Game thuần Việt giờ đang lưu lạc ở đâu?

PV  | 14/07/2012 0:00 AM

Nhưng, 2 năm trôi qua, chưa có thêm bất cứ thông tin đáng kể nào về ngày ra mắt của những "dự án mật" thời đó. Vậy những game này đang ở đâu? Liệu chúng có được ra mắt? Và tại sao những sản phẩm thuần Việt lại phải chờ đợi lâu đến vậy?

Cách đây khoảng 2 năm, chủ đề game thuần Việt thực sự gây sốt không chỉ trong phạm vi cộng đồng game online. Cả 3 NPH lớn nhất khi đó đều triển khai những dự án game của riêng mình. Rồi một loạt các studio nhỏ như Music King cũng gây không ít chú ý.
 
Nhưng, 2 năm trôi qua, chưa có thêm bất cứ thông tin đáng kể nào về ngày ra mắt của những "dự án mật" thời đó. Vậy những game này đang ở đâu? Liệu chúng có được ra mắt? Và tại sao những sản phẩm thuần Việt lại phải chờ đợi lâu đến vậy?
 
Muôn màu số phận game thuần Việt
 
Đầu tiên, phải nói là rất nhiều dự án trong các sản phẩm thuần Việt đã được trình làng và thu được những thành công đáng kể. Bạn tự hỏi tại sao bạn không "nghe" thấy những thành công này? Rất đơn giản. Hầu hết các sản phẩm thuần Việt đã được ra mắt thuộc thể loại social game và những webgame tương đối nhỏ. Tính đến thời điểm này, đây có lẽ là những dự án thuần Việt thành công nhất, chí ít là về mặt doanh thu.
 
 
Các game này có chung đặc điểm: dễ chơi, dễ làm. Một phần trong số chúng copy ý tưởng từ những social game đình đám của thế giới nhưng vẫn thu được không ít thành công ở thị trường trong nước.
 
Thứ hai, một số dự án đã hoàn thành, thậm chí đã phát hành tại các thị trường nước ngoài nhưng vẫn im ắng ở trong nước. Vấn đề thì có nhiều, một trong số đó là khâu cấp giấy phép. Có lẽ còn phải rất lâu nữa SQUAD mới có thể tung hoành tại thị trường Việt Nam dù cho thực sự nó là một game online tương đối tốt.
 
Một số dự án vẫn... đang trong quá trình phát triển. Đầu tiên phải nói rằng có những dự án game nghiên túc có thể kéo dài cả chục năm (như kiểu Diablo 3 chẳng hạn). Một số dự án nghiêm túc của các NPH lớn vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành, một số bị tạm dừng vì vấn đề kinh phí... Tình hình khó khăn chung của thị trường là một trong những yếu tố khiến các MMO thuần Việt này vẫn "trong quá trình phát triển".
 
 
Cuối cùng, một số dự án đã chết hoặc đình chỉ vô thời hạn. Rất nhiều studio game nhỏ, ví dụ như Music King đang gặp khó khăn trong việc phát hành các sản phẩm của mình. Rất nhiều dự án tiềm năng thậm chí có chất lượng tốt của những studio đã phá sản hoàn toàn bởi họ hoàn toàn không có khả năng phát hành trong khi các đơn vị lớn lại không mấy hứng thú với những sản phẩm này.
 
Tại sao lại bi đát đến vậy?

Điểm lại tình trạng của các game thuần Việt, nhiều người sẽ lắc đầu ngán ngẩm. Tại sao chúng lại bi đát đến vậy? Đâu là lý do chính dẫn đến hiện trạng này.
 
Thứ nhất, dù không vui những phải công nhận chất lượng của các game thuần Việt, đặc biệt là các game online chưa thực sự ấn tượng. Ngoại trừ SQUAD khá tốt, những game còn lại thực sự không đủ sức mạnh để cạnh tranh với các sản phẩm "ngoại". Tất nhiên, khi mà ngay cả những NPH lớn còn chưa tìm được con đường cho mình, thật khó để các studio nhỏ có thể thành công.
 
Vấn đề thì có nhiều. Ý tưởng không mới hay nói thẳng ra hầu hết là đi theo "đường mòn" mà các hãng lớn trên thế giới đã vạch ra. Có thể Music King nói đơn giản sản phẩm của họ trùng ý tưởng nhưng ra chậm hơn, chất lượng lại không hơn đối thủ, tiềm lực lai không bằng, khó có cửa thành công cho họ. Vốn, kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng. Thực sự, làng game Việt vẫn đang trong quá trình học hỏi nhiều hơn là làm sản phẩm.
 
 
Thứ hai, quá nhiều rào cản cho game thuần Việt. Tạm quên đi yếu tố vốn và kinh nghiệm, ngay cả khi có một sản phẩm tốt, game thuần Việt cũng chưa có đầu ra. Việc thắt chặt quản lý game online, không cấp giấy phép khiến cho hầu hết các sản phẩm, trong đó cả thuần Việt, không thể lưu hành và tất nhiên, người chơi không thể tiếp cận. Ngoài ra những rào cản đến từ chính các game thủ cũng khiến cho các nhà sản xuất game thuần Việt khó có thể thành công.
 
Thứ ba, game thuần Việt đang đi sau thời đại quá xa. Cách chơi game, tư duy làm game đã thay đổi, sẽ rất khó để các sản phẩm thuần Việt, vốn gắn liền với cách tư duy cũ thành công trong bối cảnh này. Xu hướng mobile hóa, nhanh hóa sẽ khiến thế giới game sẽ thay đổi rất nhiều và nếu không đáp ứng được, các sản phẩm thuần Việt sẽ bị loại bỏ.
 
Chờ đợi gì?
Sẽ vẫn có rất nhiều người ủng hộ sản phẩm trong nước, đó là sự thật. Tuy nhiên, thời gian qua đi, sự kỳ vọng ngày càng ít dần. Chưa tìm ra lời giải cho bài toán chất lượng và sự hấp dẫn, game Việt lại phải giải những bài toán khác còn lớn hơn. Thật khó để có thể hi vọng vào thành công của họ trong tương lai. Trừ khi có một cú hích thật lớn, nếu không có lẽ làn sóng thuần Việt sẽ nhanh chóng biến mất.

Vẫn hi vọng, nhưng đừng quá kỳ vọng...