Phần đông game thủ bày tò sự đồng tình với những chia sẻ của game thủ Việt, những người bạn tôi đã có cơ hội đặt câu hỏi sơ bộ về sự gắn kết cộng đồng trong
game online hiện nay, với minh chứng rõ ràng nhất là những party, những bang hội trong game online giờ đa phần chỉ còn tồn tại trong những
cộng đồng co cụm, với số lượng game thủ ít ỏi.
Trong khi đó, một số game thủ thì đưa ra những ý kiến bao trùm lên cả cộng đồng
game online Việt Nam. Công bằng mà nói, nếu nhận xét một cách phiến diện thông qua cách các game thủ bày tỏ suy nghĩ, không ít người sẽ cho rằng những ý kiến như vậy là không thực tế,
“không hiểu tình hình mà cũng lên tiếng”, hay ác khẩu hơn nữa là
“nhảm nhí”.
Cụ thể hơn, những game thủ đã có một khoảng thời gian gắn bó với game online Việt đều nghĩ rằng giờ đây, chẳng riêng gì những party in-game, mà ngay cả cộng đồng game thủ cũng chẳng còn tính gắn bó hảo hữu như ngày xưa nữa. Thay vì tạo ra những cộng đồng game lớn mạnh, với những game thủ cùng tình bạn sản sinh ra từ trong game, thì game thủ ngày nay lại đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Điều này nếu cứ tiếp diễn trong một thời gian dài về sau, thì game thủ Việt sẽ như một cái chợ, mạnh ai nấy đi, chẳng được hòa đồng như mọi người từng hy vọng.
Quán internet: Mỗi người một game
Nhắc lại quá khứ đẹp đẽ, theo không ít người, là việc khiến chúng ta trở nên tụt hậu vì không dám nhìn thẳng tới tương lai phía trước. Thế nhưng họ quên mất một điều, quá khứ luôn ẩn chứa những bài học đầy giá trị mà nếu bỏ qua, nhiều khi việc tiến tới một làng game Việt với cộng đồng gắn bó và lớn mạnh về sau sẽ chỉ là một giấc mơ bong bóng không hơn không kém.
Nhiều năm về trước, khi còn là một cậu nhóc học cấp 3 tập tành chơi game online theo những “đàn anh”, sau giờ cơm tối, tôi đi theo đám bạn cùng xóm ra quán internet gần nhà. Nơi đó, tiếng hò hét, vỗ tay, hô hào mọi người cùng xung phong “ăn boss” vang dội cả góc phố. Bước vào bên trong, đôi mắt của một cậu học trò lần đầu biết đến game online dường như choáng ngợp, khi gần như tất cả người chơi ở đây đều đang thưởng thức cùng một tựa game: LineAge 2.
Mỗi người trong party đảm nhận một công việc khác nhau, và cách để họ đối thoại với nhau về chiến lược, cách tấn công, phòng thủ đơn giản chỉ là… hô to để đồng đội nghe thấy. Hết đợt raid, mọi người lại cùng cười nói vui vẻ và bàn luận về những món đồ họ nhặt được trong quá trình chơi game.
Giờ đây thì sao? Bước vào một quán net thông thường, dưới đây sẽ là cảnh tượng các bạn sẽ được nhìn thấy trong hầu hết thời gian quán mở cửa: Một vài cậu bé ngồi chung một máy, cùng chơi một account game, ở một góc khác là vài người đang mải mê với tựa game mà họ đam mê. Trong khi đó, những game thủ ồn ào nhất lại là những người đang bắn CS hay đánh DotA, thỉnh thoảng họ tri hô vị trí của đối thủ cho đồng đội.
Nói một cách khác, cái thời kỳ cả quán game cùng “phiêu” với một tựa game online lôi cuốn đã qua đi nhiều năm về trước, ở thời điểm hiện tại, quán internet chỉ còn là điểm đến của một hai game thủ vãng lai, chơi những tựa game mà đôi khi người ngồi cạnh cũng chẳng biết đến tên.
Event game: Chẳng chiều lòng người
Cộng đồng rời rạc dần, điều này là hiển nhiên. Câu hỏi được đặt ra là, bỏ qua thói quen chơi game của game thủ Việt, các nhà phát hành liệu có đang ‘xốc’ lại tinh thần cộng đồng bằng những sự kiện lớn và thu hút những người hâm mộ tựa game mà họ phát hành?
Thật khó có thể rút ra được câu trả lời có, hoặc không một cách dứt khoát cho câu hỏi này. Số lượng sự kiện, event trong game, offline gặp gỡ game thủ vẫn diễn ra với tần suất cao, thế nhưng sự hào hứng của game thủ lại chỉ đổ dồn về phía những giải thưởng hấp dẫn mà nhà phát hành hứa hẹn. Trong khi đó, những buổi offline gặp gỡ lẽ ra là cơ hội những người chơi cùng một tựa game tới làm quen với nhau, nhưng chuyện đó lại hiếm khi diễn ra trong những event gần đây.
Chỉ tháng trước thôi, tôi có cơ hội được tham gia một sự kiện có thể nói là tương đối lớn của một tựa game 3D được game thủ quan tâm tại Việt Nam. Thế nhưng phần lớn những người tham dự sự kiện đều là những game thủ chuẩn bị tham gia giải đấu quy mô nhỏ được tổ chức tại chỗ, với những phần thưởng hấp dẫn.
Không khí của sự kiện không có gì để chê bai trong khoảng 2 tiếng đồng hồ đầu tiên. Tuy nhiên sau khi giải đấu game được bắt đầu, thì vấn đề của không ít game thủ đã được bộc lộ. Những team đấu vì không may mắn đã thất bại, họ bỏ về hết, bỏ lại những đội game thủ đang chờ thi đấu những vòng sau. Thay vì nán lại quan sát trận đấu, học hỏi những chiến thuật hay, hay đơn giản hơn chỉ là… bắt tay đối thủ, thì những người tham dự sự kiện đã không khỏi ngao ngán khi thấy số lượng người tham gia cứ ít dần, ít dần.
Cái nhìn bi quan: Khó tránh khỏi
Một vài người bi quan thì lo ngại rằng, rồi sẽ đến một ngày, cộng đồng game thủ Việt hành xử không khác những người dưng ngoài xã hội, khi ai cũng chỉ lo cho bản thân mình. Đến khi đó, nếu kết cục xấu nhất xảy ra, thì ở Việt Nam, game online sẽ mất đi một trong những giá trị tích cực nhất của nó: Kết nối cộng đồng.