Một trong những chủ đề đang rất hot trong cộng đồng
game thủ Việt thời gian gần đây chính là sức hút của những tựa game online đến từ Nhật Bản. Nếu như trong ngày hôm qua, một tựa game nền di động mang đậm tiêu chí giáo dục mang tên
JLPT Prep có thông tin đang trên đường về Việt Nam, thì trong thời gian ngắn trở lại đây, không ít những game online như
Final Fantasy XIV hay
Phantasy Star Online 2 cũng thu hút sự chú ý của không ít game thủ.
Một điều có thể chắc chắn rằng, nếu những tựa game đầu tiên đến từ xứ sở Hoa anh đào thành công tại Việt Nam, thì các
nhà phát hành game online trong nước của chúng ta sớm muộn cũng sẽ phải để ý tới những MMO Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi những tựa game Nhật về với làng game Việt, chúng ta cũng cần nhìn ở nhiều góc độ đa chiều, từ cộng đồng game thủ đến cả các nhà phát hành để thấy được cái lợi, cũng như những mặt hại có thể nảy sinh tại thị trường Việt Nam nếu game online Nhật có được thành công.
Văn hóa Nhật có chỗ đứng chẳng kém Trung Quốc
Đó là sự thật. Tuy rằng người phương Bắc đã có hẳn vài nghìn năm cố gắng “đồng hóa” người dân Việt Nam, thế nhưng trong nhiều năm qua, tầm ảnh hưởng của văn hóa Nhật, của những tác phẩm văn học, những bộ phim, hay đáng chú ý hơn cả là truyện tranh Nhật Bản đã kịp tạo dựng được chỗ đứng vô cùng vững chãi trong một bộ phận giới trẻ nước ta.
Những người thuộc thế hệ 8x, 9x từng sống trong thế giới của những Doraemon, Goku, hay sau này là Conan, và gần đây nhất là những cái tên như Monkey D. Luffy hay Uzumaki Naruto. Truyện tranh Nhật hay những bộ phim một thời đình đám như Osin, những cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người Việt Nam hiện nay.
Chưa dừng lại ở đó, Final Fantasy, Resident Evil, Mario… rất nhiều những cái tên do những nhà làm game Nhật Bản tạo ra đã gắn liền với tuổi thơ không ít người trong số chúng ta. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cảm giác hãnh diện khi được bố mẹ đầu tư hẳn cho một bộ SNES hay PlayStation 1 “xịn”, để chúng bạn trầm trồ thán phục mỗi khi tới nhà.
Chính vì thế cũng chẳng có gì quá lời khi dự đoán trước được thành công của những game online Nhật Bản khi chúng tiến vào thị trường Việt Nam. Thậm chí, ngay cả những game nhập vai đang được mở cửa ở thị trường nước ngoài vẫn được không ít người tìm mọi cách vượt qua những rào cản ngôn ngữ hay chặn IP để thưởng thức.
Game Trung Quốc không còn vị thế độc tôn
Nếu những tựa game như vậy về với làng game Việt, thì rõ ràng vị thế độc tôn của những tựa game online Trung Quốc, những sản phẩm chiếm tuyệt đại đa số game online đang có mặt tại Việt Nam sẽ mất đi vị thế độc tôn vốn có của chúng.
Khó có những sản phẩm Nhật với chất lượng như thế này
Xét mặt bằng chung, game Trung Quốc không thua kém gì game Nhật Bản nếu xét trên mặt trận game online. Người Trung cũng đã biết cách sử dụng những gì họ học hỏi được sau bao nhiêu năm để tạo ra những cái tên như Hắc Kim hay Tân Lưu Tinh Sưu Kiếm Lục.
Trong khi đó, với một thị trường mà game thủ tập trung vào những hệ máy console hơn, những cái tên như Dynasty Warrior Online hay Wizardry Online cũng không sở hữu nền tảng đồ họa rực rỡ hơn những sản phẩm Trung Quốc là bao nhiêu.
Thế nhưng nếu xét về mặt bằng chất lượng, thì những game online Nhật hiếm, hoặc có lẽ chẳng có khi nào người Nhật bỏ công ra làm những webgame hạng xoàng như những sản phẩm Trung Quốc xuất hiện nhan nhản tại Việt Nam vài năm trở lại đây để bị mang tiếng là “game rác” cả. Tư duy chơi game của người Nhật khác người Trung Quốc, và tương tự như vậy với tư duy làm game.
Vẫn là người ngoại quốc
Đó lại là một sự thật khác mà chúng ta không thể chối cãi. Cho dù là người Trung Quốc, người Hàn Quốc hay Nhật Bản đi chăng nữa, thì mục tiêu đầu tiên của họ tại thị trường Việt Nam vẫn sẽ là lợi nhuận. Dĩ nhiên không như người Trung Quốc nhận tiền từ nhà phát hành xong có thể phủi hết trách nhiệm hỗ trợ, người Nhật sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, điều vốn vẫn thấy ở dân tộc Đông Á.
Thế nhưng, khi người Nhật chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam, đó sẽ là một khó khăn nữa đè nặng lên vai các nhà phát hành trong nước. Việc cạnh tranh vốn đã khó rồi sẽ còn khó hơn khi nhà đầu tư nước ngoài bước vào cuộc chơi.
Chưa dừng lại ở đó, một dấu hỏi lớn vẫn còn đang bỏ ngỏ, đó chính là chất lượng của những tựa game đóng mác “Made in Japan” liệu có được như những sản phẩm offline từng được ngưỡng mộ hay không. Thật sự, đến game offline Nhật Bản còn có thượng vàng hạ cám, thì game online Nhật, những tựa game có thể sẽ cập bến làng game Việt vẫn còn là một ẩn số lớn.