Công bằng mà nói, thì với số lượng
game online ra mắt đã lên tới cảnh giới đếm không xuể, cũng như chất lượng chỉ có thể được mô tả bằng cụm từ “thượng vàng hạ cám”, thì việc những comment đại loại như “game rác”, “hàng nhái”,… âu cũng là điều dễ hiểu.
Vậy rốt cuộc, những lý do gì khiến cho không ít game thủ có cái nhìn thiếu thiện cảm, đôi khi còn đến mức có thể cho là phiến diện như vậy? Điều đầu tiên cần phải khẳng định, không chỉ riêng game online, mà những chủ đề đủ khả năng tạo nên thành công cho một tựa game đều đã được khai thác gần hết. Bất kỳ tựa game mới ra mắt nào nếu xem xét thật kỹ lưỡng, chúng ta đều có thể tìm ra những chi tiết ăn điểm đã xuất hiện từ lâu, trong những tựa game tiền nhiệm.
Tuy nhiên hình như vẫn còn một số game thủ quy kết “cứ game tàu là nhái”, giống như ‘truyền thống’ đã quá nổi tiếng của đất nước được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Những game được coi là bom tấn của đất nước tỉ dân đều sở hữu những chi tiết về gameplay, đồ họa hay thiết kế nhân vật na ná nhau. Cộng với việc các nhà phát hành Việt Nam luôn có xu hướng chuộng những tựa game online đến từ đất nước láng giềng, làng game Việt đã vô tình trở thành nơi những MMO mang phong cách “nhai lại” hiện hữu.
Mỗi khi có thông tin nhà phát hành chuẩn bị đưa một hay một vài game online Trung Quốc mới về Việt Nam, không ít người lên tiếng kêu gọi những nhà phát hành game trong nước đưa những game online đình đám có xuất xứ từ Hàn Quốc hay phương Tây.
Kỳ thực, ngay cả những game các bạn cho là “đáng nhập về Việt Nam” xét cho cùng cũng là sản phẩm hội tụ những tinh hoa tạo nên thành công của những game đi trước. Những game nhái này rõ ràng mang lại cho người chơi không ít những lợi ích rõ ràng mà những game “bị nhái” như
World Of Warcraft hay
Guild Wars 2, thậm chí là cả
Diablo 3 khó có thể làm được.
Những game online nhái thường là những game miễn phí hoàn toàn giờ chơi, và sử dụng cash shop làm nguồn thu chủ yếu. Đối với những game tạm gọi là “xịn”, bạn sẽ thường phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để nuôi game dưới dạng phí trả hàng tháng hoặc phí mua bản quyền game ban đầu. Rõ ràng không phải ai cũng có điều kiện để theo kịp với cuộc chơi tương đối xa xỉ này.
Chưa kể, bỏ qua những trường hợp game online nhái một cách trắng trợn, thì những game copy một số chi tiết hay cũng đã trải qua quá trình phát triển của các studio game. Công sức của các studio vẫn nên được ghi nhận, hơn là việc chỉ trích game nhái không thương tiếc.
Nói tóm lại, những sản phẩm như
Allods Online,
Drakensang Online hay
The Legend of Tibet vẫn là những sản phẩm có chất lượng và đáng chơi. Hy vọng game thủ sẽ có cái nhìn khách quan hơn để có thể tỉnh táo chọn lựa giữa những game nhái kém chất lượng, với những game vay mượn ý tưởng nhưng đáng thưởng thức.