Game Việt lại lâm vào thế khó

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 21/09/2013 12:23 AM

Việc hợp tác với các đơn vị game online nước ngoài luôn là con dao hai lưỡi với các NPH Việt Nam.

Một trong những thông tin mà làng game Việt vô cùng lưu tâm trong ngày hôm qua chính là việc công ty cổ phần giải pháp phần mềm Hòa Bình, chủ quản nền tảng thanh toán qua mạng được rất nhiều người biết đến mang tên Ngân Lượng cũng đang có những bước chuẩn bị để có thể bước vào thị trường game online Việt Nam đầy cơ hội nhưng cũng đầy thách thức.

Game Việt lại lâm vào thế khó 1
Ảnh minh họa.

Dĩ nhiên, Ngân Lượng không hề đơn độc trong lần bước chân vào làng game Việt, một thị trường có phần mới mẻ đối với họ. Vào khoảng trung tuần tháng 04 vừa qua, MOL AccessPortal, một tập đoàn cũng hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đặc biệt là game online cũng đã công bố việc họ sẽ đầu tư chiến lược vào cổng thanh toán Ngân Lượng bằng cách sở hữu 50% số cổ phần của cổng thanh toán trực tuyến này.

Chỉ với cụm từ tìm kiếm rất đơn giản trên Google, chúng ta đã có thể nhận ra MOL Malaysia có thể xếp vào danh sách những cái tên đáng gờm trong làng thanh toán trực tuyến nói chung, cũng như thanh toán cho game online nói riêng. Những tựa game mà cổng thanh toán quốc tế này phục vụ game thủ đếm sơ qua cũng đã có không ít những cái tên đình đám như Blackshot, C9, Aion Online, hay thậm chí là cả World of Warcraft phiên bản Bắc Mỹ.

Điều này có nghĩa là, chúng ta có thể ngầm suy đoán rằng đơn vị đến từ Malaysia này đang “mượn” hệ thống sẵn có tại Việt Nam, tức là chính cổng thanh toán Ngân Lượng để làm bệ phóng bước chân vào thị trường game trong nước, một thị trường với đầy những cơ hội như phân tích của nhiều nhà phát hành lớn.

Game Việt lại lâm vào thế khó 2
Ảnh minh họa.

Nhìn lại quá khứ vài tháng trước đây, GameK cũng đã từng đăng tải một bài phân tích phản ánh thực trạng biến tướng của một vài nhà phát hành game online Trung Quốc, những nhà phát hành game nhỏ tại thị trường quê nhà nhưng đã kịp vươn sang làng game Việt để thu về những khoản lời đầy hứa hẹn. Việc chuyển sang bắt tay với những cổng thanh toán trực tuyến sẽ phần nào hạn chế được những rủi ro cho các NPH này trong trường hợp bị các cơ quan chức năng để ý tới.

Nhận định như vậy, nhưng đó không phải phép so sánh giữa MOL Access Portal và những cái tên như KoramGame. Dù sao MOL cũng hoạt động dưới danh nghĩa một cổng thanh toán trực tuyến dành cho game thủ. Như vậy, nhiều khả năng đây sẽ là tin mừng đối với một số game thủ đang thưởng thức những tựa game online nước ngoài khi có thể sử dụng chính những phương thức thanh toán đơn giản để nạp tiền cho những tựa game nước ngoài.

Tuy nhiên, chưa xét về vấn đề lợi nhuận có nguy cơ rò rỉ ra nước ngoài, chỉ tính riêng việc hợp tác với những đối tác game online nước ngoài, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực game online trong nước đã phải đối mặt với những lợi thế cũng như khó khăn rất riêng, mà nếu chưa có những kỹ năng xử lý một cách chuyên nghiệp, họ hoàn toàn có thể nhận trái đắng.

Game Việt lại lâm vào thế khó 3

Những lợi thế của việc bắt tay với người nước ngoài, đó là những đơn vị trong nước vốn chưa có kinh nghiệm hoạt động sẽ nhận được những sự trợ giúp cực kỳ hữu ích từ những đơn vị giàu kinh nghiệm không chỉ tại thị trường trong nước mà còn cả trên thế giới. Điều này giúp cho các đơn vị cũng như NPH Việt Nam thêm tự tin trong việc làm game.

Tuy nhiên, không thể không kể tới những nguy cơ tiềm tàng mà những cái bắt tay như thế này có thể đem lại cho chính người Việt Nam chúng ta. Các NPH game nhỏ lẻ với mong muốn có được thành công nhanh chóng, sẽ dễ dàng mắc bẫy những nhà phát hành đến từ Trung Quốc đầy tham vọng chẳng hạn, và với hy vọng có phần “quờ quạng” như thế này, việc một số đơn vị sẽ trở thành sân trước cho các nhà phát hành nước ngoài tung hoành tại Việt Nam với những chiêu trò khó lường trước.

Game Việt lại lâm vào thế khó 4
Ảnh minh họa.

Chưa dừng lại ở đó, nếu không giữ được khả năng tự lực với chính bản thân của mình, việc hợp tác với các đơn vị nước ngoài sẽ vô tình đẩy chính các NPH Việt vào thế khó, khi không thể cạnh tranh được với những nhà phát hành nước ngoài trên chính sân nhà của mình.

Chung quy, việc hợp tác luôn là một con dao hai lưỡi. Nếu biết cách khai thác và xử lý, ngành game Việt sẽ có thể trưởng thành hơn. Nhưng ngược lại, nếu điều đó không xảy ra, thì các nhà phát hành game nước ngoài khác sẽ lần lượt bước chân vào thị trường game Việt Nam, khiến chính chúng ta mất đi chỗ đứng tưởng chừng là vững chắc nhất.