Bên cạnh những tựa game với giá trị giải trí đơn thuần, trên thế giới đã và đang tồn tại một thể loại sản phẩm tương tác mà chúng ta thường gọi là serious game (có thể dịch vui là game "nghiêm túc"). Chúng hoàn toàn không có giá trị giải trí như những tựa game thông thường. Sở dĩ nó vẫn được gọi là trò chơi (game), có lẽ vì các chuyên gia về truyền thông đa phương tiện cũng như giải trí tương tác vẫn chưa thể nào tìm được cái tên khác để gọi thể loại sản phẩm tương tác này.
Vậy serious game tồn tại vì mục đích gì? Hầu hết những họa sỹ và người có khả năng làm ra các sản phẩm tương tác đều sử dụng serious game để truyền tải một số thông điệp nào đó tới một bộ phận đối tượng khách hàng riêng biệt. Dĩ nhiên đôi lúc, serious game tạo ra cảm giác không lấy gì làm thoải mái cho lắm.
Một trong những serious game mà game thủ Việt biết tới nhiều nhất chính là dòng game mô phỏng Flight Simulator. Tất cả những thao tác trong game đều được mô phỏng một cách cực kỳ chính xác như một chuyến bay thật diễn ra ở ngoài đời, từ việc đưa máy bay ra đường băng, những thao tác của cơ trưởng... Ngay cả việc cất và hạ cánh cũng phải được thao tác một cách vô cùng chính xác. Chính vì thế, không phải ai cũng có thể quen được với những trải nghiệm trong Flight Simulator.
Trong khi những tựa game mô phỏng khiến như Flight Simulator hay dòng game Lock On của Ubisoft chỉ dành cho những người đam mê thực sự, thì serious game cũng có những sản phẩm casual với những thông điệp hết sức cụ thể gửi tới cộng đồng. Lấy ví dụ, Take Action Game vào năm 2006 đã cho ra mắt một webgame mang tên Darfur is Dying.
Trong tựa game nền flash này, bạn sẽ đóng vai một người tị nạn tại Darfur, Sudan. Công việc hàng ngày của bạn sẽ là cố gắng lấy được thực phẩm, nước uống từ những tổ chức nhân đạo để có thể sống sót tại trại tị nạn đang bị nạn đói hoành hành. Ngay sau khi ra mắt, Darfur is Dying đã nhận được không ít những nhận xét tích cực về giá trị thông tin mà nó mang lại cho những người sống bên ngoài cuộc khủng hoảng.
Hay gần đây nhất, một tựa game lấy đề tài những công nhân nhà máy Foxconn tự tử vì điều kiện làm việc quá khắc nghiệt tại đây đã dấy lên những tranh cãi trong cộng đồng. Họa sỹ người Mỹ Benjamin Poynter đã tạo ra In A Permanent Save State, một tác phẩm nghệ thuật với sự hòa quyện một cách vô cùng chặt chẽ giữa sự gò bó, ngột ngạt, cảm giác bị kiểm duyệt vô cùng chặt chẽ và cảm giác chơi vơi thiếu an toàn.
Trong "game" này, bạn sẽ đóng vai linh hồn một nam công nhân trẻ tại một nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc (Chính xác là cụm từ Foxconn trong game bị che đi theo kiểu cố tình, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra cụm từ này). Anh vừa tự giải thoát cho bản thân thoát khỏi điều kiện lao động khổ sai bằng cách tự sát, và người "chơi" sẽ phải giúp đưa anh ta về được miền cực lạc.
Như đã mô tả, những màn chơi được xen giữa những đoạn văn ngắn mô tả chuyện đời của chàng công nhân xấu số, vốn muốn kiếm tiền để nuôi em gái đi học. Những màn chơi có sự xuất hiện một cách hết sức rõ ràng của những chiếc iPhone, những tên quản đốc với bộ dạng và hình thù hung dữ, và đường đi của chàng thanh niên trẻ lúc nào cũng ở trong tình trạng nhỏ hẹp, chênh vênh.
Đi kèm với hình ảnh, âm thanh nhạc nền và những tiếng la hét, mắng mỏ chèn giữa mỗi màn chơi, Benjamin đã phần nào đem cảm giác của những người công nhân một ngày lao động 18 tiếng đồng hồ để hoàn thành sản phẩm, tới đúng những người đang cầm món đồ ấy trên tay.
Chỉ 30 phút sau khi xuất hiện trên App Store, tựa game đã bị Apple "cấm cửa" mà không có bất kỳ lý do nào rõ ràng. Thế nhưng không ít người, trong đó có cả tôi cũng đã kịp tải về sản phẩm này và thưởng thức. Quả thật, cảm giác chu du trong In A Permanent Save State không hề dễ chịu một chút nào. Nó có cảm giác mất an toàn, chơi vơi, vừa ngột ngạt một cách đáng sợ, lại vừa có gì đó ám ảnh. Đó là những thứ rất, rất ít khi game thủ được trải nghiệm, kể cả khi thưởng thức những tựa game kinh dị được xếp vào hàng xuất sắc.
Với những giá trị mà thể loại sản phẩm tương tác này đem lại, serious game đã, đang và sẽ vẫn là một kênh truyền tải tốt những thông điệp mà những nhà làm game muốn gửi gắm tới cộng đồng trên toàn thế giới, đặc biệt là những thông điệp xoay quanh những sự kiện mang tính thời sự cao.