Như các bạn đã biết, Blizzard đã chính thức đưa vào sử dụng cơ chế WoW Token, một dạng "Kim Nguyên Bảo" đúng nghĩa đen dành cho những game thủ tham gia World of Warcraft, cho phép người chơi sử dụng những Token đó để đổi thành giờ chơi thay vì đóng phí giờ chơi theo tháng như trong quá khứ. Mỗi Token sẽ cho phép một người nạp thêm 30 ngày chơi game.
Điều đáng kể tới là việc game thủ có thể mua Token bằng tiền thật với giá 20 USD một Token, hoặc mua trên Auction House của tựa game với giá 30.000 gold. Điều này có nghĩa là, một game thủ hoàn toàn có thể sử dụng gold mà họ cày kéo được để... mua giờ chơi trong game. Điều này có thể khiến cho World of Warcraft trở thành một game miễn phí khi game thủ không phải bỏ tiền ra mà vẫn được thưởng thức game.
Điều này khiến cho không ít người hoảng sợ. Một thời kỳ hoàng kim với những game thu phí, với sự cân bằng một cách hoàn hảo trong gameplay của những game online rất có thể sắp đi đến hồi cáo chung với động thái mới nhất của Blizzard.
Câu chuyện muôn thuở, đó là cộng đồng game thủ giữa cuộc tranh cãi thu phí - miễn phí luôn bị phân hóa thành 2 phe. Trong khi nhiều gamer Việt Nam cho rằng việc thu phí sẽ giúp game cân bằng hơn, hạn chế được tình trạng game thủ tham gia ồ ạt làm nảy sinh những vấn đề như PK vô tổ chức, văng tục chửi bậy trong game, hack cheat, v.v…
Trong khi đó, không ít bình luận cũng cho rằng, nếu còn thu phí thì họ sẽ nghỉ chơi game. Đã không ít lần, chuyện game online thu phí trở nên nóng trong làng game Việt.
Chưa xét tới mức độ thành công của hình thức kinh doanh game kiểu thu phí (hàng tháng hoặc phí ban đầu), không ít game thủ đóng góp ý kiến về việc Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D đều phần nào có tư duy tương đối chủ quan: Một nửa thì mong đợi game miễn phí và có cash shop để phục vụ những game thủ “có tiền”. Trong khi đó những gamer muốn Võ Lâm Truyền Kỳ 3D thu phí thì nghĩ rằng nếu miễn phí, game rất có nguy cơ trở thành “pay to win”, nghĩa là càng bỏ nhiều tiền, nhân vật trong game càng mạnh.
Quay trở lại với hai mô hình kinh doanh game online được đề cập ở trên. Ở thời điểm hiện tại, tuyệt đại đa số những game online được phát hành tại Việt Nam đều sử dụng mô hình Free-to-play. Nhưng xin hãy nhớ rằng, đó chỉ là “free to play” về mặt danh nghĩa. Chẳng có một nhà phát hành game online nào chịu bỏ tiền tỷ ra mua bản quyền phát hành game đưa về Việt Nam chỉ để hoạt động miễn phí cả.
Và thế là cash shop ra đời. Một mặt, cash shop phục vụ cho nhu cầu doanh thu của nhà phát hành, để cùng lúc vừa hoàn lại số vốn bỏ ra, mặt khác tìm kiếm lợi nhuận từ cộng đồng game thủ thưởng thức game online tại Việt Nam. Mặt khác, cửa hàng ảo (nhưng dùng tiền thật) này lại thỏa mãn nhu cầu cày cuốc, đua top của game thủ Việt, đa phần mang trong mình tư tưởng “dục tốc”.
Cố nhiên, càng nhiều người thưởng thức tựa game, thì số người chịu bỏ tiền ra để đổi lại những chức năng riêng có cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Chưa kể, khi game miễn phí, thì số lượng người có thể tiếp cận game sẽ càng nhiều lên, từ đó nhà phát hành cũng tạm yên tâm về vấn đề doanh thu.
Chúng ta có thể kể đến rất nhiều game online miễn phí đặc biệt thành công ở Việt Nam, với doanh thu hàng tháng thậm chí có thể lên tới 10 chữ số. Từ đó, thuật ngữ “hút máu” cũng định hình trong cộng đồng game thủ Việt Nam. Công bằng mà nói, NPH nào thì cũng cần có tiền để mua, để vận hành, để quảng cáo game.
Hơn nữa, với tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” của các game thủ Việt, vòng đời game ngắn ngủi, các NPH Việt muốn sống được thì không còn cách nào khác là “hút máu” người chơi càng nhiều càng tốt.
Và đó cũng chính là lúc những tựa game thu phí mất đi chỗ đứng của nó. Một trong những bình luận nổi bật trong bài viết về Võ Lâm Truyền Kỳ 3D trong ngày hôm qua có nội dung đại ý: “Trên thế giới vẫn còn rất nhiều game online thành công nhờ vào mô hình thu phí hàng tháng, số lượng người chơi vẫn rất đông đảo.” Đó là câu chuyện ở thị trường nước ngoài. Những game thủ này đã quên mất một điều: Chúng ta đang ở Việt Nam.
Như đã nói ở trên, thứ nhất, game thủ nước nhà rất ít khi chịu khó tìm hiểu hệ thống của một tựa game. Thứ hai, cách chơi game theo kiểu “đua top” đã ăn sâu vào tâm lý rất nhiều người, khiến cho họ mong muốn game chơi lên level phải thật nhanh. Và quan trọng hơn cả, game thủ Việt vô cùng chuộng đồ miễn phí.
Tất cả những lý do kể trên dẫn tới những hệ quả: Auto trở thành “một nét văn hóa” của cộng đồng game, và game free to play ngày một thành công tại nước ta. Ấy là chưa kể, game thủ Việt Nam “nói vậy mà chẳng phải vậy” , khiến cho không ít lần NPH game online đã điêu đứng với những tựa game online thu phí.
Sau khi thăm dò ý kiến game thủ, với những câu trả lời như “thu phí sẽ làm game cân bằng hơn, hạn chế những mặt trái của game online”, NPH cũng tạm yên tâm tung ra tựa game của mình ra thị trường dưới dạng thu phí. Chỉ một thời gian ngắn sau, họ mới tá hỏa khi tựa game trở nên đìu hiu, chẳng ai chơi. Lý do đơn giản nhất là đa phần (chứ không phải tất cả) game thủ Việt Nam đều không có điều kiện bỏ khoản phí chơi game hàng tháng, vì hầu hết còn đang trong độ tuổi đi học.
Thực sự, làng game Việt Nam đã qua lâu rồi cái thời game online thu phí trở thành chuẩn mực của thị trường. Với những lý do được đề cập trên đây, quả thực rất khó cho bất kỳ tựa game online nào đã, đang và sẽ được tung ra trong thời điểm này theo hình thức thu phí (hàng tháng hoặc mua mã kích hoạt) tìm được thành công tại thị trường trong nước.
Trong khi đó với những game thủ game online nước ngoài, thì những Guild Wars 2, Final Fantasy XIV, Elite: Dangerous hay tượng đài Eve vẫn tồn tại và thậm chí là hoạt động một cách ổn định. Có thể nói game thu phí trên thế giới vẫn còn chỗ đứng, đặc biệt là với những game thủ MMORPG cổ điển, những người dám bỏ tiền để đổi lấy nhiều thứ vững chắc hơn trong gameplay thay vì chỉ vài bộ cánh đẹp mắt và đầy mạnh mẽ như trong game miễn phí.
>> Tự sự một game thủ đã… chán game