Không biết từ bao giờ, những người trẻ tuổi hay các cư dân mạng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới đều áp dụng công thức mặc định rằng, những người đam mê game, có thể bỏ ra cả ngày chỉ để ngồi lỳ trước màn hình, thường là những người ít khi có được những thành công trong cuộc sống thực.
Nói cụ thể hơn, theo cách nghĩ của rất nhiều người, những gamer là những con người tẻ nhạt, chỉ biết vùi đầu vào game sau giờ học, giờ làm, ít khi nói chuyện hay đi chơi với bạn bè, và càng không có kinh nghiệm “tán gái” khi chủ đề của những câu chuyện luôn xoay quanh những nhân vật trong game, chủ đề các cô nàng chẳng bao giờ thèm quan tâm. Những người như vậy hay bị gọi vui bằng cụm từ “Nerd”.
Đó là những gì đang xảy ra trên thế giới. Vậy còn tại Việt Nam? Tình hình có vẻ như không khác biệt nhiều so với phần còn lại của quả địa cầu cho lắm. Tôi đã từng nghe thấy cô bạn cùng lớp thì thầm về những người bạn nam học cùng khoa, khi họ bàn luận một cách sôi nổi về chiến thuật trong DotA: “Đội này xem chừng chắc cũng FA rồi!”
Thú thực, tôi cũng là một game thủ, và cũng phần nào nhận thấy tình trạng kể trên đã và đang diễn ra một cách cực kỳ rõ ràng. Đến đây chắc chắn sẽ có không ít độc giả sẽ ngay lập tức cuộn chuột xuống cuối bài viết, và để lại câu bình luận: “Nhận xét phiến diện. Có phải game thủ nào cũng Forever Alone đâu?” Tôi thừa nhận điều này.
Game thủ và Forever Alone đương nhiên là hai khái niệm hoàn toàn không liên quan tới nhau. Bạn mê game, nhưng vẫn có thể cân bằng được giữa game, công việc/học tập và cuộc sống thật ngoài đời, đó là điều cực kỳ đáng quý. Vậy tại sao vẫn có những gamer tại Việt Nam bị gán cho cái mác “FA”? Hiển nhiên là không phải game thủ nào cũng đều có thể tự cân bằng cuộc sống của họ theo hướng được đề cập trên đây.
Chúng ta hãy thử xét qua một vài lý do thường trực khiến cho một số lượng không nhỏ những anh chàng đam mê chuột phím thường không gây được ấn tượng tốt trong mắt các nàng, cũng như giải pháp cho chúng:
Không quan tâm tới vẻ ngoài. “Tôi sống giản dị, có cần gì mà phải chải chuốt, ăn mặc bảnh bao?” Giản dị là một chuyện, thế nhưng nếu bạn lờ đi vẻ bên ngoài của mình lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Việc bạn ra đường với mái tóc rối bù, bộ râu lởm chởm cả tuần không cạo, quần áo xộc xệch, úi xùi là một điểm trừ rất lớn khi bạn cố gắng đối thoại với người khác, đặc biệt là những người khác giới.
Chỉ cần bỏ ra một khoảng thời gian ngắn xem xét lại bản thân và tìm cho mình cách ăn mặc phù hợp, lịch sự, bạn sẽ tạo ra ấn tượng tốt với người đối thoại cùng. Vậy ăn mặc sao cho “lịch sự”? Với những người trẻ tuổi, thì quần jeans, áo phông đơn giản, vừa vặn với cơ thể và giày dạng sneakers thường là lựa chọn tối ưu cho những buổi đi chơi cùng bạn bè.
Kế đến là cách đối thoại. Tôi đã thử hỏi một vài cô bạn sau khi họ có những cuộc đối thoại chớp nhoáng với một số “game thủ”. Phần lớn câu trả lời tôi nhận được khi hỏi về không khí của cuộc nói chuyện là “có phần hơi kiêu” hoặc “vồ vập quá”. Thêm vào đó, một số gamer vốn đã quen với việc đi chơi và nói chuyện với những người bạn game, và cách sử dụng từ ngữ thường không phù hợp để đối thoại với những người khác giới.
Trong trường hợp bạn, một game thủ đang muốn làm quen với một cô gái, điều kiện tiên quyết là bạn cần giữ một thái độ bình tĩnh, điềm đạm nhưng đừng quá lạnh lùng. Nếu không bình tĩnh, bạn sẽ rất dễ có những hành động bộc phát với mục đích gây ấn tượng cho người ấy, tuy nhiên phần lớn thời gian nó sẽ gây ấn tượng xấu và người ấy có thể nghĩ bạn “thích thể hiện”.
Thêm vào đó, cách nói chuyện và khiếu hài hước cũng là một điểm cộng lớn. Bạn có thể thấy, những cô gái thường có cảm tình nhiều hơn với những chàng trai vui vẻ, biết ăn nói và có khiếu hài hước.
Khuyết điểm thứ 3 cần bàn tới là các game thủ không cân bằng được cuộc sống. Những trận đấu trong thế giới ảo hoàn toàn có thể lấy đi trọn một ngày trời của những game thủ, nếu họ không biết cách dừng lại và cân bằng giữa cuộc sống ảo và cuộc sống thực. Chưa kể, việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ, mà còn có hại đến sức khỏe và công việc/học tập nữa.
Việc sắp xếp một thời gian biểu hợp lý là một điều rất nên làm. Bên cạnh việc học, chơi game, những game thủ bị gắn mác “FA” cũng nên bỏ chút thời gian tham gia những hoạt động ngoại khóa, các sự kiện được tổ chức ngoài đời thực. Chưa biết chừng nếu may mắn mỉm cười, bạn hoàn toàn có thể tìm được đối tượng phù hợp với mình. Những gì xảy ra kế tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Vậy là, chúng ta đã chứng minh được rằng, game thủ hoàn toàn không đồng nghĩa với forever alone. Đơn giản là một bộ phận người đam mê game chưa có những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đối thoại ở ngoài đời, vì thế khó gây được ấn tượng tốt trong mắt các bạn khác giới. Mong rằng nhờ vào những tip nho nhỏ và sơ sài trên đây có thể giúp ích cho những game thủ đã và đang có nhu cầu “thoát phận FA”.