Thông thường, để chọn lựa một
game online gắn bó trong một thời gian dài,
game thủ cần phải thực hiện nhiều bước, trong đó việc tìm hiểu tựa game, thu góp những ý kiến phân tích, bình luận đánh giá tựa game đó là điều vô cùng quan trọng để biết liệu rằng tựa game đó có hợp với bản thân mình hay không.
Nhưng điều đó dường như không xảy ra ở
làng game Việt, hay nói đúng hơn là một bộ phận lớn cộng đồng
game thủ Việt. Trong vài năm trở lại đây, việc lựa chọn game chơi của nhiều người Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh từ cộng đồng, cũng như từ những chiêu quảng bá sản phẩm của nhà phát hành game.
Điều này dẫn tới một thực trạng, vào ngày ra mắt phần lớn game tại Việt Nam, hay một thời gian ngắn sau khi game ra mắt, miễn là
nhà phát hành tiếp tục quảng bá mạnh cái tên họ đang có, số lượng người chơi sẽ vô cùng đông đảo. Tuy nhiên sau đó ít lâu, số lượng người chơi sẽ giảm dần. Lý do chủ yếu là vì tựa game không phải món ăn phù hợp với game thủ.
Chọn game “theo sách vở”…
Thông thường, game thủ sẽ phải tìm hiểu không ít thứ liên quan tới tựa game họ đang mong đợi. Đầu tiên là tìm hiểu về NPH. Một kinh nghiệm khá phổ thông nhưng lại hiệu quả chính là việc chọn mặt, gửi vàng đối với những NPH lớn hay có tiếng tốt ở Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, nhiều NPH thường không muốn đề cập đến tên của mình nhưng các bạn có thể biết qua một số dấu hiệu như tên miền.
Việc "chọn mặt gửi vàng" cho các NPH lớn, uy tín tốt sẽ giảm thiểu nguy cơ bạn phải đối mặt với tình trạng chơi phải quá kém chất lượng, ít người chơi...
Kế đến là tính năng và đồ họa trong game. Ở thời điểm hiện tại, đồ họa là thứ quyết định 65% thành công một game online sắp ra mắt. Bạn hoàn toàn có thể cho rằng chỉ có lối chơi hay mới có thể thu hút game thủ. Nhưng không. Tại nước ta, game càng đẹp nhưng gameplay càng không phức tạp thì lại càng có cơ hội thành công hơn.
Ấy là chưa kể auto. Nhất định game MMORPG muốn sống ở thị trường Việt Nam phải có auto.
Sau cùng là tìm hiểu về việc NPH liệu có chăm lo đúng mức cho game hay không, cũng như tìm hiểu cộng đồng trong game có đông đảo, đoàn kết hay không.
Một phương pháp rất giản đơn để nhận ra rằng tựa game online mình đang chơi sắp chết chính là đánh giá vào số lượng người chơi hay số tài khoản trong đó. Rất dễ, bạn chỉ việc tham dự vào các hoạt động in-game như Bang Hội Chiến, Tống Kim… là sẽ nhanh chóng đánh giá được số người chơi trong server mình.
Vào thời điểm ban đầu, có thể số tài khoản sẽ khá đông nhưng chỉ sau một thời gian, số lượng người chơi ổn định sẽ nói lên phần nào mức hấp dẫn hay tầm vóc của tựa game online đó. Đây là điều luôn luôn đúng bởi nếu bạn có cảm thấy game online đó hay, liệu bạn vẫn có thể tiếp tục khi server chỉ lác đác vài ba gương mặt quen thuộc.
…Và thực tế
Trên thực tế, hễ có game online nào sở hữu đồ họa ấn tượng, những đoạn clip gameplay bắt mắt hay những tấm screenshot hoành tráng, đã mắt, 7 trong số 10 game thủ đã có thể đi đến kết luận chắc chắn sẽ chơi tựa game này, ngay từ lúc chưa biết cơ chế gameplay của trò chơi ra sao.
Đó là trường hợp game chưa ra mắt. Vậy còn game đã ra mắt một thời gian rồi thì sao? Game thủ chúng ta vẫn làm đúng theo một bước được đề cập ở phần đầu bài viết, đó là… nhìn vào cộng đồng trong game. Forum đông đúc, nhiều câu hỏi và bàn luận, game thủ sẽ có thể vào game ngay để thưởng thức cùng cộng đồng đông đảo.
Thế nhưng cả hai cách chọn game theo kiểu cảm tính đốt cháy giai đoạn như vậy dẫn tới nhiều phiền toái cho cả game thủ lẫn NPH.
Đầu tiên là về gameplay. Một tựa game đẹp, nhận được đánh giá cao của cộng đồng và giới chuyên môn chưa chắc đã phù hợp với một hay một số game thủ. Sau một thời gian thưởng thức, việc không quen thuộc và thích thú với cơ chế gameplay sẽ khiến game thủ dứt áo ra đi.
Kế đến là cấu hình. Game có thể rất đẹp, nhưng đồng nghĩa với đẹp là nặng. Nhiều gamer đã phải ngậm ngùi bỏ game, đơn giản vì cỗ máy của họ không thể chiều chuộng được cấu hình mà tựa game đòi hỏi.
Đối với các NPH, việc số lượng game thủ bỏ game vì nhiều lý do, mà trong đó có việc chọn game theo cảm tính đã khiến cho họ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đem một bom tấn về nước phát hành. Cộng thêm lịch sử không mấy vẻ vang của rất nhiều bom tấn từng làm mưa làm gió thị trường quốc tế nhưng lại chịu dừng bước ở Việt Nam, các nhà phát hành phải lựa chọn một hướng đi khác, đó là webgame với vòng đời ngắn.
Tạm kết
Chung quy, việc chọn game kỹ lưỡng không chỉ giúp cho game thủ gắn bó với tựa game mình thực sự yêu thích hơn, mà chính bản thân nhà phát hành cũng có thể nắm được xu hướng và sở thích của cộng đồng game thủ trong nước để phần nào đưa về làng game Việt những cái tên có chất lượng và thực sự thu hút được người chơi tại Việt Nam.