Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến”

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 29/10/2013 12:29 AM

Nếu có được sự theo dõi sát sao, lựa chọn game một cách hợp lý, chưa biết chừng chính những tựa game sẽ là liều thuốc kết nối hai thế hệ lại với nhau.

Ngay sau khi bài viết về góc nhìn của xã hội Việt Nam về game được đăng tải, GameK đã nhận được không ít những phản hồi của các bạn độc giả về thực trạng đã và đang là một phần khiến cho làng game Việt không thể phát triển được như thực lực vốn có.

Những ý kiến đồng tình cũng có, trái chiều cũng có, điều này khiến cho chúng ta có được một cái nhìn đa chiều về góc nhìn của những game thủ, của những bậc phụ huynh, và thậm chí, đôi khi có thể là những người làm cha làm mẹ cũng chơi game nghĩ sao về giải trí tương tác nói chung, cũng như game online nói riêng.

Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến” 1

Chính vì lẽ đó, trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ nhìn nhận lại những đánh giá của cộng đồng về game, không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

Ở một chừng mực nhất định, những thứ được coi là “định kiến”, đáng buồn thay, lại xuất phát từ chính những tư duy chưa thỏa đáng, hay thậm chí là từ những câu chuyện các bậc phụ huynh truyền tai nhau về những tác hại của game. Ít ai để ý rằng, những tác hại hiển hiện đó lại xuất phát từ chính việc nơi lỏng quản lý con em mình.

Nước ngoài: Cha mẹ chơi game cùng con cái

Không chỉ game thủ Việt mà cả những game thủ nước ngoài hầu hết cũng phải sống với sự thực, rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc con cái họ ngồi nhà chơi game là lãng phí thời gian trầm trọng. Ngay cả những người có niềm đam mê lớn đối với game nhiều khi bị cho là “Nerd” hay “No life” (không có đời sống xã hội phong phú).

Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến” 2

Thế nhưng sự thật, theo những số liệu được điều tra một cách cụ thể lại chứng minh điều ngược lại. Vào tháng 04/2012, trang tin webpronews đã đưa ra một bảng kết quả điều tra, trong đó cho thấy 63% trong số các bậc cha mẹ được hỏi cho rằng game là thứ có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của con cái họ.

Chưa dừng lại ở đó, 66% phụ huynh cho biết họ có chơi game cùng con cái. Theo họ, việc chơi game vừa giúp họ cập nhật những thứ mới lại, vừa cho phép cha mẹ hòa nhập cùng con cái tốt hơn thay vì cấm đoán chúng thưởng thức game.

Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến” 3

Trong khi đó, ở một thị trường mà game bản quyền được triển khai một cách vô cùng bài bản, thì việc con cái hỏi ý kiến cha mẹ trước khi mua game là điều xảy ra thường xuyên. Cụ thể hơn, 83% game thủ trẻ dưới 18 tuổi xin ý kiến phụ huynh trước khi mua game. Điều này là vô cùng bình thường, vì với một tựa game với mức giá thường xoay quanh ngưỡng 40 đến 50 USD (khoảng 1 triệu Đồng tiền Việt), việc cha mẹ đồng ý cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mua cho con mình tựa game đó.

Việt Nam: Phụ huynh khó kiểm soát

Ngày nay, khi bước chân vào một cửa hàng bán máy chơi game (kiêm luôn dịch vụ bán game) tại Việt Nam, không khó để bắt gặp một gia đình đang lựa chọn cho con cái họ món đồ chơi công nghệ cao. Những cô bé, cậu bé mong chờ cha mẹ mình đầu tư một cỗ máy PlayStation 3, hay chí ít cũng là một chiếc Nintendo 3DS để có thể thỏa mãn với đam mê game đang dần lớn. Khi đó, chính các bậc phụ huynh sẽ là người quyết định con cái họ nên chơi game gì.

Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến” 4

Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên con số đó nếu đem so sánh với cộng đồng game thủ dưới 18 tuổi, độ tuổi chưa ý thức hết về hành vi của bản thân tại Việt Nam hiện nay thì quả thật không khác gì muối bỏ bể.

Lại nói về chủ đề game bạo lực. Nếu như ở phần đầu của bài viết, 83% gamer nhí tại Mỹ phải hỏi ý kiến cha mẹ trước khi mua game, thì tại Việt Nam, con số đó có lẽ chẳng thể thống kê nổi. Với việc game lậu (crack) xuất hiện tràn lan, chỉ cần vài bữa ăn sáng tiết kiệm được, là những cậu bé đã có đủ tiền mua về bất kỳ tựa game nào mà họ muốn.

Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến” 5

Hệ quả là, phụ huynh tá hỏa khi thấy con cái mình chơi những tựa game không phù hợp với lứa tuổi, và rồi lại… đổ lỗi cho game, trong khi trách nhiệm quản lý con cái, thứ quan trọng nhất lại bị bỏ quên.

Điều tương tự cũng xảy ra với những game online hiện nay. Với số lượng game online miễn phí rất nhiều tại làng game Việt hiện tại, có lẽ chỉ cần vài đồng lẻ, những game thủ nhí đã có thể chơi bất kỳ game nào ngoài tiệm internet, nơi hiếm khi có sự theo dõi của các bậc cha mẹ. Và rồi câu chuyện nạp thẻ hình thành với không ít những hệ lụy xấu có thể xảy tới cho các em cũng như cho gia đình.

Tạm kết

Bản thân việc chơi game không hề có hại, điều này đã được chứng minh. Tuy nhiên thứ gây hại nếu đi kèm việc chơi game chính là việc thiếu quan tâm tới con em của các bậc phụ huynh. Nếu có được sự theo dõi sát sao, lựa chọn game một cách hợp lý, chưa biết chừng chính những sản phẩm giải trí tương tác sẽ là liều thuốc kết nối hai thế hệ lại với nhau, một liều thuốc tràn đầy niềm vui.

Game thủ, tư duy của phụ huynh và cái gọi là “định kiến” 6

Chưa hết, việc cân bằng giữa game ảo và những trò chơi vận động trong đời thực cũng là thách thức không hề nhỏ cho bất kỳ bậc cha mẹ nào.