eSport Việt Nam đã có quá tình phát triển lên đến hơn một thập kỷ. Kể từ thời điểm năm 2002, khi game thủ Nguyễn Khánh Toàn cùng đồng đội sang Hàn Quốc tranh tài bộ môn
Age of Empires 2: The Conqueror, tính đến nay nếu xét về lượng, số lượng
game thủ cũng như số lượng bộ môn (hay nói cách khác là số lượng tựa game có mặt trong các giải đấu đỉnh cao) những
game thủ Việt tham gia đã tăng theo cấp số nhân.
Thế nhưng một sự thật đáng buồn là, số lần những game thủ Việt đứng trên bục vinh quang trong những lần đọ sức tại các giải có quy mô từ khu vực đến quốc tế cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xét về chất, rõ ràng phong độ cũng như điều kiện thi đấu của game thủ chúng ta yếu hơn hẳn so với các nước bạn, vậy đến bao giờ game thủ Việt mới có thể đường hoàng đăng quang trên đấu trường khu vực cũng như quốc tế?
Tâm lý thi đấu
Thẳng thắn thừa nhận, đại đa số những lần game thủ Việt góp mặt tại những sân chơi trong khu vực và trên quốc tế, chúng ta đều rơi vào tình cảnh “cửa dưới” một cách vô cùng đáng tiếc. Cả phong độ lẫn tâm lý thi đấu của chúng ta đều bất ổn, mà nguyên nhân xuất phát chính từ việc huấn luyện chưa được quan tâm đúng mức. Những đối thủ lẽ ra không có cả kinh nghiệm lẫn khả năng thi đấu đôi khi lại có thể thắng được chúng ta cũng vì lý do này.
Điều kiện luyện tập, thi đấu
Nếu so sánh với những team game chuyên nghiệp trên thế giới, thì rõ ràng những team game chuyên nghiệp tại Việt Nam không thể nào có được điều kiện tập luyện, ăn ở, trang thiết bị thi đấu như của những đồng nghiệp nước ngoài. Ở đây tôi hoàn toàn không so sánh những Saigon Joker hay Anubis của chúng ta với những Natus Vincere hay iG Gaming. Chỉ tính đến những team như MiTH Trust của Thái Lan thôi chúng ta đã không thể so sánh được rồi.
Đơn cử từ đường truyền internet hay những hệ thống máy tính đủ sức chiến game ở cấp độ thi đấu đỉnh cao, hay nhỏ hơn là công cụ thi đấu như chuột, bàn phím, tai nghe, game thủ Việt đã vô cùng thiệt thòi. Đành rằng chúng ta có thể có khả năng bắt kịp nhịp độ trận đấu cũng như kỹ năng cao hơn hẳn, thế nhưng chỉ cần hơn kém nhau 100 ms ping thôi là cả trận đấu có thể thất bại.
Chỉ vài tuần trước đây, một sự kiện đã diễn ra trong khuôn khổ giải đấu DotA 2 tại Đông Nam Á. Sự kiện này đối với nhiều người là vô cùng hài hước, nhưng đối với những con người thực sự đam mê eSport Việt thì đó quả thực là một nỗi buồn. Trong trận đấu với đối thủ đến từ Thái Lan, thời gian thi đấu không cho phép đã khiến cho 1st VN trong game đấu thứ hai chỉ còn thi đấu với 4 thành viên, từ đó dẫn tới trận thua không đáng có.
Rõ ràng, nếu có được một kế hoạch bài bản, một đội ngũ làm việc chuyên nghiệp thì cũng sẽ chẳng có chuyện đội tuyển đại diện cho một quốc gia phải tìm một quán net để thi đấu, và cũng không có chuyện game thủ phải bỏ cuộc giữa chừng vì thời gian không cho phép.
Vấn đề tài trợ
Như đã đề cập trong không ít những bài viết trước đây về thực trạng thể thao điện tử tại Việt Nam, vấn đề tài trợ luôn là một trong những cản trở đầu tiên khiến cho eSport Việt Nam chưa đạt tới đẳng cấp thế giới chính là vấn đề tài trợ. Có những nhà tài trợ với khả năng tài chính dồi dào, những team game sẽ cùng lúc làm được nhiều việc: Tuyển được những game thủ có đủ khả năng thông qua những giải đấu trong nước, thêm nữa là tạo được môi trường huấn luyện và chơi game chuyên nghiệp, từ đó hứa hẹn kết quả thi đấu tốt hơn.
Thế nhưng đó chỉ là lý thuyết sáo rỗng. Số lượng các nhà tài trợ cho eSport Việt Nam giờ có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong khi những tên tuổi lớn như Razer hay SteelSeries thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ ngó tới chúng ta nếu thành tích thi đấu vẫn trầy trật như thế này. Hiển nhiên là làng game Việt rất cần thêm những Mạnh Thường Quân giúp đỡ những game thủ có khả năng nhưng điều kiện không cho phép để tiếp tục với đam mê và hoài bão của mình.
Tạm kết
Trên đây mới chỉ là những lý do chủ yếu khiến cho thành tích thi đấu của eSport Việt Nam tại khu vực và trên thế giới không được như mong muốn, mặc dù rõ ràng khả năng và kỹ năng của game thủ Việt Nam chúng ta không hề thua kém những cái tên khác trong khu vực. Làng game Việt, cộng đồng thể thao điện tử Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chúng ta có được vị trí xứng đáng trong khu vực cũng như trên thế giới.