Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 13/07/2013 09:00 AM

Võ Lâm Truyền Kỳ 3D
07/08/2013 NCB: KingSoft NPH:

Nhìn lại quãng đường 10 năm game online Việt, hầu hết "cao thủ" đều thừa nhận, bóng dáng dòng game nhập vai kiếm hiệp là nguồn lực không thể chối cãi...

Tháng 3/2005, Võ Lâm Truyền Kỳ chính thức ra mắt người chơi tại Việt Nam. Ngay lập tức, trò chơi đã trở thành tâm điểm thu hút làng game online Việt, vốn trước đó vẫn phập phù với sự lộng hành của thế giới MU Hà Nội (không bản quyền) và thế giới Khan Online (do CyberWorld) phát hành. Chỉ một thời gian ngắn, Võ Lâm Truyền Kỳ đã vươn lên trở thành tựa game thu hút game thủ nhất. VNG từ một công ty "vô danh tiểu tốt" nhanh chóng trở thành một trong những "anh cả" làng game Việt.

Bùng nổ mạnh mẽ

Mệnh đề kéo theo của sản phẩm này, là dòng game nhập vai kiếm hiệp bùng phát. Trong một thời gian ngắn, người ta thấy rất nhiều trò chơi "xưng hùng bá" với phong cách "kiến nghĩa bất vi vô dõng dã", như Cửu Long Tranh Bá, Thế giới Hoàn mỹ, Hiệp khách Giang hồ, Tru Tiên... cùng nhau chinh phục đông đảo người chơi game. Sự phổ biến này lan tỏa đến mức, nhiều người không hề chơi game, thậm chí phản đối game cũng đánh đồng các sản phẩm game online là... game kiếm hiệp. Mãi đến sau này, khái niệm "chơi game" là "chơi Võ Lâm Truyền Kỳ" vẫn tồn tại trong nhận xét của nhiều người "vô can với làng game".

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 1
Võ Lâm Truyền Kỳ làm nên tên tuổi của nhà phát hành VNG

Sức hấp dẫn của game kiếm hiệp tại thị trường Việt được đánh giá với 3 lý do. 

Thứ nhất là đa số game đều có cấu hình nhẹ, cách chơi linh hoạt, tương thích cấu hình các phòng máy cho thuê ở mọi nơi. Nhất là các game kiếm hiệp có nguồn gốc Trung Quốc, thường thiết kế đơn giản hơn các game từ Hàn quốc hay Châu Âu. 

Thứ hai, giai đoạn 2003 cũng là lúc khởi phát sự nhìn nhận về văn học kiếm hiệp tại Việt Nam, mà các tác phẩm quá khứ từng thể hiện. Cùng với truyền hình, sách báo, game online trở thành biểu hiện đầy đủ về văn hóa kiếm hiệp từ xứ sở gấu Trúc quảng bá sang, được nhiều bạn trẻ ủng hộ và chấp nhận. 

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 2
Kiếm hiệp làm say mê nhiều game thủ

Thứ ba, việc phát hành của một số game kiếm hiệp có tương quan một số hiện tượng như dùng phần mềm can thiệp auto, để chơi dễ hơn, được nhiều người chơi sử dụng.

Vì thế, game online nhập vai kiếm hiệp đã được một thời tung hoành mạnh mẽ, xuyên suốt sự phát triển giải trí nội dung số tại Việt Nam. Trong đó, Võ Lâm Truyền Kỳ với sứ mệnh tiên phong vẫn luôn giữ thế thượng thừa đến tận giai đoạn suy thoái đầu tiên thế hệ MMORPG.

Ẩn nhẫn sẵn sàng

Bước ngoặc đánh dấu sự tụt dốc của các game nhập vai kiếm hiệp, chính là sự hiện diện những webgame đầu tiên năm 2008. Có thể nói, thời điểm này thị trường game Trung Quốc có những thay đổi quan trọng về chính sách quản lý của chính quyền, tạo điều kiện cho môi trường game phát triển. Các game client đòi hỏi cài đặt trở nên nặng nề trong mắt nhiều người. Thay vào đó, họ tiếp cận webgame, dòng sản phẩm chạy trên các nền trình duyệt, nhẹ nhàng và cập nhật nhanh hơn. Khía cạnh này cũng ghi nhận nhiều game cốt truyện kiếm hiệp, thậm chí sản lượng game chủ đề này có thể nói nhiều đến kinh người. 

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 3
Webgame chiếm lĩnh

Bởi vậy, webgame đã mau chóng chiếm lĩnh thị trường giải trí online Việt. Các nhà phát hành cũng ưu tiên hơn với thể tài này, vì dung lượng gọn, điều hành quản lý ít sự cố, tuổi thọ sung mãn của một game lại ngắn hơn. Giá bản quyền của các webgame cũng là một lý do khiến nhiều sản phẩm được tập trung khai thác, dù có trùng lắp nhau, như các webgame cùng hệ nội dung Tam Quốc, Thủy Hử... 

Một lý do khác, quan trọng hơn, chính là sự nhàm chán của cộng đồng sau thời gian dài "cày cuốc" với game client. Quá nhiều game nhập vai kiếm hiệp ra mắt đã khiến người chơi mệt mỏi, và họ cần "món ăn mới". Đó là lý do để webgame, và các thể loại khác như Casual, RPS... được người chơi chú ý hơn, tạo nên cơn sốt "tẩy chay game kiếm hiệp" ở các thời điểm cục bộ từ 2008 - 2011.

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 4
Game casual cũng là một đối thủ lớn

Đứng trước những đe dọa tổn thất ấy, đa số game nhập vai kiếm hiệp đã chọn giải pháp "ẩn nhẫn đợi thời'. Dù một số sản phẩm như Kiếm Thế vẫn thu hút, song các nhà phát hành không mạnh dạn đề cập mảng MMORPG kiếm hiệp nữa. Trong đó, nhà phát hành VNG tỏ ra yên lặng nhất để bình ổn sự phát hành game của mình, chuyển biến khéo léo giữa các sản phẩm webgame và client...

Sẽ trở lại mạnh hơn?

Bước qua 2012, thị trường game Việt, tương đồng với thị trường chung bên ngoài, bắt đầu đặt vấn đề "hồi sinh game client", mà chủ yếu là game kiếm hiệp. Lý do đơn giản, là thị trường webgame bắt đầu bão hòa, người chơi cần tìm những giá trị cộng đồng thu hút được tình cảm và tinh thần của họ. Đây cũng là lý do để các game MOBA nở rộ, như DotA, Liên Minh Huyền Thoại do Garena Việt Nam phát hành…

Đa số người chơi đã hiểu hơn thực trạng "yểu mệnh" từ webgame, và họ cần được bổ túc những nhìn nhận thỏa đáng hơn về giá trị cộng đồng, giải trí bền vững với game online. Các sản phẩm game client được nhắc gợi lại, bởi nội dung cốt cách và lối chơi đòi hỏi đầu tư nghiêm túc hơn. Thêm nữa, nhiều game MMORPG 3D mới cũng bắt đầu được tung ra, chiêu mộ sự quan tâm của nhiều người.

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 5
Công nghệ 3D sẽ quyết định vị thế của dòng game kiếm hiệp

Đến khi những sản phẩm như Cửu Âm Chân Kinh, Thiên Long Bát Bộ 3D, Thần Ma Đại Lục... triển khai và tái hiện, suốt nhiều tháng "giao mùa" từ 2012 qua 2013, thị trường game Việt đã trở nên "sốt nóng" với các chủ đề game nhập vai kiếm hiệp. Lần thứ 2, câu chuyện game online nhập vai kiếm hiệp được đề cập. Giữa các nhà phát hành bắt đầu có sự so sánh "đẳng cấp sản phẩm", như Độc Cô Cầu Bại với Độc Cô Cửu Kiếm... Ý thức người chơi cũng thay đổi theo hướng ủng hộ các game được chứng thực bản quyền và chống đối auto.

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 6
Người chơi ủng hộ các game có bản quyền và không auto

Hơn nữa, ở góc độ nhà quản lý, sự bành trướng webgame đã tạo sự dễ dãi về quản lý các tài khoản chơi game và đầu game phát hành. Do đó, yêu cầu xiết chặt công tác quản lý giấy phép game online tiếp tục đặt ra, khiến nhiều nhà phát hành phải lo ngại số phận các sản phẩm "ngắn hạn". Vô hình chung, nạn phát hành game tự phát cần chấn chỉnh, đã “mở cửa" cho các game cài đặt, có bề sâu trách nhiệm giữa nhà phát hành và người chơi, giữa cá thể chơi game và cộng đồng giải trí.

Tình hình chung đó đã mở cơ hội tái phục dòng game nhập vai kiếm hiệp. Không hẹn mà cùng, các tựa game mới và cũ về chủ đề này lại được chú ý. Cửu Âm Chân Kinh lập tức được một nhà đầu tư mới nắm quyền phát hành trên thị trường, thay thế nhà phát hành cũ bị nhà quản lý xử phạt. Tiếu Ngạo Giang Hồ được điều đình mang tiếp bản quyền về Việt Nam bởi một nhà phát hành có bề dày. Nhất là, Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D, phiên bản mới nhất của trò chơi danh tiếng một thời, lại được VNG mang về, kỳ vọng tạo "cơn sóng mới cho làn thủy triều" kiếm hiệp online. 

Game nhập vai kiếm hiệp, con đường đến đâu? 7
Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D của VNG

Cách chơi thay đổi, đồ họa thay đổi, tinh thần thay đổi... với tiêu chí mạnh hơn và hấp dẫn hơn là những yếu tố hứa hẹn làm lay động lòng người chơi từ sản phẩm này. Thêm nữa, với đa số những ai đã trải qua ngày tháng cùng game nhập vai kiếm hiệp, những tên tuổi mới này thật sự mang lại cho họ niềm tin tưởng về lựa chọn "chơi nữa hay không".

Hơn bao giờ hết, trong những ngày qua, dòng game nhập vai kiếm hiệp lại sẵn sàng tương ngộ làng game Việt, mà tiêu biểu là cơn sốt mong chờ Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D đang khuấy đảo game thủ xa gần.