"Game thủ Việt vẫn rất chuộng đồ miễn phí"

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 14/03/2013 12:15 AM

Căn bệnh trầm kha của hầu hết người chơi game tại Việt Nam.

Có lẽ đến thời điểm này, chúng ta đã bàn luận quá nhiều về Cửu Âm Chân Kinh, cơn sốt MMORPG mà Gosu đem về Việt Nam từ đầu năm nay. Thậm chí ngay cả việc 100 nghìn VNĐ, cái giá game thủ tại Việt Nam phải bỏ ra để thưởng thức tựa game đình đám này là đắt hay rẻ, cả tôi và các bạn đều đã có cơ hội nói lên ý kiến cá nhân của mình. Cái chúng ta chưa bàn tới, và cũng là chủ đề của bài viết hôm nay, chính là việc xem lại cái nhìn của cộng đồng game thủ Việt đối với những tựa game được phát hành, phát triển tại Việt Nam.
 
"Game thủ Việt vẫn rất chuộng đồ miễn phí" 1
 
Bỏ qua tất cả những nhận định trái chiều của các game thủ Việt khi đánh giá mức độ đắt rẻ của code kích hoạt Cửu Âm Chân Kinh, tôi phải khẳng định rằng, theo tôi, mức giá 100 nghìn VNĐ để người chơi tiếp cận MMO này là vô cùng hợp lý, thậm chí có phần rẻ hơn nhiều so với những phán đoán ban đầu của tôi khi NPH tuyên bố sẽ bán key kích hoạt game. Tuy nhiên việc nhà phát hành Gosu có thành công với tựa game này hay không phải để thời gian trả lời, vì việc một tựa game có thành công hay không hoàn toàn không thể chỉ dựa vào mức giá bán game, mà còn phụ thuộc vào gameplay, đồ họa, cách NPH vận hành game, hỗ trợ cộng đồng hay thậm chí là cả thói quen chơi game của cộng đồng nữa.
 
Thế nhưng, cái tôi cảm thấy kỳ lạ đó chính là cách tiếp cận vấn đề của không ít người. Tôi không hề có ý định đánh giá ý kiến cá nhân của bất kỳ ai, đơn giản vì tôi không có quyền. Một số người cho rằng giá code vẫn đắt, lấy lý do học sinh, sinh viên nghèo thì lấy đâu ra tiền mua key game để chơi? Nhận định của các bạn kỳ thực rất mâu thuẫn. Bỏ qua việc các bạn tải về một cách miễn phí bản crack của không ít những trò chơi đình đám, bom tấn từ những nguồn chia sẻ như Mediafire hay Torrent, thì cũng có không ít người bỏ tiền mua đĩa game ngoài cửa hàng (cũng là game crack) với giá 15 nghìn một đĩa. Nếu bạn chơi cả game offline lẫn online, thì chỉ cần tiết kiệm một chút là bạn hoàn toàn có khả năng chạm tới tựa game mơ ước của mình. Hoặc nếu điều kiện thực sự khó khăn nhưng vẫn muốn hết mình với game online, thì thị trường MMO Việt vẫn còn rất nhiều lựa chọn miễn phí khác.
 
"Game thủ Việt vẫn rất chuộng đồ miễn phí" 2
 
Điều tôi muốn đề cập sau những bình luận như vậy, đó chính là căn bệnh trầm kha của không ít game thủ Việt, cả online lẫn offline: Bệnh chuộng đồ miễn phí và ngại bỏ tiền mua nội dung số.
 
Phân tích một cách kỹ lưỡng, thì việc NPH bán code kích hoạt game cho game thủ đem lại lợi ích cho cả 2 bên: NPH vừa có lợi nhuận lẫn điều kiện tài chính để hoạt động tựa game một cách tốt nhất, trong khi đó nhờ vào việc NPH “có điều kiện”, game thủ sẽ được trải nghiệm một tựa game có chất lượng hơn, và bớt đi phần nào sự can thiệp quá mức của cash shop giống như những game free to play khác tại Việt Nam. Tuy nhiên chính căn bệnh chuộng đồ miễn phí có vẻ như đã khiến các bạn quên đi những lợi ích quá rõ ràng kể trên mà cố gắng đòi NPH tiếp tục giảm mức giá code của game, hay thậm chí là đòi Cửu Âm Chân Kinh chuyển sang miễn phí (!)
 
"Game thủ Việt vẫn rất chuộng đồ miễn phí" 3
 
Đây chắc chắn không phải lần đầu tiên làng game Việt dậy sóng vì một tựa game thu phí. Hẳn các bạn còn nhớ thời điểm nửa cuối năm 2011, khi game bắn súng đầu tiên do người Việt phát triển, 7554 chuẩn bị ra mắt. Mức giá của game vào lúc bấy giờ là 249.000 VNĐ. Nếu so sánh với những tựa game với chất lượng cũng như khối lượng công sức lao động của đội ngũ tương tự từ các quốc gia khác thì rõ ràng mức giá của 7554 sẽ là khập khiễng. Rất nhiều game thủ cũng như độc giả các trang tin game tại Việt Nam đã hô hào mua game bản quyền, nói không với crack. Tính cả tỉ lệ lạm phát, thì mức giá code Cửu Âm so với key 7554 vẫn rất rẻ, tuy nhiên các bạn vẫn cứ muốn... rẻ hơn nữa!
 
Thế nhưng điều mà bất kỳ ai lo ngại đã xảy ra khi game ra mắt. Tình trạng đìu hiu, ế ẩm đã biến 7554 trở thành một thất bại cay đắng về mặt tài chính, trong khi nội dung game rõ ràng là thành công về mặt lối chơi, đồ họa và nghệ thuật. Lý do của sự trớ trêu này một phần chính là do bệnh “ngại chi tiền” của gamer Việt.
 
"Game thủ Việt vẫn rất chuộng đồ miễn phí" 4
Những cộng đồng như Diablo 3 tại Việt Nam ngày càng mai một
 
Nói rộng ra một chút đối với cộng đồng PC console tại dải đất hình chữ S. Cộng đồng chơi game bản quyền ngày một co cụm, đối lập với đó là phiên bản crack của nhiều game càng lúc càng được tẩu tán nhiều và nhanh. Lý do kinh tế là một phần, phần nữa là ít có cộng đồng game thủ nào tại Việt Nam có đủ tâm huyết để tụ hợp lại với nhau, cùng nhau thưởng thức tựa game mình yêu thích. Tôi đã có cơ hội tham gia vào hai cộng đồng game bản quyền tạm gọi là có số lượng đông đảo nhất, chơi hai tựa game Battlefield 3 Diablo 3. Hai phiên bản game gần như không thể crack (Battlefield 3 chỉ có thể crack phần chơi đơn, còn Diablo 3 thì đến nay vẫn “vô phương thuốc thang”) đã gián tiếp “bắt” game thủ phải bỏ tiền để có thể thưởng thức tựa game mình yêu thích, bên cạnh niềm đam mê vốn có.
 
Nói tóm lại, căn bệnh của game thủ Việt, thứ mà tôi đã mô tả trong bài viết này chắc chắn sẽ khó có thể tìm ra thuốc chữa trong một sớm một chiều, kể cả ở mặt trận Online lẫn Offline.