Game thủ Việt đang bội thực các loại "Kiếm"

Ngọc Nga  | 02/05/2011 12:03 AM

Không khó để bạn nhận ra rằng hiện tại game Việt đang có quá nhiều game có từ "Kiếm" trong tên của mình.

Nếu là một người để ý đến sự phát triển của làng game online Việt thì không khó để bạn nhận ra rằng hiện tại game Việt đang có quá nhiều game có từ "Kiếm" trong tên của mình.
 
Có quá nhiều "Kiếm"
 
Nếu điểm qua một lựa danh xưng của các game online đã từng được phát hành chính thức tại Việt Nam người ta có thể thấy rất nhiều game có "kiếm" trong tên như: Kiếm Thế, Kiếm Tiên, Thần Long Huyết Kiếm,... gần đây lại có trang teaster... Kiếm Rồng, Tiên Kiếm. Thậm chí ngay cả game thuần Việt đầu tiên cũng là... Thuận Thiên Kiếm.
 

Tiên Kiếm - danh xưng "kiếm" mới xuất hiện đầu năm 2011.
 
Không biết là do vô tình hay cố ý, các game nhập vai thời gian gần đây đều cố gắng nhét bằng được chữ... kiếm vào trong tên. Đó là chưa kể tới trong tương lai, nhiều khả năng FPT Online sẽ tiếp tục "rước" thêm một Giáng Long Chi Kiếm về thị trường trong nước.
 
Điều đáng nói là ngay cả một game không mấy liên quan như Dragonica cũng lấy tên là... Kiếm Rồng, vậy tại sao các NPH lại tin vào "Kiếm" đến vậy?
 
Thành công của Kiếm Thế
 
Không quá khó hiểu khi hầu hết các đại diện trên đều là những game Kiếm hiệp hoặc có liên quan đến Kiếm hiệp (trừ Dragonica). Kiếm Tiên có nội dung không thuần Á Đông nhưng với vai trò "người kế tục Kiếm Thế", cũng không quá khó để hiểu điều này.
 

Sự thành công quá lớn của Kiếm Thế khiến các NPH khác cũng học theo.
 
Không thể phủ nhận được thành công quá rực rỡ của Kiếm Thế đã ảnh hưởng lớn đến việc đặt tên các sản phẩm khác mà trực tiếp nhất, rõ ràng nhất là Kiếm Tiên. Ngay từ khi chưa ra mắt, MMORPG này đã được quảng cáo là... Kiếm Thế 3D. Trên thực tế trước khi Kiếm Thế thành công thì suốt 3, 4 năm trời làng game Việt chưa chứng kiến sản phẩm nào có chữ "Kiếm" ở tên gọi cả (ngoại từ Thuận Thiên Kiếm là bất đắc dĩ vì dựa theo lịch sử thanh kiếm Thuận Thiên).
 
Ngay sau khi Kiếm Thế hút khách như vũ bão, sang năm 2010 bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện của TLHK, Kiếm Tiên và đầu năm nay là Kiếm Rồng, Tiên Kiếm. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà các NPH lại đồng loạt chọn kiểu danh xưng này, họ đã thấy được tâm lý "chuộng Kiếm" trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam.
 
Kiếm - đặc trưng của tiểu thuyết Kiếm hiệp?
 
Vậy tại sao là Kiếm mà không phải là các vũ khí khác? Câu trả lời rất đơn giản, kiếm thường được coi là vũ khí quen thuộc và "cao quý" với các nhân vật anh hùng trong truyện kiếm hiệp. Đây là thứ vũ khí hiếm hoi có mặt trong hầu như tất cả các bộ tiểu thuyết quen thuộc hiện nay. Nghệ thuật sử dụng kiếm được yêu thích hơn nhiều so với các loại vũ khí khác.
 
Lấy ví dụ như nhân vật Độc Cô Cầu Bại (rất hay xuất hiện trong các tiểu thuyết của Kim Dung). Vũ khí của ông không được xác định rõ ràng (không xuất hiện cụ thể trong bất cứ truyện nào và được coi là biết mọi loại vũ khí) tuy nhiên, kiếm và kiếm thuật được coi là đặc trưng nhờ chiêu thức "Độc cô cửu kiếm" vô địch thiên hạ.
 

Chữ "Kiếm" đã ăn sâu vào tâm trí giới trẻ Việt Nam.
 
Hơn nữa, kiếm thuật đã trở thành một thứ nghệ thuật thực sự trong truyện kiếm hiệp. Thậm chí không còn đơn thuần là nghệ thuật sử dụng kiếm mà cao hơn là khả năng biến mọi thứ thành kiếm (như Lục mạch thần kiếm là kiếm khí)... Kiếm là thứ vũ khí hấp dẫn nhất, cao quý nhất và biến hóa nhất trong suy nghĩ của nhiều người đọc truyện kiếm hiệp (đặc biệt là của Kim Dung). Bạn có thể thấy đâu đó lác đác một vài người sử dụng thương, gậy hay nhiều hơn là đao nhưng tất cả đều không thể sánh được với kiếm về độ tinh tế.
 
Vì vậy, vô tình kiếm đã trở thành thứ vũ khí đại diện cho kiếm hiệp trong tâm trí người Việt, từ đó tạo nên cảm giác hưng phấn mỗi khi nghe thấy nó xuất hiện trong bất kỳ sản phẩm nào, kể cả game.
 
Tuy nhiên

Quá hợp với game kiếm hiệp, quá thu hút,... nhưng từ kiếm đang có dấu hiệu bị "lạm dụng". Kiếm Tiên thực ra không mấy liên quan đến kiếm hiệp nhưng cũng bị nhét từ... kiếm vào trong tên hay gần đây, Dragonica cũng bị gọi là "Kiếm Rồng" thì quả có cưỡng ép. Nếu đã chơi qua Dragonica rồi bạn sẽ thấy được sự bất hợp lý nếu đặt cho nó cái tên đậm chất kiếm hiệp này.
 

Có quá khiên cưỡng khi đặt "Kiếm Rồng" cho Dragonica?
 
"Món ngon ăn mãi cũng nhàm", tên game cũng vậy. Có thể, Kiếm Thế thành công, nhưng không có nghĩa là các NPH cứ đua nhau chạy theo "trào lưu" này. Trong thời gian tới, hi vọng họ sẽ cân nhắc kỹ hơn khi đặt tên game và không nên có tâm lý "ăn theo" các tựa game đã thành công.
Xem thêm:

game online