.
 
Giá thành rẻ và việc triển khai dịch vụ (dịch thuật, server) nhẹ nhàng hơn, lại không phải lo lắng thỏa mãn cấu hình máy tính, các NPH mới và quy mô nhỏ chọn webgame là điều dễ hiểu. Hơn nữa, sự đa dạng về thể loại game trình duyệt (từ RPG, FPS tới casual đều có đủ) khiến gamer dễ chấp nhận hơn chứ không nghèo nàn chỉ có chiến thuật như xưa.
 
Như đã đề cập ở trên, khía cạnh "an toàn" cũng chẳng hề kém quan trọng, rõ ràng phát hành một webgame sẽ ít gây sự chú ý hơn là MMORPG hoàn chỉnh, hình ảnh của các game này thường nhẹ nhàng, ngộ nghĩnh và ít yếu tố bạo lực. Thậm chí nếu nói dại, game có phải đóng cửa thì do thời gian thu hồi vốn nhanh, NPH cũng không đến nỗi kiệt quệ.
 
Giả dụ như trường hợp của Thần Long Huyết Kiếm, dù là MMORPG không đến nỗi nào nhưng nó dần đuối sức và nay gần như sắp đóng cửa cũng vì phải chạy trên server nước ngoài, hiện tượng giật lag triền miên. Trong khi nếu là webgame nhẹ nhàng hơn thì vấn nạn ấy dù gì cũng giảm hơn nhiều.
 

Các NPH cũng muốn ra MMORPG nhưng không làm thế nào được.
 
Nói tóm lại, các doanh nghiệp chẳng còn biện pháp nào để nào tăng doanh thu trong thời buổi khó khăn hiện nay cả ngoài việc phát hành các webgame "ăn xổi". Chính vì vậy, nếu như trong năm 2012, tình trạng khó khăn về việc phát hành các MMO cài đặt vẫn tiếp diễn thì chuyện game thủ Việt tiếp tục bị bội thực là điều gần như chắc chắn.
 
Nên chờ tới hết nửa năm
 
Hiện tại còn quá sớm để nói trước điều gì, nhưng nhiều khả năng phải hết tháng 06/2012 thì cơn lũ webgame mới tạm thời dừng lại. Khi đó một số dự án MMO client truyền thống như Tinh Thần Biến, Giáng Long Chi Kiếm, Thành Cát Tư Hãn... mới có thể chào đời an toàn, vì thế điều mà gamer Việt nên làm lúc này là hết sức kiên nhẫn.
 
Sự thật là theo trao đổi với một số đại diện NPH, họ đều tâm sự rằng đã sở hữu trong tay ít nhất 1, 2 MMO cài đặt trong tay. Vấn đề là lúc này chúng vẫn phải nép mình chờ đợi Dự thảo mới, trong thời gian ấy muốn duy trì hoạt động của công ty thì dĩ nhiên cần tiếp tục sống với webgame đơn thuần.
 

Gamer nên cố gắng đợi sang nửa sau năm 2012.
 
Lúc này, doanh thu từ webgame ai cũng thấy rõ là bắt đầu có xu hướng đi xuống, thậm chí có NPH ra tới 3, 4 game nhưng rốt cuộc chỉ có 1 game là "có khả năng sinh lãi". Nếu họ không nhanh chóng chuyển đổi hướng đi thì sớm muộn cũng bị thị trường đào thải. Chúng ta khó có thể dùng lời để thuyết phục các doanh nghiệp, chỉ có vấn đề tiền mới khiến họ phải nhìn lại mình mà thôi.
 
Nói cách khác, trong thời loạn lạc như hiện tại thì các tín đồ ảo Việt nên tạm bằng lòng với webgame chứ đừng nên quá trông đợi các MMORPG 3D khủng làm gì. "Méo mó có hơn không", suy nghĩ này chắc sẽ khiến chúng ta cảm thấy nhẹ lòng hơn.