Nếu đã chơi game online, chắc hẳn đến 90% người chơi đã từng thốt lên những câu chán nản, bực tức với NPH game. Họ luôn cho rằng các NPH game ở nước nhà thường đáng “tội chém”. Cứ hễ mở miệng ra câu cửa miệng của game thủ luôn là kết tội NPH ngay khi có chuyện. Thậm chí họ còn đặt ra những biệt danh rất “ngỗ ngược” để nói về những nhà điều hành của mình. Vậy đâu là lý do dẫn đến điều ấy?
Réo theo phản xạ
Một khi có chuyện gì xảy ra với account của mình, game thủ luôn réo tên NPH, mà trực tiếp là đội ngũ GM để khiếu nại. Phần lớn game thủ luôn có sẵn phản xạ đó, chưa cần biết phải làm gì trước tiên. Có những vụ việc, khi xảy ra đáng lẽ phải làm report gửi cho đội ngũ chăm sóc khách hàng, hoặc bét ra là gọi điện lên tổng đài, nhưng họ lại không làm như thế.
Phản xạ trước hết là họ phải gào lên trong game là NPH làm ăn thế này thế kia. Sau đó, họ lọ mọ lên diễn đàn, lập topic để la ó lần 2, tại sao tôi bị thế này, các anh làm ăn kiểu gì… Với những game thủ như thế này, NPH luôn luôn có lỗi.
Một phần khá nhiều trong các vụ việc là do lỗi của các "thượng đế", chưa cẩn thận trong quá trình chơi game, để xảy ra sai sót này nọ. Họ luôn đề cao thiệt hại của mình dù chưa biết lỗi là ở đâu. Vậy nên trong phần lớn các trường hợp như vậy, kêu gào thì cứ kêu gào, nhưng sau đó chơi thì họ vẫn tiếp tục chơi…
Cũng có nhiều game thủ, họ kêu gào đơn giản chỉ là bởi những người khác cũng kêu gào. Trong đầu họ đã định sẵn một suy nghĩ là NPH này làm ăn không ra gì, có gì là cứ kêu lên đã, mọi thứ nói sau.
Vì quá háo hức với game
Một game hay sẽ sở hữu được một lượng người chơi rất lớn, doanh thu rất cao, tuy nhiên kèm theo đó lại là áp lực lên đội ngũ điều hành. Nếu quản lý game không tốt, nhất là những game đỉnh thì chỉ một sai sót nhỏ cũng đủ để xé ra to.
Update trễ chút cũng bị kêu réo.
Một vài lỗi của game có thể làm cho người chơi vốn quá đam mê với game, quá nhiệt tình và háo hức sẽ cảm thấy không an tâm. Ngay lập tức những cá nhân này sẽ bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về cách làm của NPH, rằng “làm kiểu này thì game chết sớm quá, sao có thể yên lòng chơi”.
Mà vốn những điều như vậy lại lan truyền khá nhanh trong cộng đồng game. NPH sẽ rất dễ bị “soi” sau những lỗi như vậy. Mắc thêm một sai sót sẽ đồng nghĩa với những lời kêu ca, phàn nàn ngay lập tức xuất hiện mà không cần biết lí do.
Còn với những lần update của game, khi có thông tin phong thanh từ nước ngoài là game thủ đã nháo nhào lên khi nào có khi nào cập nhật. Việc dịch một bản update thường tốn khoảng thời gian kha khá, sau đó lại phải chuẩn bị server, sửa chữa bảo trì lại máy móc để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình cập nhật.
Nếu chậm chạp trong vấn đề update thì người chơi sẽ bảo sao mà chậm chạp thế. Nhưng nếu ra mà có lỗi gì thì ngày lập tức nghe chửi là “NPH làm ăn chán quá”. Bởi thế mà câu chuyện muôn thuở là khi nào game update là lúc đó sẽ có kéo dài thời gian bảo trì, bảo trì đột xuất để sửa lỗi…
Vì NPH thiếu trách nhiệm
Có lẽ vấn đề về cách làm việc của các NPH game luôn là câu chuyện muôn thuở. Không có một game nào ra mà không xảy ra các vấn đề như hack, bug… Thực sự vấn đề quản lý có quá khó khăn hay không?
Đã có người chơi game, khó mà tránh khỏi việc có những cá nhân muốn hack. Nếu game không có hack, chỉ là do nó quá dở mà thôi. Vậy nên vấn đề chỉ là khi hack xuất hiện thì NPH mới tìm cách xử lý được. Tuy nhiên cũng vì vậy mà xuất hiện suy nghĩ rằng “có game nào mà không có hack đâu” từ phía NPH, sinh ra tâm lý ỷ lại, không quyết tâm giải quyết vì cho rằng việc này game nào mà chả có.
Cũng từ suy nghĩ đó mà một bộ phận những nhân viên chăm sóc khách hàng thường làm việc không tận tâm, khi tiếp nhận vụ việc không giải quyết kịp thời để các game thủ thoải mái chơi game. Vô hình chung, điều này tạo nên tâm lý ức chế của game thủ. Từ đó mà gây nên các làn sóng kêu ca, bức xúc với các vụ việc không được xử lý đến nơi đến chốn.
Game thủ luôn nhiệt tình, nhưng lại hay kêu ca quá...
Cũng có một lí do khác, đó chính là việc game thủ kêu ca nhiều quá, dẫn đến việc những người điều hành trở nên “chai mặt” dù ngày đầu thì rất nhiệt tình. Vì vậy, họ đối xử với người chơi có lúc như kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, thế nên kêu ca thì cứ kêu ca, bộ phận chăm sóc khách hàng không quá để tâm đến những lời đó.
Phải làm gì để hai bên tìm được tiếng nói chung?
Câu hỏi trên là một trong những vấn đề khó tìm lời giải nhất của làng game nước nhà. Để đạt được sự đồng thuận, một giải pháp mỹ mãn để mối quan hệ giữa game thủ và NPH luôn tốt đẹp là một điều không dễ. Ngay cả NPH game có tiếng là “con ngoan”, được lòng game thủ vẫn bị người chơi xỉa xói như thường.
Để game thủ có trách nhiệm hơn trong vấn đề chơi game, việc thành lập hiệp hội game thủ đã từng được tính đến. Thế nhưng mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu. Có lẽ cũng chả ai muốn đứng ra làm một chuyện nực cười như vậy cả. Bản thân game không phải là một nghề, mà chỉ là một lĩnh vực giải trí. Thành lập hiệp hội để quản lý vấn đề giải trí của bản thân có lẽ là chuyện rỗi hơi.
Để đạt được sự đồng thuận giữa hai bên sẽ còn xa lắm.
Bản thân game thủ phần lớn không phải là những người biết ứng xử. Phần nhiều là những thành phần như học sinh, sinh viên đang độ ăn học, không nhiều trong số họ có cách ứng xử hợp lòng người, nhất là khi với họ đây chỉ là trò chơi. Bảo họ hiểu cho NPH, đừng kêu gào nhiều quá quả là hơi khó.
Và cũng từ tâm lý mê game quá, la ó đó nhưng tiếc nhân vật của mình nên chẳng thể bỏ được game khiến cho lời nói của họ trở nên thiếu trọng lượng. Việc game thủ không hài lòng với NPH vì thế trở thành việc vốn dĩ phải có, không có gì phải lo nghĩ.
Vậy đâu là cách để game thủ và NPH cùng hiểu nhau? Có lẽ, cần phải chờ đợi nhiều hơn từ trách nhiệm của những đơn vị điều hành game nước nhà.