Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại làng
game online Việt Nam vào khoảng những năm cuối thập kỷ trước dưới dạng những phần mềm tự động train quái trong
Võ Lâm Truyền Kỳ, cho tới nay auto đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều… không nhất thì cũng phải nhì trong
làng game Việt.
Hầu hết những chia sẻ, bình luận trên các diễn đàn, những trang tin game online tại Việt Nam của các game thủ đều có chung một nội dung, đó là nói không với auto, một tựa game online hay phải có chiều sâu gameplay, bắt
game thủ phải tìm hiểu, bỏ thời gian chơi game thay vì chỉ click chuột và chờ đợi kết quả.
Vẫn có một số ít game thủ dám lên tiếng bảo vệ chính kiến và sở thích của họ với game online và công cụ auto, tuy nhiên những game thủ này nhanh chóng bị những game thủ khác “ném đá hội đồng”, đôi khi với những từ ngữ không văn hóa cho lắm.
Thế nhưng trở trêu thay, giữa lời nói và hành động của
game thủ Việt đôi khi có những sự trái ngược đến kỳ lạ. Chỉ cần nhìn vào một tựa game gần đây nhất mới ra mắt, chúng ta đã có thể nhìn thấy một cách rõ ràng sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của những game thủ Việt Nam.
Hãy bắt đầu với
Tinh Thần Biến, MMORPG 2.5D đã và đang thu hút sự chú ý cực kỳ lớn của cộng đồng game thủ Việt Nam. Ngay sau khi ra mắt, tựa game nhận được không ít phản hồi, tích cực có, tiêu cực cũng có. Thế nhưng một trong những lời phàn nàn nhiều game thủ đưa ra nhất chính là việc
Tinh Thần Biến hoàn toàn không có bất kỳ công cụ hỗ trợ người chơi nào, từ hệ thống tự động tìm đường tới auto đánh quái.
Sự mâu thuẫn nảy sinh, khi những comment với chiều hướng ngược lại luôn luôn áp đảo những game thủ ủng hộ việc đưa auto, công cụ “giúp ích” cho game thủ vào game online. Có thể kể đến một comment đại loại như: “Đã dùng auto thì chơi game làm cái gì? Để ngồi nhìn nó tự chơi từ đầu đến cuối rồi chỉ có việc nhận điểm kinh nghiệm thì còn gọi gì là chơi game? Thi thoảng click vài cú để qua đoạn hội thoại, rồi lại để cái công cụ ấy làm công việc của nó. Chi bằng cứ để đó cho auto tự chơi rồi mình đi làm việc khác có phải hơn không? Đằng này các bạn lại để game biến mình thành nô lệ như vậy”.
Nhận định kể trên không có chỗ nào sai. Có điều tác giả của đoạn bình luận đã có phần hơi sai lầm khi đặt vào ngữ cảnh cộng đồng game online Việt Nam. Giả sử, nếu đây là đoạn comment gửi tới những game thủ Hàn Quốc, những người mới đây đã bị một tựa game khóa tài khoản thẳng tay vì hành vi sử dụng bot và auto, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm và hoan nghênh.
Thế nhưng, sau nhiều năm trời tiếp cận với auto, có vẻ như cộng đồng game thủ Việt đã gần như quên hết những giây phút tự mình mày mò game, tự tìm đường tới một NPC làm nhiệm vụ, và thậm chí là tự đi train từng con quái để lên cấp.
Nhìn lại một chút, những webgame đã và đang cực kỳ thành công tại thị trường Việt Nam như Chân Long Giáng Thế, Võ Lâm Chi Mộng, Ngọa Long,… tất cả đều sở hữu mô típ gameplay với sự hỗ trợ của auto đến mức tối đa. Chỉ cần click, click và click, người chơi đã xong nhiệm vụ (thậm chí đôi khi còn chẳng cần phải click). Ấy vậy mà trái với những chia sẻ mang tính bài xích auto của game thủ Việt Nam, doanh thu của chúng vẫn vô cùng cao, có nghĩa là số lượng người chơi mỗi tựa game hoàn toàn không phải là những con số xoàng xĩnh.
Chốt lại vấn đề, những tiêu chuẩn nào tạo ra một tựa game online thành công tại Việt Nam? Như một lẽ dĩ nhiên, đồ họa vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, vì nó tạo ra những ấn tượng đầu tiên với cộng đồng game thủ. Kế đến là hệ thống cộng đồng tốt, nhiều event, phần thưởng hấp dẫn để thu hút game thủ Việt lâu dài. Thứ ba, cho dù tựa game có hệ thống nhiệm vụ và hệ thống gameplay sâu và hay tới đâu cũng chưa chắc đã lọt vào mắt xanh của đại đa số game thủ tại nước ta.
Thay vào đó, một tựa game với hệ thống auto “trang bị tận răng”, mặc dù chỉ sở hữu gameplay dừng lại ở mức bình thường, cộng thêm việc nhà phát hành đáp ứng được hai điều kiện đã được nêu trên cũng hoàn toàn có thể thành công tại làng game Việt Nam. Lý do ư? Game thủ Việt Nam giờ chẳng thể nào sống trong một tựa game online mà thiếu đi auto.