Nếu bây giờ bất chợt phải kể đến những game Việt làm bạn ấn tượng nhất thì chắc chắn 2 cái tên hiện ra ngay lập tức sẽ là
Flappy Bird và School Cheater. Flappy Bird thì không có quá nhiều thứ để nói bởi với thành tích đứng đầu App Store, mang lại lợi nhuận lớn kinh khủng cho tác giả Nguyễn Hà Đông và phải ra đi bởi chính sự nổi tiếng này đã định nghĩa được chất lượng của nó.
Bản lý lịch của
School Cheater cũng không hề kém cạnh là bao như việc vượt qua 800 đối thủ, lọt vào top 11 của cuộc thi Game Development World Championship 2013 và nhận được lời mời hợp tác của ông lớn Rovio.
Tuy nhiên có 1 sự thật khá đau lòng là ngoài 2 cái tên trên, bạn có thể kể ra thêm tên 1 tựa game Việt hoàn toàn độc lập về ý tưởng, có chất lượng trong nội dung không? Điều đó là khá khó mặc dù qua từng ngày, số lượng game mobile của những nhà lập trình nước nhà ngày càng gia tăng.
Lại 1 lần nữa chúng ta phải nói đến hiệu ứng Flappy Bird, nguyên nhân khiến thị trường game mobile Việt cực kỳ sôi nổi thời gian gần đây với hàng chục tựa game mới ra mắt mỗi ngày. Tuy nhiên cái gì cũng có 2 mặt của nó. Trong khoảng thời gian ngắn thì mặt tốt của hiệu ứng Flappy Bird được thể hiện vô cùng rõ ràng và ai cũng có thể thấy được, nhưng về lâu dài thì sao?
Game Việt ra đời nhiều nhưng bao nhiêu trong số đó là thực sự có chất lượng, bao nhiêu trong số đó là độc lập về ý tưởng, không vay mượn nơi đâu? Và nguyên nhân nào khiến ngành công nghiệp game mobile Việt Nam lại phát triển theo hướng “lệch lạc” như vậy?
Game mobile Việt đang đi sai hướng?
1. Tâm lý lười suy nghĩ, muốn bám vào thành công sẵn có
Phải công nhận rằng lập trình viên của Việt Nam có trình độ không hề kém so với các lập trình viên nước ngoài, vậy do đâu mà họ lại chủ yếu copy, port, tạo ra những bản clone của các tựa game nổi tiếng? Câu trả lời rõ ràng bởi đó chính là những cái tên đã thành công và các nhà phát triển game của nước nhà muốn bám vào cái thành công ấy hơn thay vì mạo hiểm tạo ra 1 tựa game “độc lập” chưa chắc đem lại doanh thu.
Điều này mang đến cho chúng ta những tựa game dễ tiếp nhận hơn, không còn rào cản ngôn ngữ, cách thể hiện cũng gần gũi hơn với người Việt nhưng lại hạn chế sự mạnh bạo, khác biệt về ý tưởng trên con đường phát triển của cả ngành công nghiệp game mobile.
2. Cộng đồng làm game chưa thực sự chuyên nghiệp
1 sự thật vẫn làm nhức nhối chúng ta bấy lâu nay chính là việc cũng như bóng đá, nền công nghiệp game mobile Việt nằm trong vùng trũng của thế giới và đang trên đà phát triển và để làm được điều này, chúng ta cần những cái tên như Flappy Bird. Hiệu ứng Flappy Bird đã đề cập ở trên mang lại cho người Việt 1 định lý: “ai cũng có thể làm game”.
Việc tạo ra 1 tựa game mobile là không hề dễ dàng những cũng không phải là không thể. Bạn không cần thiết phải có chuyên ngành IT mà chỉ cần niềm đam mê và sự tìm tòi kiến thức là đã có thể làm ra được 1 tựa game đơn giản. Thêm vào đó, chỉ cần mất 600,000 VNĐ để đăng ký tài khoản trên Google Playstore, tựa game bạn sẽ được ra mắt tới tất cả mọi người.
Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều người Việt lao vào cuộc chơi, khiến cho công đồng làm game ngày càng sôi nổi, náo nhiệt. Tuy nhiên các bạn làm game với niềm đam mê, việc tạo ra 1 tựa game cũng đủ làm các bạn hạnh phúc nhưng với việc liên tục “làm lại” các tựa game nổi tiếng thì tính chuyên nghiệp của thị trường mobile cũng ngày càng mờ nhạt.
3. Sự ủng hộ chưa thực sự nhiệt tình của game thủ nước nhà
1 quy luật tất yếu của thị trường: “Có cầu thì sẽ có cung”. Định lý này có thể áp dụng được với hầu hết mọi mặt hàng và đương nhiên cũng đúng với người làm game cũng như game thủ. Có rất nhiều game thủ ủng hộ nhiệt tình tới những sản phẩm nước nhà nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy. Có lẽ do đã quá quen với tư tưởng hàng ngoại tốt hơn nên phần lớn còn lại chưa có niềm tin thực sự chắc chắn với ngành công nghiệp game Việt.
Nếu bây giờ chúng ta lướt App Store hay Play Store mà thấy 1 game Việt hoàn toàn mới và lạ lẫm, đó là chưa kể đến việc có tính phí hay không, thì bao nhiêu người trong chúng ta sẽ click tải về chơi hay chỉ nhìn lướt qua cho biết sau đó nhanh chóng tìm đến tựa game khác? Đó cũng là nguyên nhân khiến các nhà lập trình game Việt không dám mạo hiểm, họ chọn con đường làm lại những tựa game đã thành công trên thế giới như 1 phương pháp tiếp cận dễ dàng và “chắc chắn” hơn.
Nói chung, việc copy hay clone lại những tựa game nổi tiếng là 1 phương pháp tốt để làng game ngày càng sôi động nhưng nhìn đi nhìn lại thì đây cũng chỉ là con đường tạm thời. Nếu muốn thực sự phát triển và đưa tên tuổi đất nước đi xa, các lập trình mobile game cần thoát khỏi cái bóng nổi tiếng và thành công để có những hướng đi độc đáo, mới lạ.