Game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 20/11/2013 12:07 AM

Những lý do nào khiến cho một số game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi?

Khi nói về một số webgame 2D có nguồn gốc đến từ “người hàng xóm” phương bắc, không thiếu những game thủ Việt chẳng hề ngần ngại đặt cho chúng cái tên không thiện cảm chút nào: Game rác. Rõ ràng với cơ chế auto trang bị tận răng người chơi, đi kèm với đó là đồ họa lối chơi không khác biệt gì (có chăng khác tên chiêu thức đề phù hợp với bối cảnh game), gọi như vậy cũng không ngoa cho lắm.

Thế nhưng lý do vì sao những “game rác” như thế này vẫn được các nhà phát hành đưa về thị trường Việt Nam, và vẫn cứ trở thành một trong những chủ đề được cộng đồng game thủ bàn luận có phần gay gắt?

Game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi 1

Nếu game chẳng có ai chơi, thì các nhà phát hành của chúng ta cũng chẳng dại gì đâm đầu vào mua những sản phẩm như vậy về Việt Nam. Làm như thế không khác gì việc tự tay cắt đứt nguồn sống của họ. Game vừa đìu hiu, cộng đồng thì quay lưng, chưa biết chừng chính danh tiếng tạo dựng trong bao năm của NPH cũng sẽ bị cuốn đi cùng với chất lượng trung bình của những game online kể trên.

Thực tế hoàn toàn trái ngược. Không ít webgame chất lượng thấp đang sở hữu số lượng CCU đáng nể, thậm chí còn có thể trở thành “ước mơ” của một số game client nữa. Vậy điều gì đang xảy ra ở làng game Việt hiện tại? Những lý do nào khiến cho webgame bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi?

Quỹ thời gian

Khi khoảng thời gian dành cho game của những người chơi tại Việt Nam không còn được như trước kia, thì cũng là lúc những game online client trước đây bộc lộ vấn đề về gameplay.

Game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi 2

Không còn thời gian cày cuốc, làm nhiệm vụ. Cũng chẳng còn thời gian đi đánh những con trùm tốn nhiều thời gian và công sức, điều này khiến cho game thủ buộc phải tìm đến những tựa game khác mất ít thời gian hơn để thỏa mãn niềm vui với game của mình. Đó cũng là lúc webgame lên ngôi và chiếm được thị phần không hề nhỏ của làng game Việt hiện tại.

Thói quen của game thủ

Nhìn lại một vòng những game online đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng những MMO đáng để game thủ bỏ thời gian chơi cùng bạn bè rốt cuộc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Còn lại là gì? Đơn giản, là những webgame dễ chơi, dễ tiếp cận những cũng dễ chán nhờ sự hiện diện đến lạm dụng của những công cụ hỗ trợ.

Game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi 3

Chính điều này đã đẩy một số game thủ từ core xuống mức casual. Lý do là vì họ chơi game chủ yếu để được gặp bạn bè đồng đạo, chat chit cho vui chứ một tựa game quá phức tạp, lối chơi có chiều sâu chưa chắc đã đủ khả năng giữ chân những game thủ như vậy.

Chiêu bài PR

Các nhà phát hành, đặc biệt là những cái tên vừa và nhỏ có không ít những chiêu thức PR game để thu hút cộng đồng game thủ thưởng thức các tựa game online mà họ phát hành. Điển hình có thể kể tới việc sử dụng những dịch vụ pop up trên các trang tin, các diễn đàn được nhiều người, đặc biệt là các game thủ tham gia. Sử dụng những hình ảnh ấn tượng, thậm chí có thể là hở hang, phản cảm, nhiều nam game thủ đã tò mò thử tìm hiểu game.

Game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi 4

Thậm chí, một số nhà phát hành nhỏ còn áp dụng cả những cách thức PR đã từng được đề cập trong những bài viết trước đây: Sử dụng pop up với những hình ảnh 18+ khêu gợi.

Dĩ nhiên, về cơ bản thì những đoạn teaser như vậy vẫn bị lên án một cách không thương tiếc, cả từ cộng đồng game thủ lẫn toàn xã hội. Rõ ràng là chúng để lại không ít hậu quả cho làng game, từ việc hứng chịu cái nhìn phiến diện của xã hội, tới việc bị game thủ tẩy chay và quay lưng. Thế nhưng chúng vẫn hiện diện và lần lượt được không ít các nhà phát hành game online vừa và nhỏ sử dụng.

Vấn đề cấu hình

Như đã đề cập trước đây, chẳng phải game thủ nào cũng sở hữu được cho mình một cỗ máy chơi game với cấu hình hợp thời, đủ sức chơi những game online 3D với nền tảng đồ họa cao cấp, bắt mắt. Cộng với lý do thói quen đã đề cập ở trên, không ít game thủ đã quay về lựa chọn webgame với những ưu điểm không thể chối cãi về mặt cấu hình máy tính yêu cầu.

Game online bị chê rác nhưng vẫn đông người chơi 5

Ấy là chưa kể, trong quá khứ những tựa game lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ đều là những sản phẩm game online nền 2D hoặc 2.5D với bối cảnh kiếm hiệp, tiên hiệp, thể loại đã ăn sâu vào tiềm thức giới trẻ Việt sau nhiều năm gắn bó với phim ảnh, truyện tranh cũng với bối cảnh như vậy. Điều này dẫn tới việc webgame 2D tuy rằng không còn hợp thời, nhưng vẫn rất nhiều người chịu gắn bó, và cũng là lý do để các NPH đã, đang và sẽ tiếp tục đưa webgame 2D về Việt Nam.