Đã không ít lần,
game thủ chuyên nghiệp của chúng ta nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi cũng như quên đi những khó khăn để đem về vinh quang cho Tổ Quốc. Những vận động viên
thể thao điện tử như vậy, tất nhiên đều được chúng ta vinh danh một cách xứng đáng như bất kỳ vận động viên thể thao chuyên nghiệp nào trong nước.
Thế nhưng một thực trạng từ trước tới nay vẫn còn là một vấn đề nan giải chưa có cách giải quyết một cách cụ thể, chính là việc không ít
game thủ chuyên nghiệp đã và đang từng ngày, từng giờ tập luyện cùng đồng đội, những mong một ngày có thể thay mặt cả một đất nước tranh tài tại những giải đấu đỉnh cao của thế giới.
Tuy nhiên những game thủ này lại chưa hề nhận được bất kỳ những sự quan tâm, theo dõi hay chí ít là được cung cấp điều kiện tập luyện đúng nghĩa và phần nào xóa bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đó chính là lý do khiến họ khó lòng có thể toàn tâm toàn ý training cùng tựa game mà mình yêu thích. Những thế hệ game thủ chuyên nghiệp cũng vì vậy mà dần thui chột.
Thật may mắn là, thời gian gần đây không ít những tựa game chưa có
nhà phát hành ở Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp cũng như từ chính cộng đồng game thủ. Điển hình chính là giải đấu
DOTA 2 Vietnam Champions League cũng như giải đấu Tt eSports
CS:GO Championship mới chỉ kết thúc ít ngày trước đây đã khiến cộng đồng game thủ phải nhìn nhận lại, có những cộng đồng còn phát triển rất vững mạnh, tuy nhiên đơn giản chỉ vì họ chưa được quan tâm đúng mức mà thôi.
eSports Việt từng có thời kỳ “casual hóa”
Tháng 04 năm 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định tặng thưởng 02 bằng khen cho các cá nhân, tập thể thuộc Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam.
Nhưng hãy thử điểm qua những bộ môn được tôn vinh trong lễ trao bằng khen được tổ chức vào tối ngày 04/04 đó: Đột Kích, Phi Đội, Audition, Fifa Online 2,… Một điều đã quá rõ ràng, khi mới ra mắt tại Việt Nam, tất cả những tựa game kể trên đều là game online với “chất” casual bộc lộ rõ trong cách chơi.
Khi “chất” casual của game được bộc lộ rõ rệt, thì tính eSports chắc chắn cũng từ đó là giảm đi phần nào. Việc game thủ chuyên nghiệp thi thố kỹ năng chơi game bằng những MMO casual, điều này ẩn chứa tương đối nhiều mâu thuẫn.
eSport từng vô tình trở thành lá bài vô cùng lợi hại cho các nhà phát hành game online trong nước mỗi khi mua game về Việt Nam. Sử dụng chiêu bài này, các NPH Việt có thể cùng lúc khai thác lợi nhuận từ những game thủ phổ thông, mặt khác tạo dựng được tên tuổi của mình thông qua việc tổ chức các giải đấu cho các clan hay gaming team trên khắp mọi miền tổ quốc.
eSports chân chính đang chuyển mình
Hãy bàn tới trường hợp của giải đấu Tt eSports CS:GO Championship. Tuy mới là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên của CS:GO tại Hà Nội, nhưng số lượng các team đã vượt ra ngoài dự kiến của ban tổ chức, và đã phải có vòng sơ loại diễn ra ngày ngày 27/04.
Điều này nói lên sức hấp dẫn không thể xóa bỏ của một trong những tựa game bắn súng được yêu thích nhất trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. Chỉ một hai năm trước đây, khi trò chuyện cùng một người bạn đang luyện tập trong một team CS 1.6 có tiếng tại Hà Nội, tôi nhận được chia sẻ:“Chúng tớ cũng đang chuyển dần sang CS: GO, giống như các team chuyển từ DotA lên DOTA 2 ấy. Giờ giải đấu chuyên nghiệp đều chơi CS: GO hết, 1.6 chẳng mấy chốc sẽ về vườn thôi.”
Chia sẻ của người bạn này khiến cho tôi giật mình nhận ra: Game thủ eSports chuyên nghiệp có thể không có một đội tuyển trang trải chi phí, cũng như phải bỏ tiền túi mua trang thiết bị tập luyện, thế nhưng đối với họ, niềm đam mê với eSports không hề dừng lại ở việc quẩn quanh với cộng đồng cũ. Họ luôn muốn thay đổi, với tham vọng tham gia những giải đấu chuyên nghiệp để thể hiện bản thân.
Bất chấp việc không có được sự đầu tư đúng mức để các game thủ có thể thi đấu đúng với thực lực và khả năng của bản thân, game thủ Việt vẫn đang trong quá trình chuyển mình, gạt đi phần nào những khó khăn để tập luyện và thi đấu.
Xin đừng bỏ quên game thủ Việt
Những cái tên như Legends.GO, Stars Boba hay Team Anubis ở thời điểm hiện tại khó lòng có thể nhận được những sự quan tâm như so với Saigon Jokers, đơn giản vì họ chưa có đơn vị chủ quản đủ khả năng tài chính để nuôi dưỡng một tuyển eSports chuyên nghiệp.
Dĩ nhiên khó khăn thường ít khi khiến họ nản lòng, thế nhưng nếu không có những cá nhân, tổ chức quyết tâm vực dậy phong trào, không có những giải đấu thực sự quy mô dành cho những game eSport đúng nghĩa, thì cộng đồng thể thao điện tử Việt Nam sẽ mãi đứng ở thế đầu voi đuôi chuột: Chỉ có những thành tích lớn nhưng không đều đặn.
Khi đó, sẽ mất rất nhiều thời gian để nền thể thao điện tử trong nước thực sự có những bước chuyển mình mãnh liệt, giúp Việt Nam chúng ta đứng ngang hàng với nhiều quốc gia mạnh không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.