Game thủ Việt sắp hết khổ?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 17/08/2013 12:15 AM

Nhà phát hành nước ngoài liệu có khiến cho nỗi khổ của game thủ Việt chấm dứt?

Cách  đây ít lâu, khi bộ Thông Tin & Truyền Thông chính thức công bố Nghị định số 72 về việc quản lý các dịch vụ trực tuyến, trong đó có game online, làng game Việt đã bắt đầu nhen nhóm lên những hy vọng về một làng game online Việt Nam khởi sắc hơn, đủ sức tìm lại ánh hào quang của những thành công trong quá khứ.

Game thủ Việt sắp hết khổ? 1

Thế nhưng kể từ đó tới nay, ngoài việc một số tựa game online đình đám và hấp dẫn ra mắt game thủ Việt, đi kèm với đó là những tin đồn, những lời hứa hẹn về những tựa game lớn, những bom tấn sẽ ra mắt làng game Việt, thì cả game thủ Việt lẫn các nhà phát hành vẫn chưa thể nào thực sự thoát khỏi tình cảnh nghiệt ngã. 

Về phần nhà phát hành, game hay thì sở hữu cộng đồng người chơi ít ỏi và đang có xu hướng ít dần đi. Về phía game thủ, đó là những chuỗi ngày tưởng chừng đã “thoát khổ”, nhưng rồi tháng 08, tháng “cô hồn” lại tới với những webgame có chất lượng tầm tầm bậc trung, không khác khoảng thời gian cuối năm 2012, đầu năm 2013 là bao.

Game thủ Việt sắp hết khổ? 2

Thế nhưng đối với những game thủ Việt, những thông tin gần đây mà chúng ta có được lại đang hứa hẹn một thị trường game online Việt Nam đầy những hứa hẹn. Nếu như trong bài viết trước, ngành phát triển game nội địa đang gặp vô vàn khó khăn, thì đối với các game thủ Việt, trong tương lai gần rất có thể sẽ là thời điểm họ có thể đắm chìm với rất nhiều MMO chất lượng đến từ khắp nơi trên thế giới mà không phải lo lắng về uy tín của các nhà phát hành.

Thị trường rồi sẽ rộng mở

Khoảng thời gian giữa tuần này là một thời điểm với rất nhiều những thông tin, tích cực có, tiêu cực cũng có, thế nhưng thông tin tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là việc người Nhật đã có những động thái đầu tiên tấn công vào thị trường game online Việt Nam. Câu chuyện của chúng ta không chỉ dừng lại ở việc nhà phát hành game Nhật Bản kinh doanh game tại Việt Nam.

Game thủ Việt sắp hết khổ? 3

Doanh nghiệp Nhật giấu tên này đang tuyển với số lượng lớn những kỹ sư biết thiết kế game. Một điều rõ ràng là không chỉ dừng lại ở việc khai thác một thị trường đầy tiềm năng, người Nhật còn đang có tham vọng khai thác luôn cả chất xám của chúng ta để tạo ra những tựa game online đóng mác “Japan”. 
Chúng ta sẽ xét tới góc độ của các nhà phát hành cũng như ngành phát triển game trong nước ở phần sau của bài viết.

Về phần những game thủ Việt, rõ ràng đó là một tín hiệu đáng mừng. Những tựa game có bản sắc Việt, được nhào nặn bởi bàn tay designer Việt Nam, dưới sự quản lý của người Nhật rõ ràng sẽ có chất lượng hơn so với những webgame “rác” mà những cái tên như Koram Game hay Lemon Game đem sang Việt Nam như những game lậu không hơn không kém.

Không còn những “chiêu trò”

Có lẽ chẳng cần phải nói, chúng ta đã có thể ngầm hiểu rằng trách nhiệm của người Nhật với sản phẩm của mình lớn tới mức nào. Vô hình chung, người chơi những tựa game được phát hành tại thị trường Việt Nam cũng sẽ không phải canh cánh trong lòng nỗi lo rằng một ngày nào đó tựa game sẽ biến mất không dấu vết, tương tự với đó là khoản tiền họ đã bỏ ra cho nhân vật trong game.

Game thủ Việt sắp hết khổ? 4

Từ câu chuyện này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về một tương lai khi các nhà phát hành game online lớn trên thế giới, trong đó có cả Hàn Quốc chẳng hạn, cũng sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, với thị trường game MMORPG đã và đang có dấu hiệu chững lại tại xứ sở Kim Chi, các nhà phát hành game online Hàn Quốc chẳng chóng thì chầy cũng sẽ tìm cách đưa những bom tấn mà số vốn bỏ ra để phát triển lên đến cả triệu Đô sang những thị trường tiềm năng hơn hòng kiếm được lợi nhuận.

Đến lượt nhà phát hành nội gặp nguy

“Nếu điều đó xảy ra”, đó sẽ là những dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm cho các nhà phát hành Việt Nam. Không sở hữu những tựa game chất lượng bằng, số vốn bỏ ra để quảng bá cho chúng cũng chẳng so sánh được, rồi sẽ tới lúc các nhà phát hành game Việt Nam trở thành những kẻ thua thiệt ngay tại đất nước mình.

Khi đó, nếu không có những sự bảo trợ hợp lý đến từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam, làng game Việt sẽ trở thành một nơi dành cho các nhà phát hành game online nước ngoài đến tìm kiếm lợi nhuận, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì trầy trật tìm cách sinh tồn.