Game thủ Việt thích thưởng thức stream game với bình luận viên Việt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/02/2015 05:28 PM

Có tới hơn 1 nửa số game thủ cho biết họ thích thưởng thức những trận đấu trực tiếp với sự hiện diện của những caster người Việt.

Thưa các bạn, ngay sau khi bài viết thuộc chủ đề "Hỏi game thủ" với nội dung "Bạn có thích xem stream game với caster Việt Nam?" được ra mắt cộng đồng game thủ Việt, chúng tôi đã nhận được không ít những chia sẻ của các bạn game thủ về sự hiện diện của những caster nước nhà trong những buổi tường thuật game trên các kênh stream quen thuộc với game thủ Việt hiện tại như Talk TV hay Twitch.

Trong số gần 500 lượt bình chọn của người hâm mộ game Việt thông qua công cụ trong bài viết trước, có tới hơn 1 nửa số game thủ cho biết họ thích thưởng thức những trận đấu trực tiếp với sự hiện diện của những caster người Việt. Quả thật, với những caster Việt, họ đang ngày ngày cố gắng để hoàn thiện kỹ năng, dần tiến lên trở thành một caster chuyên nghiệp và kiếm tiền từ chính công việc đòi hỏi sự tập trung và kỹ năng xử lý tình huống cao này.

Tuy nhiên ngay tiếp theo, hơn 1/4, cụ thể hơn là hơn 26% game thủ cho biết, vì nhiều thói xấu của một bộ phận không nhỏ caster Việt Nam, họ buộc lòng phải ngắt tiếng các kênh stream Việt Nam để theo dõi những trận đấu một cách thoải mái.

Game caster tại Việt Nam – Trào lưu hay công việc nghiêm túc 8

“Học tập” phong cách của nhiều caster nổi tiếng trên thế giới, một bộ phận game thủ Việt cũng “áp dụng” đúng bài vở trong khi bình luận game, từ việc đưa ra những lời nhận xét mang tính cá nhân, đến cả việc dùng những từ ngữ chưa phù hợp (tạm gọi là văng tục hay trashtalk trên kênh stream).

Đây là những hành động ban đầu có thể tạo ra sự hài hước ở bề nổi, nhưng về lâu dài, việc trashtalk không bao giờ đem lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong việc giữ chân người xem, những người quan trọng nhất đối với một caster.

Game caster tại Việt Nam – Trào lưu hay công việc nghiêm túc 7

PewDiePie, caster nổi tiếng người Thụy Điển cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn là một gương mặt gây nhiều tranh cãi. Chàng trai sinh năm 1989 này có những video clip chơi những tựa game kinh dị nhưng lại đem lại những tràng cười vỡ bụng cho người xem vì họ mải để ý tới điệu bộ và hành động của anh ta khi gặp những màn chơi toát mồ hôi lạnh.

Thế nhưng cũng không thiếu những lần PewDiePie trở thành cái tên bị chỉ trích vì sử dụng trashtalk quá nhiều trong quá trình bình luận game. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, cộng đồng game thủ cần một caster có cá tính riêng, ấn tượng nhưng vẫn phải chuyên nghiệp ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là cách họ giao tiếp với người xem.

Có thể nói, sau một thời gian caster Việt phát triển với một tốc độ cực kỳ mãnh liệt, thì những game thủ Việt cũng đã quen với sự hiện diện của những bình luận viên người Việt, và đã dần chấp nhận những caster như vậy. Tuy nhiên không ít caster Việt vẫn còn khá nhiều điều cần phải thay đổi để trở thành cái tên được nhiều game thủ Việt hâm mộ.

>> Đến bao giờ Caster DOTA 2 Việt Nam mới hòa thuận?